Hội chợ Caexpo 2009 diễn ra từ ngày 20 đến 24 tháng 10 năm 2009 tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, trong khuôn khổ Hội chợ Caexpo 2009, lần đầu tiên Triển lãm về nông nghiệp được tổ chức.
Khu triển lãm này chủ yếu trưng bày nông sản của Trung Quốc và 10 nước Asean, thông qua đó tạo thêm nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp của 11 quốc gia này.
Với quy mô 600 gian hàng tiêu chuẩn quốc tế, khu triển lãm nông nghiệp trưng bày và giới thiệu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông sản, sản phẩm từ động vật, thủy sản và thực phẩm đóng hộp…
Một gian hàng của Việt Nam tại Caexpo 2008.
Ngoài ra, các diễn đàn chuyên ngành, các chương trình xúc tiến thương mại như Hội nghị hợp tác xã quốc tế về dịch vụ cung ứng và Diễn đàn Trung Quốc – Asean về ngành tinh bột và rượu cũng được tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ.
Tại các kỳ hội chợ Caexpo trước, các doanh nghiệp kinh doanh nông sản của Việt Nam đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Kể từ năm 2004, hàng nông sản Việt Nam đã thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Tổng giá trị giao dịch của Việt Nam qua các kỳ hội chợ đã tăng lên nhanh chóng, trong đó giá trị nông sản và thực phẩm chiếm trên 50%. Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết hợp đồng hợp tác với các đối tác Trung Quốc.
Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Hiện nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc không tồn tại bất cứ rào cản thương mại nào đối với nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông sản và thực phẩm.
Trong khi đó, trình độ hiện đại hóa và cơ khí hóa trong nông nghiệp tương đương giữa hai nước cũng như các sản phẩm nông nghiệp mới bổ sung là tiền đề cho sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cùng với việc đẩy mạnh thiết lập Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc – Asean (CAFTA) hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam trên lĩnh vực nông nghiệp đang tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn.
Thống kê cho thấy rằng mức thuế trung bình Trung Quốc áp dụng đối với hàng hóa từ Asean đã giảm còn 5,8%, 4,1% thấp hơn mức áp dụng đối với các nước được hưởng chế độ Tối huệ quốc.
Hơn 700 mặt hàng nông nghiệp bao gồm các vật liệu phục vụ sản xuất trong nông nghiệp, nông sản và thực phẩm nằm trong danh sách những mặt hàng được giảm thuế đầu tiên, hầu hết đã giảm xuống mức 0%.
Tổng giá trị nhập khẩu của Trung Quốc từ các nước Asean đã đạt mức tăng trưởng 500%. Tất cả những yếu tố này đã tạo tiền đề cho các mặt hàng nông sản Việt Nam tiếp cận với thị trường rộng lớn của Trung Quốc.
Năm 2010, khi Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc – Asean (CAFTA) chính thức đi vào hoạt động chắc chắn thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp của khu vực sẽ đạt được nhiều kết quả lớn hơn. Asean được kỳ vọng sẽ nhanh chóng trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng được đẩy mạnh, Trung Quốc, Việt Nam và các nước Asean nên tăng cường phát triển chung và khắc phục hậu quả cuộc khủng hoảng toàn cầu thông qua việc thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực.
-
Thanh Nga