,
221
721
Dữ liệu
dulieu
/dulieu/
583594
Doanh nghiệp nhà nước: hoặc cổ phần hóa hoặc chịu kỷ luật!
1
Article
null
,

Doanh nghiệp nhà nước: hoặc cổ phần hóa hoặc chịu kỷ luật!

Cập nhật lúc 16:14, Thứ Sáu, 25/02/2005 (GMT+7)
,

Phó thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước diễn ra tại Hà Nội hôm qua, 24/2.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, qui định "hoặc cổ phần hóa (CPH) hoặc phải chịu kỷ luật" là thể hiện rõ quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong việc đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN). “Sau hơn 10 năm thực hiện CPH, chúng ta đã xác định rõ ràng CPH là hướng đi đúng đắn để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN và bây giờ là lúc phải thực hiện với tất cả DN không thuộc lĩnh vực then chốt mà Nhà nước phải nắm giữ, không có chuyện muốn thì làm, không muốn thì thôi” - Phó thủ tướng nói.

Cổ phần hóa đi vào thực chất

Định giá DN thông qua tổ chức định giá chuyên nghiệp, bắt buộc đấu giá cổ phiếu khi phát hành cổ phiếu lần đầu là hai trong những thay đổi cơ bản được các cơ quan quản lý cho rằng sẽ đem lại thành công cho chương trình sắp xếp, đổi mới DN trong thời gian tới. “Làm như vậy vừa tránh được tình trạng DN tự định giá thấp gây thiệt hại cho Nhà nước, vừa tránh được tình trạng CPH khép kín, đi vào thực chất và nhanh hơn” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm phân tích.

Theo Thứ trưởng Băng Tâm, giao việc định giá DN cho một tổ chức chuyên nghiệp, xóa bỏ các hội đồng thẩm định sẽ giúp đẩy nhanh đáng kể tốc độ CPH, đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp, tính minh bạch trong định giá DN. Trong khi đó, việc đưa ra đấu giá đối với cổ phiếu lần đầu sẽ giúp tránh thiệt hại cho ngân sách nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho mọi nhà đầu tư có nhu cầu được tham gia đầu tư vào DN. Chính sự công khai, minh bạch trong CPH là yếu tố giúp Vinamilk hết sức thành công trong đợt bán cổ phiếu vừa qua (có khi với giá gấp vài lần so với dự kiến) và là kinh nghiệm rất tốt cho các DN CPH khác làm theo.

“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn gần một chục DN để đấu giá cổ phần lần đầu tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội ngay khi trung tâm này khai trương vào tháng ba này” - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Quang phát biểu hưởng ứng.

Dứt điểm trong hai năm

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết trong năm nay TP sẽ CPH 85 DN, cao gấp đôi so với năm trước. “Việc CPH các DN độc lập và các công ty con (của các DN theo mô hình công ty mẹ - công ty con) sẽ được hoàn tất trong năm 2005 và đến năm 2006 TP sẽ nghiên cứu việc CPH các công ty mẹ” - ông Nhân khẳng định. Việc CPH các công ty con cũng sẽ tạo áp lực cho sự đổi mới trong quản lý, điều hành của công ty mẹ và chính điều này sẽ giúp việc CPH công ty mẹ thuận lợi hơn nhiều. Nhưng để làm được, theo ông Nhân, các qui trình CPH, qui định về ban chỉ đạo CPH DN phải được điều chỉnh theo hướng phân công cán bộ chuyên trách nhiệm vụ này, đồng thời tăng cường phân cấp cho hội đồng quản trị các tổng công ty có DN thành viên CPH. Nếu không thì sẽ không đủ cán bộ đáp ứng cho yêu cầu CPH.

Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Quang, một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng là phải nhanh chóng phân loại lại danh mục những lĩnh vực Nhà nước cần giữ cổ phần chi phối. Cùng với việc mở rộng đối tượng DN CPH trong năm 2005 thêm những DN hoạt động công ích, ông Quang cho biết xem xét giảm dần những lĩnh vực Nhà nước nắm cổ phần chi phối cũng là việc rất cần thiết để hoạt động CPH đi vào thực chất. “Nếu không làm được như vậy thì có CPH rồi cũng vẫn chỉ là “bình mới rượu cũ”, DN mang mác cổ phần nhưng thực chất vẫn là DNNN vì cung cách quản lý, điều hành hoạt động không có gì thay đổi cả” - tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp ôtô Nguyễn Văn Khoa đồng tình.

“Bất cứ doanh nghiệp nào không thuộc diện Nhà nước tiếp tục đầu tư 100% vốn đều phải tiến hành CPH và công việc này sẽ phải thực hiện trong hai năm 2005 và 2006” -  Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh. Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tổng công ty phải hoàn thành việc bổ sung đề án sắp xếp, đổi mới DN trong quí 1 này để trình Chính phủ phê duyệt. Trong khi Bộ Tài chính trong năm nay phải làm sao để có thêm ít nhất 200 DN niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Chấm dứt cổ phần hóa khép kín

(Trao đổi với phó Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Hồ Xuân Hùng)

* Liệu tới đây các giải pháp đưa ra có khắc phục được nguyên nhân "tư tưởng chưa thông" không, thưa ông?

- Trong dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh vững chắc CPH công ty nhà nước, vấn đề này đã được đề cập rất kỹ. Ví dụ đối với các bộ, ngành, địa phương, tổng công ty nhà nước, việc đánh giá kết quả thực hiện sắp xếp, CPH DNNN, kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo sẽ trở thành công việc định kỳ hằng tháng, đồng thời cũng là tiêu chí để đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên.

* Trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ đề ra sẽ bị chế tài ra sao, thưa ông?

Số liệu thống kê mới nhất của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho biết: từ năm 1992 đến nay, cả nước đã CPH được 2.242 DNNN với tổng số vốn 17.700 tỉ đồng, bằng 8,2% toàn bộ vốn nhà nước tại DN.

Trong hai năm 2005-2006, số lượng DN phải tiến hành CPH là 1.460 DN.

- Chắc chắn phải có chế tài. Ông nào không làm được hoặc trì hoãn, làm chậm quá trình CPH, sắp xếp DNNN thì xin mời nghỉ, để người làm được, có năng lực lên làm thay. Đồng thời với việc đôn đốc thực hiện sắp xếp DNNN, đây sẽ là nhiệm vụ quan trọng của ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN các cấp. Để làm được điều này, Ban đổi mới và phát triển DN sẽ phải kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động, có chuyên trách, có quyền hạn, nhiệm vụ cụ thể. 

* Ở góc độ tư duy, phương pháp quản lý, còn rất nhiều DN sau khi CPH vẫn chưa có sự chuyển biến. Làm sao để khắc phục được vấn đề này để đổi mới DNNN đi vào thực chất, thưa ông?

- Cơ bản là phải xóa bỏ tình trạng CPH khép kín và nghị định 187/2004 đã đặt nền móng cho việc này rồi. Bộ Chính trị cũng đã có chỉ thị 45, trong đó nhấn mạnh đến việc chấm dứt tình trạng CPH khép kín. Bởi vì chỉ khi nào các cổ đông là nhà đầu tư chiến lược tham gia vào DN với tỉ lệ sở hữu cổ phần lớn, cơ cấu hội đồng quản trị, ban điều hành thay đổi thì cung cách, tư duy quản lý mới có thể có thay đổi, chuyển biến được.

Nhật Linh (Báo Tuổi Trẻ ngày 25/2/2005)

,

Tin khác

,
,