Trước thềm năm học mới: Chất lượng đang ở đâu?
Tiếng trống khai trường báo hiệu một năm học mới bắt đầu đang vang lên khắp mọi miền đất nước! Ngày hội đưa trẻ đến trường như tưng bừng hơn trong niềm vui “Đất nước 60 năm sang trang Độc lập”...
Hàng vạn phòng học kiên cố vừa hoàn thành bằng tiền trái phiếu giáo dục sẽ được đưa vào sử dụng ...Luật giáo dục 2005 (sửa đổi) có hiệu lực đang hứa hẹn những thuận lợi cho ngành giáo dục th
ực hiện nhiệm vụ của một năm học mới.Song bước vào năm học 2005 - 2006, ngành Giáo dục cũng nhận thấy rõ những khó khăn thách thức mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Minh Hiển đã nêu rõ trong chỉ thị 22 (29/7/2005). Đó là: So với yêu cầu phát triển của đất nước, nền giáo dục nước ta vẫn còn một số yếu kém, bất cập. Cụ thể là: Phát triển chưa cân đối giữa giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và giáo dục phổ thông; quy mô, chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đội ngũ giáo viên vẫn còn thiếu, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục; công tác quản lý giáo dục còn hạn chế, nhất là đối với giáo dục không chính quy và giáo dục ngoài công lập; chậm khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm, học thêm, cấp phát văn bằng...; nhiều giáo viên, nhà trường chưa tích cực đổi mới phương pháp dạy và học; các điều kiện bảo đảm phát triển giáo dục còn nhiều bất cập; giáo dục vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.
Trước những khó khăn ấy, nhằm tạo bước chuyển biến cơ bản về Quản lý giáo dục và nâng cao chất lượng Giáo dục, Bộ Giáo dục đã nêu lên 9 nhiệm vụ cụ thể cho năm học mà nhiệm vụ hàng đầu là “nâng cao Chất lượng và hiệu quả giáo dục”.
Giáo dục là sự nghiệp của toàn xã hội nhưng cách nhìn nhận của xã hội đối với công tác giáo dục và vấn đề quản lý giáo dục lại chưa thực sự thống nhất. Những con số thống kê sau mỗi năm học và qua các kỳ thi chưa đủ sức thuyết phục mọi người: Tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông ở nhiều địa phương vượt con số 90%(?) Dẫu biết rằng, cấp học càng thấp thì tỷ lệ giỏi, xuất sắc càng lớn, song chưa bỏ thi đã vậy, bỏ thi nữa sẽ ra sao? Rồi những trận mưa điểm mười, những điểm chuẩn cao chót vót của một số trường Đại học trong kỳ tuyển sinh vừa qua nói lên điều gì? Có phải chất lượng giáo dục đã được nâng thêm một bước?!
Nếu trong xã hội, sự phân hoá giàu nghèo ngày càng rõ thì dường như trong giáo dục, sự phân hoá giữa hai đầu ngày càng cách biệt. Mùa thi năm nay, không ít người hân hoan với con số gần 100 thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30 /30. Nhưng cũng xin chớ quên rằng, hàng vạn thí sinh với tấm bằng tốt nghiệp trên tay chưa ráo mực lại quá khó khăn để kiếm cho 3 môn thi vài ba điểm cho dù “mức đề sát phổ thông”!!! Không thể chỉ thấy "đầu giỏi", cũng chớ nên mất lòng tin bởi "đầu kém". Tuy nhiên, chất lượng thực của bậc học phổ thông đang ở đâu còn đang là một câu hỏi lớn?
Vấn đề không mới nhưng chưa thực sự có được những tiếng nói đồng nhất để có thể có những giải pháp thiết thực. Bước vào năm học mới,trong bộn bề công việc mà ngành giáo dục phải lo toan từ xây dưng đội ngũ cán bộ quản lý , chuẩn hoá giáo viên, đến chương trình, sách giáo khoa, đồ dùng dạy học, trường lớp, thí điểm phân ban, phương pháp dạy học, thi cử ...Nhưng phải chăng chất lượng giáo dục vẫn là vấn đề đang được cả xã hội quan tâm ? Hãy góp vào Diễn đàn của chúng tôi tiếng nói về những điều mà bạn quan tâm nhất trong năm học mới!
-
VietNamNet