,
221
721
Dữ liệu
dulieu
/dulieu/
120974
Công nghệ cao phát triển: Sao chép lậu càng gia tăng
1
Article
null
,

Công nghệ cao phát triển: Sao chép lậu càng gia tăng

Cập nhật lúc 11:48, Thứ Hai, 27/10/2003 (GMT+7)
,

Băng đĩa lậu hiện chiếm lĩnh 80% thị trường

(VietNamNet) - Công nghệ kỹ thuật ngày càng phát triển thì việc sao chép băng đĩa lậu càng dễ dàng, nhanh chóng, khó bị phát hiện. Vi phạm bản quyền trong lĩnh vực này ngày càng trở nên nghiêm trọng, băng đĩa lậu hiện chiếm lĩnh 80% thị trường.

Trong thời gian qua các cơ quan chức năng đã tích cực trong việc phát hiện và thu giữ nhiều vụ kinh doanh, tàng trữ băng đĩa hình ngoài luồng, song tình trạng băng đĩa lưu hành trái phép, đặc biệt là có nhiều băng đĩa có nội dung xấu không giảm mà đang có chiều hướng gia tăng. Đơn cử, riêng trong tháng 8/2003, Thanh tra Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 274 cơ sở kinh doanh, hoạt động dịch vụ văn hoá, lập biên bản vi phạm hành chính 45 trường hợp, xử phạt 24 trường hợp với tổng số tiền là 85.500.000 đồng. Đã thu giữ 12.846 đĩa CD, VCD, 2 đầu karaoke, trong đó tịch thu để tiêu huỷ 4.000 đĩa CD, VCD, CD-ROM và hàng chục ngàn vỏ đĩa. Đặc biệt, qua kiểm tra còn phát hiện và thu giữ 10 đĩa hình đồi truỵ và 6 đĩa VCD có nội dung phản động.

Theo Thanh tra Bộ Văn hoá Thông tin, hiện nay băng đĩa trái phép (không có tem kiểm soát của Nhà nước) chiếm tới 80% thị trường. Trong số này, có tới 80% băng đĩa phim truyện, ca nhạc trong luồng nhưng bị ăn cắp bản quyền, còn lại 20% là băng đĩa nhập lậu qua biên giới (gồm những loại phim ăn khách, đĩa ca nhạc phù hợp thị hiếu bị nhập lậu vào để nhân bản và khoảng 1% là đĩa có nội dung xấu).

Thanh tra Văn hoá "bó tay"

Theo ông Phan An Sa, Quyền Chánh Thanh tra Bộ Văn hoá Thông tin, việc sao chép băng đĩa lậu thu được lãi lớn nên rất khó kiểm soát. Nhiều đại lý và các cơ sở cho thuê băng đĩa họ không chấp nhận giá bán của các công ty nhà nước, nên họ tự tổ chức in, sao lấy. Ông Sa cho biết, theo quy định hiện nay chỉ có các doanh nghiệp nhà nước là được phép nhập khẩu, in, sao băng đĩa và cung cấp cho thị trường.

Tuy nhiên, do trình độ công nghệ ngày càng phát triển, việc sao in băng đĩa vô cùng đơn giản, đầu tư vốn thấp, thu lợi nhuận cao. Chỉ cần đầu tư một bộ thiết bị khoảng hơn 1.000 USD là có thể in, sao băng đĩa một cách nhanh chóng, chất lượng khá. Trong khi đó giá băng đĩa mà các doanh nghiệp nhà nước bán ra là giá "đông cứng", không phù hợp với quy luật tự điều tiết nên thị trường không chấp nhận.

Theo ông Phan An Sa, nạn sao chép băng đĩa lậu gây thiệt hại về kinh tế vô cùng lớn. Ba năm nay, các Công ty Fafilm, Công ty Điện ảnh địa phương bị điêu đứng vì ảnh hưởng của nạn sao chép băng, đĩa lậu. Tổng doanh thu của ngành này sụt giảm từ 55 tỷ/năm xuống chỉ còn 10 tỷ/năm. Hiện nay nhiều công ty điện ảnh, băng hình không đủ tiền để chi trả lương cơ bản cho người lao động. Đó là chưa kể Nhà nước thất thu một lượng thuế đáng kể, và những ảnh hưởng tiêu cực về mặt xã hội khác.

Cần xoá bỏ độc quyền doanh nghiệp

Ông Sa cho rằng, bởi lợi nhuận quá cao, việc sao chép dễ dàng cho nên nếu chỉ dùng biện pháp kiểm tra, kiểm soát thông thường và kêu gọi ý thức chấp hành pháp luật của người dân không thôi thì rất khó ngăn chặn. Mặc dù đây là vấn đề bức xúc từ nhiều năm nay, nhưng cho đến nay Thanh tra Bộ Văn hoá Thông tin vẫn chưa có phương án giải quyết.

Để xử lý "tận gốc" vấn đề này, ông Sa đề xuất, Nhà nước cần phải nghiên cứu lại cơ chế cho phép in, sao băng đĩa. Cụ thể, Nhà nước cần xoá bỏ cơ chế chỉ cho phép doanh nghiệp nhà nước được nhập khẩu và in, sao băng đĩa. Bởi quy định này đã ngầm biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp.

Ông Sa cho rằng, nếu xoá bỏ được sự độc quyền này sẽ tránh được độc quyền về giá. Giá băng đĩa do các công ty được phép cung cấp sẽ không quá chênh lệch với giá bán thực tế trên thị trường, khi đó mới có hy vọng giảm được nạn sao chép băng đĩa lậu hiện đang ngày càng gia tăng.

  • Minh Quyên
,
,