Độc giả hiến kế đột phá cải cách hành chính
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện để nhân dân và doanh nghiệp dễ hiểu, dễ làm; đồng thời mở chuyên đề lấy ý kiến trên Website Chính phủ về thủ tục hành chính.
Tại Hội nghị triển khai Kế hoạch và ngân sách năm 2007 với 3 nhiệm vụ trọng tâm: phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế cao, cải cách hành chính hiệu quả và ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.“ Sau khi nêu câu hỏi: Cái gì đang làm nền kinh tế chúng ta chậm phát triển, không đạt mức tăng trưởng 8,5%? - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra câu trả lời – Đó chính là thủ tục hành chính rườm rà làm tăng thời gian, tăng chi phí, gây mất lòng dân”.
Vì vậy, năm 2007 này Chính phủ lấy cải cách hành chính làm khâu đột phá để tăng trưởng, phát triển kinh tế, cũng là để cải thiện thêm quyền dân chủ của nhân dân. “Phải làm sao để năm 2007 là năm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí”,
Về cải cách hành chính, ngay từ cuối năm 2006, Chính phủ nêu rõ: sẽ chỉ đạo tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005; tiếp tục triển khai giai đoạn II (2006-2010); nhân rộng cơ chế “một cửa”; cải cách tổ chức bộ máy, tài chính; ban hành chỉ thị về giảm văn bản, giấy tờ hành chính nhà nước.
Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện để nhân dân và doanh nghiệp dễ hiểu, dễ làm; đồng thời mở chuyên đề lấy ý kiến trên Website Chính phủ về thủ tục hành chính.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế làm việc mẫu của UBND các cấp nhằm công khai các hoạt động, thống nhất về nguyên tắc và thủ tục giải quyết công việc trong bộ máy hành chính nhà nước; quy rõ trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo nếu để xảy ra vi phạm ở đơn vị mình; xử lý kỷ luật kịp thời những cán bộ, công chức sai phạm.
Thực ra, việc hình thành quan niệm và những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo công cuộc cải cách hành chính cũng như đề ra nội dung, phương hướng, chủ trương, giải pháp thực hiện trong từng giai đoạn là một quá trình nhận thức, tìm tòi liên tục, thống nhất trong tiến trình đổi mới được khởi đầu từ Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986. Với mục tiêu “Đến năm 2010, hệ thống hành chính về cơ bản được cải cách phù hợp với yêu cầu quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Từ mục tiêu chung đó, nhà nước đã xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, lần đầu tiên trong quá trình cải cách, Chính phủ có một chương trình có tính chiến lược, dài hạn, xác định rõ 4 lĩnh vực cải cách là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách tài chính công, định rõ 9 mục tiêu cụ thể cùng 5 giải pháp thực hiện và 7 chương trình hành động nhằm bảo đảm thắng lợi công cuộc cải cách.
Chương trình tổng thể sẽ là công cụ quan trọng để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh cải cách hành chính. Bởi vậy, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và đẩy mạnh cải cách hành chính là hai giải pháp lớn và lấy cải cách hành chính làm khâu đột phá để tăng trưởng được Chính phủ đưa ra thảo luận trong hội nghị triển khai nhiệm vụ Kế hoạch và Ngân sách năm 2007.
Trong cải cách hành chính vấn đề đối mặt với người dân trong cuộc sống hàng ngày chính là thủ tục hành chính. Từ thủ tục khai sinh cho một cháu bé chào đời đến hộ khẩu, hộ chiếu, cưới xin, thừa kế… biết bao thủ tục đang mang dáng dấp của cơ chế xin cho thời kinh tế bao cấp. Chỉ một chuyện tưởng chừng như hết sức đơn giản là công chứng “sao y bản chính” mà biết bao người phải vất vả ngược xuôi! Điều đáng lo ngại nhất là những thủ tục liên quan đến “sức nặng vật chất“ mua bán chuyển nhượng nhà cửa, đất đai, tài sản …
Nhiều thủ tục và cung cách làm việc của các cơ quan công quyền đang nhũng nhiễu người dân và các doanh nghiệp. Trước tình hình ấy Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp nêu rõ:
Tiến hành ngay việc rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định nội bộ về quy trình, thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây phiền hà cho việc tiếp nhận và xử lý công việc của người dân và doanh nghiệp; kiên quyết loại bỏ những khâu trung gian, những thủ tục rườm rà, chồng chéo, những loại giấy tờ không cần thiết; Phải thiết lập cho được cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên, độc lập, khách quan trong nội bộ, khắc phục tình trạng khép kín, thiếu công khai, minh bạch dễ phát sinh tiêu cực trong việc giải quyết các thủ tục hành chính với người dân và DN.
Song song với biện pháp trên, phải công bố công khai các số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ hộp thư điện tử của cơ quan, đơn vị, tổ chức mình để tiếp nhận các góp ý về quy trình, thủ tục; các thông tin, vướng mắc của cá nhân, tổ chức đối với những việc làm sai trái, sách nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức. Phân công trách nhiệm cụ thể trong việc theo dõi, ghi nhận đầy đủ các thông tin, góp ý, xây dựng quy chế thẩm tra, xác minh, xử lý kịp thời và công bố công khai kết quả xử lý.
Với tinh thần ấy, Diễn đàn VietNamNet xin sẵn sàng tập hợp thông tin mà quý vị hàng ngày đang bức xúc vì sự nhũng nhiễu. Diễn đàn cũng là nơi để bạn đọc đề xuất những ý kiến, kiến nghị, giải pháp cho việc cải cách hành chính nói chung và cụ thể là cải cách thủ tục hành chính. Mong nhận được nhiều ý kiến và bài viết của quý vị.
-
VietNamNet
(Bài tham gia Diễn đàn xin viết có dấu với bất kỳ font tiếng Việt nào)