Đề xuất tăng học phí, lộ trình và tính khả thi
- Tăng học phí theo lộ trình mà Bộ GD-ĐT đề xuất liệu đã phải là giải pháp đột phá cho giáo dục? Chính phủ đã đăng đàn Quốc hội trình bày đề án tài chính tổng thể cho giáo dục Việt Nam giai đoạn 2009 - 2014.
Những ngày này, đề xuất tăng học phí đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Quốc hội đã thảo luận đề án tài chính tổng thể cho giáo dục Việt Nam giai đoạn 2009 - 2014, trong đó, có chủ trương tăng học phí.
Khối ngành khoa học tự nhiên sẽ có mức học phí cao nhất là 650.000 đồng. Ảnh: SV Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) trong lễ tốt nghiệp Ảnh: Lê Anh Dũng |
Theo báo cáo đánh giá tác dụng của đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, Bộ GD-ĐT cho rằng, hiện đang có nhiều bất hợp lý trong cơ chế tài chính giáo dục.
Chẳng hạn, ngành chỉ quản lý 5% ngân sách, không có điều kiện đánh giá hiệu quả chi của Nhà nước cho giáo dục. Các trường thì "bốn không": không công khai cam kết chất lượng, không công bố đánh giá thực tế chất lượng, không công bố nguồn lực thực tế phục vụ đào tạo (giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình...), không công khai tài chính để nhà nước và người dân kiểm tra, giám sát.
Bên cạnh đó, hàng loạt con số về sự tăng trưởng, trượt giá của tình hình kinh tế - xã hội kể từ năm 1998 cũng được dẫn ra: tổng sản phẩm nội địa bình quân đầu người tăng 4,7 lần; lương tối thiểu tăng 1,86 lần; ngân sách chi cho giáo dục tăng 5,8 lần; chỉ số giá cả tiêu dùng tăng gấp 2 lần...
Chủ trương tăng học phí đã "trình diện" công chúng nhiều lần nhưng đều phải dừng lại.
Lần này, Bộ GD - ĐT đưa trình Quốc hội là "đề án tài chính". Bởi nếu chỉ nói chuyện tăng học phí thì xã hội dễ nghĩ rằng ngành giáo dục chỉ nghĩ đến việc tăng nguồn tài chính cho chính mình, rất khó tìm được sự đồng thuận. Thực tế, tài chính cho giáo dục nói chung, và cho giáo dục đại học trên thế giới cũng đang lâm vào tình trạng "cùng quẫn".
Nhanh chóng sau khi tiếp thu đóng góp ý kiến của Thường vụ Quốc hội, từ dự kiến chia theo 7 nhóm ngành học, sau một tuần, Bộ GD-ĐT đã sửa học phí ĐH năm 2009 ở các ngành này theo mức đại trà là 255.000 đồng áp dụng từ năm học 2009 - 2010. Còn học phí và chi phí học tập khác ở mầm non và phổ thông không vượt quá 6% thu nhập bình quân, nhưng chưa áp dụng cho năm học tới. Riêng cơ sở giáo dục ngoài công lập được quyền chủ động xây dựng mức học phí.
Bộ GD-ĐT đã kéo dài thời gian thực hiện đề án 2 năm, và giảm mức học phí ngành học cao nhất xuống 100.000 đồng. Cụ thể, thay vì "hạn chót" 2012, thời gian kết thúc đề án sẽ là 2014 và mức học phí của ngành học cao nhất là 800.000 đồng được điều chỉnh thành 700.000 đồng.
Nếu như lý do "đồng tiền trượt giá" nên học phí đại học 180.000 đồng/tháng năm 2008 đến nay "thực giá" chỉ có giá trị 90.000 đồng có thể tìm được sự chia sẻ thì hàng loạt giải pháp đi kèm như "ba công khai", "bốn kiểm tra" để thực hiện minh bạch, giải pháp "vay tiền của tương lai để đầu tư cho việc học" để đảm bảo công bằng xã hội,v.v... lại chưa dễ thuyết phục cho lộ trình tăng học phí.
Chất lượng giáo dục là một thứ rất “mờ ảo”, như các chuyên gia từng nhận xét. Không mấy ai phán xét nổi chất lượng đó đáng giá là 5 triệu, 7 triệu hay 8 triệu đồng/năm; cũng không có một cơ chế nào để có thể lấy lại tiền học phí nếu không đảm bảo chất lượng. Chưa kể, giữa báo cáo và thực tế luôn có khoảng cách.
Tăng học phí theo lộ trình mà Bộ GD-ĐT đề xuất đã hợp lý? Tăng học phí liệu đã phải là giải pháp đột phá cho giáo dục? Hay câu chuyện tài chính và quản trị giáo dục, trong đó vấn đề tự chủ thực sự cho cơ sở giáo dục mới là những vấn đề còn tồn tại, cần tranh luận?
Mời quý vị tham gia ý kiến xung quanh chủ trương này.
-
VietNamNet