- Mở đầu Xuân Canh Dần 2010, năm của 1000 năm Thăng Long, 65 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 35 năm nước nhà thống nhất… báo VietNamNet và các trí thức Việt Nam đã kêu gọi lấy ngày 9/9 hàng năm là Ngày Hòa giải và Yêu thương.
Sau hơn 2 tháng phát động, thông điệp mang ý nghĩa nhân văn cao cả này đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc là các tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong nước và quốc tế với những chia sẻ sâu sắc và nồng ấm.
Nhà thơ, nhà nghiên cứu Việt Phương cho rằng Hòa giải và Yêu thương là những nhu cầu cơ bản nhất của con người và con người cần nhận được sự yêu thương và chia sẻ như là nhu cầu được công nhận làm người.
Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng trở nên dư thừa về vật chất cùng những tiến bộ bão táp của khoa học và công nghệ, nhưng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã tỉnh táo chỉ ra: “Máu vẫn chảy trong ban mai lộng lẫy bởi những cuộc chiến tranh tàn khốc. Những lời thù hận vẫn hiện lên trên những tờ báo phát hành buổi sáng ở đâu đấy, hiện lên trong giọng nói của chính con người trên một hệ thống phát thanh, hiện lên trong một toà nhà nào đấy vốn tôn nghiêm và hiện lên trong cả ngôi nhà giản dị mà đêm qua chúng ta đã từng thì thào hạnh phúc. Bóng tối của những độc ác, tức tối và hằn học vẫn phủ ngập trong không ít đôi mắt con người.” Và ông đặt một câu hỏi vô cùng đau đớn: “Tại sao chúng ta lại biến ngôi nhà thế gian của chúng ta thành một nơi của máu chảy, của thù hận, của đối kháng và của những giá lạnh?”
Thông điệp Hòa giải và Yêu thương được khởi đầu bằng âm nhạc đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận.
Cách đây không lâu, báo VietNamNet phối hợp với Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tổ chức 2 đêm hòa nhạc tại thánh đường âm nhạc Nhà hát Lớn Hà Nội với sự chỉ huy của nhạc trưởng lừng danh Charles Ansbacher đến từ nước Mỹ, như là một hoạt động khởi đầu cho Ngày Hòa giải và Yêu thương.
Trong phòng Gương Nhà hát Lớn ngay sau đêm nhạc đầu tiên kết thúc, đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Michael Michalak đã xúc động chia sẻ: “Từng bước từng bước, tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đều nhận ra giá trị của sự hòa giải và yêu thương. Bất cứ điều gì để củng cố cảm xúc này sẽ đều giúp ích cho mọi người. Với buổi hòa nhạc tuyệt vời này, đặc biệt là sự xuất hiện của nhạc trưởng Charles Ansbacher tối nay, sẽ xoa dịu trái tim và tâm hồn con người…”.
Bản thân nhạc trưởng Charles Ansbacher cũng bày tỏ sự đồng cảm với ý tưởng mà ông cho là vô cùng cần thiết của báo VietNamNet và ông hứa sẽ tiếp tục tổ chức các buổi hòa nhạc với chủ đề Hòa giải và Yêu thương ở nhiều nơi khác trên thế giới.
Nhạc sĩ Dương Thụ thì nhận xét: “Cái gì làm cho kẻ thù của nhau trở thành bạn hữu? Đó là khi ta biết sống trong yêu thương. Tôi nghĩ rằng âm nhạc cũng giống như cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm, lời “tỏ tình” của nó, cái khát vọng sống trong yêu thương của nó sẽ hóa giải được tất cả.”
Với hoạt động khởi đầu Ngày Hòa giải và Yêu thương bằng âm nhạc, chúng tôi đã nhận được sự hưởng ứng và chia sẻ không chỉ của bạn đọc trong nước mà cả những người bạn quốc tế. Đây là nguồn động viên rất lớn để những người làm báo VietNamNet vững tin vào những gì mình đang theo đuổi và sẽ nỗ lực hết sức mình để chúng ta sớm có một ngày hòa giải và yêu thương.
Nhưng làm thế nào để đưa những hoạt động này lên một tầm cao mới, để khơi dậy, thổi bùng khát vọng chia sẻ và yêu thương trong con người, thì chúng tôi rất cần sự chung tay góp sức của quý bạn đọc. Vì lẽ đó, VietNamNet mở Diễn đàn này để đón nhận ý kiến hiến kế của độc giả: Chúng ta sẽ làm gì trong Ngày Hòa giải và Yêu thương? Làm thế nào để Ngày Hòa giải và Yêu thương có sức lan tỏa, đi vào từng ngõ nhỏ trên hành tinh, vào từng trái tim của mỗi người, đánh thức cái chân, thiện, mỹ vốn luôn hiện diện trong chất người mà lâu nay vì lý do nào đó còn bị chìm khuất. Làm gì để mỗi con người trên thế gian này được giải phóng khỏi sự hận thù, tràn ngập lòng vị tha và thương yêu nhau ?
Và chúng tôi cũng mong nhận được câu chuyện hòa giải và yêu thương của các bạn, như là những viên gạch mà chúng ta sẽ cùng góp vào để xây dựng một Ngôi nhà thế gian của Yêu thương cho tất cả mọi người.
- VietNamNet