Xem xét đổi tên Thanh tra nhân dân thành Giám sát nhân dân
(VietNamNet) - Thanh tra nhân dân đã thực sự giúp Đảng và Nhà nước thấy rõ việc chấp hành chính sách pháp luật của các cơ quan, đơn vị, cá nhân từ đó kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh quản lý, góp phần thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp luật, bảo đảm phát triển đúng định hướng của Đảng và Nhà nước đã đề ra. Nhưng 12 năm thực hiện Pháp lệnh Thanh tra vừa qua cũng cho thấy những hạn chế, yếu kém của tổ chức nhân dân này và đã đến lúc nhất thiết phải chỉnh đốn lại.
Theo Pháp lệnh thanh tra 1990, quyền hạn và nhiệm vụ của ban Thanh tra nhân dân là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của HĐND, UBND xã, phường, thị trấn; việc thực hiện nội quy cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh đối với mọi tổ chức, cá nhân trong phạm vi địa phương, cơ quan đơn vị mình; giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo của UBND xã, phường, thị trấn, của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Ban Thanh tra nhân dân khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kiến nghị với Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị để tiến hành kiểm tra.
Quyền hạn và nhiệm vụ như vậy nhưng 12 năm qua, Thanh tra nhân dân ở một số cơ quan hành chính sự nghiệp luôn bị hạn chế. Nguyên nhân chính là sự kiêm nhiệm của cán bộ "tự làm, tự thưởng, tự phạt" cho nên vai trò chỉ đạo của công đoàn cơ sở bị yếm thế và nhiều khi bị vô hiệu hoá, thụ động. Tổng kết cho thấy, một số nơi Thanh tra nhân dân được bầu ra nhưng không hoạt động, có nơi hoạt động nhưng lại vượt khỏi thẩm quyền của mình, hàng ngày chỉ nặng về giải quyết đơn thư khiếu tố và kiểm tra các vụ việc đã xảy ra. Tóm lại đó là kiểu thanh tra hình thức, ít tác dụng và kém hiệu quả.
Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn cũng không tránh khỏi những vướng mắc, khó khăn suốt thời gian qua. Nhiều nơi, cán bộ thanh tra lúng túng cách làm, nể nang e ngại, yếu kém chuyên môn, báo cáo qua loa... Nơi này, nơi nọ còn coi Thanh tra nhân dân là cấp cơ sở của hệ thống Thanh tra Nhà nước hoặc là bộ phận của chính quyền, do chính quyền trực tiếp giao nhiệm vụ. Nhận thức sai lệch này dẫn đến việc tổ chức Thanh tra của một số địa phương không thực hiện đúng quy định của Pháp luật. Đây cũng là điều cho thấy Quy chế dân chủ cơ sở rất quan trọng và nó đặt ra yêu cầu khách quan là phải tăng cường hoạt động giám sát của từng người dân thông qua ban Thanh tra nhân dân. Đã nhiều nơi cho thấy bài học: Thanh tra nhân dân giúp chính quyền cơ sở khắc phục thiếu sót công tác quản lý hành chính, quản lý con người, đặc biệt góp phần giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo ngay từ cấp cơ sở.
Thanh tra nhân dân là tổ chức của quần chúng với nhiệm vụ, quyền hạn là giám sát, kiến nghị. Nếu thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân thì tổ chức này mới chứng tỏ hiệu quả, hiệu lực. Hầu hết các ĐB Quốc hội lần này đều nhất trí cao: Cải cách Hành chính Nhà nước chính là bắt đầu và chủ yếu từ Thanh tra nhân dân và đổi tên tổ chức này thành Giám sát nhân dân để tránh nhầm lẫn với Thanh tra Nhà nước.
-
T.D