Trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế đang hứng chịu cuộc khủng hoảng sâu rộng nhất kể từ cuộc đại suy thoái 1929-1930, việc đánh giá những bài học, kinh nghiệm trong quản lý Nhà nước, đặc biệt là sử dụng các công cụ quản lý tài chính, trong đó có bảo hiểm tiền gửi đối với thị trường tài chính Việt Nam là vấn đề nóng hổi và quan trọng. Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS.Võ Trí Thành, Trưởng Ban nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương).
Với những diễn biến của thị trường tài chính quốc tế trong thời gian vừa qua, ông đánh giá như thế nào về sự tác động đối với thị trường tài chính Việt Nam?
- Tất nhiên, hệ thống và thị trường tài chính Việt Nam không thể tránh khỏi những "chấn động" nhất định dù hệ thống và thị trường tài chính chưa hội nhập thật sâu rộng với thị trường quốc tế.
Một kênh tác động là khả năng có những thay đổi trong hành vi của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường vốn Việt Nam, nơi họ giữ một tỷ lệ không nhỏ giá trị cổ phiếu và trái phiếu. Họ có thể định hướng lại chiến lược đầu tư và cơ cấu lại danh mục đầu tư. Hành vi của họ cộng với tác động tâm lý bất lợi của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể có tác động đáng kể đến biến động thị trường vốn Việt Nam.
Hy vọng rằng, cùng với việc tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và Việt Nam hiện chưa phải là điểm nhấn quá quan trọng trong tổng thể chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, thì tác động đó sẽ không quá lớn.
Cộng hưởng còn có tác động qua kênh cán cân thanh toán quốc tế lên hệ thống tài chính. Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế Mỹ và các đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu có thể hạn chế xuất khẩu của Việt Nam. Nhập siêu vẫn cao. Trong khi đó, huy động vốn từ bên ngoài khó khăn hơn; các luồng vốn vào (như kiều hối, FDI, đầu tư gián tiếp. vay thương mại) có thể giảm. Áp lực lên tỷ giá và hệ thống tài chính là không nhỏ.
Người xưa có câu "cái khó ló cái khôn", theo ông Việt Nam có cơ hội gì có thể tận dụng trong cuộc khủng hoảng này?
TS.Võ Trí Thành, Trưởng Ban nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương). Ảnh: thongtindubao.gov.vn
- Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay có thể có những tác động đáng kể đến Việt Nam. Ở một góc nhìn khác, nó lại có ý nghĩa tích cực đối với Việt Nam khi cần nhìn lại mình để rút ra những bài học bổ ích về ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển lành mạnh hệ thống tài chính.
Ông có thể nói rõ hơn về những bài học mà ông cho là bổ ích đối với Việt Nam?
- Thứ nhất, là bài học về giám sát tài chính và sự thận trọng trong chạy theo thời cuộc và “thời thượng”. Việt Nam cần đặc biệt quan tâm hơn đến việc xây dựng tốt những nền tảng cơ bản cho phát triển hệ thống và thị trường tài chính (như khuôn khổ pháp lý về giám sát và tổ chức giám sát tài chính, việc phát triển các định chế đầu tư dài hạn, định mức tín nhiệm, hệ thống động lực, việc tổ chức lại hai sàn giao dịch chứng khoán...). Hiện tại, thông tin minh bạch và sự phân công, phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan giám sát tài chính là đặc biệt quan trọng.
Thứ hai là bài học về xây dựng và củng cố niềm tin của công chúng. Bởi nhiều khi sự đỗ vỡ của ngân hàng bắt nguồn từ tâm lý hoảng loạn thái quá của dân chúng. Bài học này liên quan đến việc sử dụng tốt một công cụ kiểm soát là bảo hiểm tiền gửi (BHTG). Tổ chức BHTG cần phát huy tốt vai trò của mình để tạo được niềm tin của công chúng đối với hệ thống tài chính ngân hàng và tham gia ngăn chặn, xử lý những rủi ro nhằm hạn chế sự đổ vỡ mang tính dây truyền.
Công chúng tin tưởng hơn vào hệ thống tài chính, ngân hàng nếu họ nhận thức được rằng có một tổ chức tài chính thay mặt Chính phủ giám sát thường xuyên tổ chức tín dụng mà họ gửi tiền chứ không chỉ thực hiện việc chi trả tiền gửi cho họ khi tổ chức đó bị đổ vỡ. Điều quan trọng hơn, niềm tin đó góp phần ổn định về chính trị, xã hội thậm chí kể cả trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Thực tế, trong thời gian vừa qua khi khủng hoảng tài chính diễn ra trên thế giới, để bảo vệ người dân, đảm bảo sự ổn định chính trị, xã hội, hàng loạt các Chính phủ đã điều chỉnh chính sách BHTG kịp thời như cam kết đảm bảo và nâng hạn mức chi trả bảo hiểm tại Mỹ và một số nước Châu Âu khác. Với sự phản ứng nhanh nhạy đó, mặc dù thị trường tài chính các nước này biến động mạnh song, công chúng gửi tiền không hoảng loạn vì tiền gửi của họ đã được đảm bảo phần lớn hoặc toàn bộ bởi tổ chức BHTG.
Ông có thể cho biết về vai trò của bảo hiểm tiền gửi trong việc giám sát thị trường tài chính?
- Việc thiết kế mô hình giám sát phù hợp là yêu cầu cấp thiết. Mô hình đó cần đảm bảo tính khoa học trên cơ sở tránh chồng chéo quá mức, hoặc bỏ trống giữa các bộ phận giám sát. Tổ chức BHTG Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong hệ thống giám sát tài chính quốc gia. Ý nghĩa lớn nhất của tổ chức bảo hiểm tiền gửi không phải là thực hiện công việc chi trả cho dân khi có tổ chức tín dụng bị đổ vỡ mà là việc tham gia giám sát tài chính, góp phần phát triển lành mạnh hệ thống tài chính và ngăn chặn sự đổ vỡ của hệ thống tài chính.
Thông qua nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, tổ chức BHTG có được những thông tin đánh giá hữu ích để khuyến cáo các tổ chức nhận tiền gửi, củng cố hoạt động, chuẩn bị những phương án phòng chống rủi ro thích hợp. Đó cũng là nhân tố quan trọng để Tổ chức BHTG Việt Nam góp phần ổn định tâm lý người dân, tránh những bi quan thái quá.
Đánh giá vai trò của tổ chức BHTG không chỉ dựa vào số tiền mà tổ chức đã chi trả cho người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng bị đổ vỡ, mà quan trọng hơn là có tổ chức BHTG hiệu lực và hiệu quả, người dân tin vào hệ thống tài chính ngân hàng, tránh những bất ổn không đáng có về tài chính, xã hội.
Vậy theo ông, chính sách bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam thật sự phát huy hiệu quả thì cần phải có những điều kiện gì?
- Chính sách BHTG hiệu quả được đo lường bằng vai trò đối với việc bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn hệ thống tài chính ngân hàng. Yếu tố cốt lõi quyết định hiệu quả của chính sách bảo hiểm tiền gửi là xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, trong đó, bao gồm những quy định liên quan đến đối tượng được bảo hiểm, hạn mức chi trả tiền gửi, phí bảo hiểm tiền gửi, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong hệ thống giám sát. Tính chuyên nghiệp và năng lực cao trong phân tích đánh giá rủi ro hệ thống cũng là những nhân tố không thể thiếu đối với tổ chức BHTG Việt Nam.
Xin cám ơn ông!
-
Thúy Sen thực hiện