Các công ty lớn phải vào cuộc
-
Cổ phần phải mang ra đấu giá ở thị trường trước.
-
Nhà đầu tư nước ngoài được mua hơn 30% cổ phần...
-
Có thể thuê tổ chức quốc tế định giá doanh nghiệp.
Những hiệu quả đạt được sau 12 năm triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như sự làm ăn khấm khá của các công ty cổ phần (CTCP), lợi tức cổ đông thụ hưởng... được ông Phạm Viết Muôn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới phát triển DN, trình bày rất ấn tượng. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều trở ngại, mâu thuẫn, kể cả những mâu thuẫn từ chính những cơ quan vạch ra chính sách trong tiến trình cổ phần hóa (CPH).
Sức ỳ
“Có cán bộ lãnh đạo DN vì lợi ích cá nhân, cục bộ đã vin vào những khó khăn để tìm cách trì hoãn, kéo dài thời gian cổ phần hóa” - ông Phạm Viết Muôn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới phát triển DN.
Có nơi biến cổ phần hóa thành “trò chơi khép kín, trong nhà hưởng lộc” với nhau. Không một đơn vị nào trong số 28 DN được cổ phần hóa của tỉnh Hải Dương bán cổ phần ra ngoài cả. Bộ Thương mại cũng có đến gần 2/3 số DN được cổ phần hóa là để bán với nhau. |
Khi được hỏi vì sao đã có chỉ đạo của Chính phủ về việc cách chức hoặc thay đổi nhân sự nếu giám đốc DN lần chần không muốn CPH nhưng vẫn chưa “sờ” đến một ai, câu trả lời của gần như tất cả các quan chức là “còn nhiều chuyện lắm”. Thực trạng này cứ kéo dài năm này sang năm khác, trở thành tiêu điểm cho hết cuộc họp này đến cuộc họp khác về CPH mà vẫn không giải quyết dứt điểm được.
Ông Muôn nói thẳng, có cán bộ lãnh đạo DN, quản lý các cấp chủ quản DN vì lợi ích cá nhân, cục bộ đã vin vào những khó khăn để tìm cách trì hoãn, kéo dài thời gian. Đây được coi là một trong những nguyên nhân điển hình kìm hãm tiến độ CPH. Và khi “lối đá câu giờ” này không có hiệu quả thì họ chấp nhận CPH và mang theo cả sức ỳ sang CTCP mới thành lập. Có những công ty ban lãnh đạo đều từ nhóm lãnh đạo DNNN trước đó chuyển sang. Đi kèm theo là gì, nói như ông Muôn đó là “phương pháp, lề lối làm việc và tư duy quản lý vẫn tiếp tục duy trì như còn ở DNNN”. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân, đưa ra ví dụ ở thành phố có trường hợp lãnh đạo CTCP chỉ sau một năm là mất chức và không được bầu vào hội đồng quản trị nữa. Lý do đơn giản thôi, ông Nhân nói, vì anh không đủ năng lực nên cổ đông không tín nhiệm nữa.
Ở một góc độ khác và có phần hài hước hơn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Lê Thị Băng Tâm, kể sau khi đưa nghị định mới về CPH (Nghị định 187/CP) trình làng, có những địa phương... xin trở về làm theo cơ chế cũ (Nghị định 64/CP). Chính phủ mất gần ba năm mới có được chế tài quan trọng này, vậy mà có nơi lại đề nghị “hồn nhiên” đến vậy. Bệnh ỳ nặng thế này quả là hết thuốc chữa!
Một đại biểu nói đùa, có “thượng phương bảo kiếm” trong tay mà vẫn chưa “trảm” được thì không rõ trách nhiệm thuộc về ai?
Chất lượng CPH?
Biến CPH thành “trò chơi khép kín, trong nhà hưởng lộc” với nhau không phải là chuyện mới mẻ gì. Trong vấn đề này, Hải Dương là trội nhất vì khép kín trọn gói 100%. Cả tỉnh có 28 DN được CPH thì không một đơn vị nào trong số này bán cổ phần ra ngoài cả. Về nhì là Bộ Thương mại cũng có đến gần 2/3 số DN được CPH là để bán với nhau. Hậu quả là gì, CPH vừa không trở thành kênh thu hút vốn đầu tư của xã hội lại còn để ngỏ khả năng gây thất thoát tài sản nhà nước do định giá thấp.
Nếu nhìn tổng thể thì con số hơn 2.200 DN được CPH nghe qua rất có sức nặng nhưng thực tế cổ phầnkhông hoàn toàn như vậy. Cả một thập niên vừa qua, đối tượng CPH nhắm đến tuyệt đại đa số là những DN nhỏ. Ông Hồ Xuân Hùng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới DN, cho hay gần 40% DNNN được CPH có vốn dưới năm tỷ đồng là tỷ lệ khó có thể chấp nhận được. Thực tế tổng số vốn nhà nước ở toàn bộ các DN đã CPH chỉ đạt 17.700 tỷ đồng, ước hơn 8% tổng vốn hiện có trong khối DNNN. Công luận có thể đặt câu hỏi: Bao nhiêu cái hay, cái tốt của CPH sao các ông lớn không nhảy vào mà cứ nhường chỗ cho mấy anh chàng tí hon?
Đã vậy, trong số DN được CPH rồi thì tỷ lệ vốn nhà nước nằm ở đó vẫn quá cao. Đa dạng hóa sở hữu là mục đích của CPH, không hiểu với những DN nằm ngoài những lĩnh vực quan trọng mà nhà nước cần nắm đa số vốn thì duy trì tình trạng ngược đời này có lợi ích gì?
Tất nhiên cũng có rất nhiều DN sau khi CPH là bước sang khúc ngoặt mới. Nhưng theo báo cáo của cơ quan chức năng, có đến gần 1/3 số DN có doanh thu giảm, 42% nộp ngân sách giảm và 10% lỗ so với trước khi CPH.
Các “đại gia” phải vào cuộc
Từ năm 1992 đến nay, cả nước đã CPH được 2.242 DN, trong số này các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chiếm hơn 65%, các bộ ngành trung ương chiếm gần 29% và số còn lại thuộc các tổng công ty 91. Mức tăng bình quân về doanh thu của các DN sau khi CPH là 23,6%, thu nhập người lao động tăng 12% và cổ tức đạt hơn 17%. Kế hoạch năm 2005 là CPH 384 DN và theo đề án tổng thể thì còn lại 724 DN cần CPH. |
Năm 2005 này được coi là khúc quanh có ý nghĩa quyết định của tiến trình CPH. Sau khi những “chiếc bánh” cực kỳ hấp dẫn được CPH như Công ty Sữa Việt Nam (2.500 tỷ đồng), thủy điện Sông Hinh-Vĩnh Sơn (2.114 tỷ đồng), Công ty Bảo hiểm TP.HCM (hơn 1.300 tỷ đồng) thì sẽ tiến tới những “ông lớn” theo đúng nghĩa đen như Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam... Những trường hợp chưa CPH được toàn bộ thì sẽ làm trước ở công ty thành viên và chuyển sang hoạt động theo mô hình mẹ con. Lúc này sẽ không chừa chỗ cho tâm lý phân biệt lĩnh vực đặc thù nữa hay không. 18 tổng công ty 91 và 19 tổng công ty 90 đều đã được lên danh sách.
Phương thức tiến hành CPH cũng thay đổi triệt để khi lấy thước đo thị trường làm khuôn mẫu mới. Ví dụ, thay vì người lao động là đối tượng được mua cổ phần đầu tiên như trước đây thì bây giờ sẽ mang ra đấu giá trên thị trường trước, sau đó mới tính đến chuyện ưu đãi bằng giảm giá. Thời gian tiến hành CPH với một DN sẽ từ gần 430 ngày kéo xuống còn 200 ngày, mở trần 30% khống chế với nhà đầu tư nước ngoài, cho thuê tổ chức tư vấn thẩm định giá trị DN và xóa bỏ sự phân biệt giữa các loại hình DN.
Tuy nhiên, chủ tịch HĐQT Vinaconex, ông Phí Thái Bình, vẫn băn khoăn là “Không biết sau CPH, tôi gặp các tổ chức tín dụng có bị làm khó dễ?”. Còn ông Nguyễn Thế Quang, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thì “sợ mang tội cố ý làm trái nếu Bộ Tài chính không sửa thông tư...” và rất nhiều ưu tư khác nữa đang chờ những cơ quan liên quan gỡ rối.
Phó Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG: DNNN cần cơ cấu theo hướng đa sở hữu |
Tất cả DNNN cần được cơ cấu và cải cách theo hướng đa sở hữu, trong đó nhà nước giữ cổ phần chi phối. Chỉ trừ những DNNN trong lĩnh vực an ninh quốc gia và những DNNN chưa thể CPH được, còn lại là phải CPH. Ở đây không loại trừ một tổng công ty lớn nào cả, vấn đề là bước đi. Có hai cách, thứ nhất là CPH các DN thành viên chuyển thành tổng công ty hoạt động theo mô hình mẹ con, mẹ chưa CPH nhưng con CPH, đến một mức nào đó thì ta CPH công ty mẹ. Loại thứ hai là CPH toàn tổng công ty thì tới đây đã phê duyệt hai cái rồi, đang chuẩn bị làm cái nữa đây. Và nói gì thì nói, phải nhớ rằng biện pháp mới kỳ này là định giá bằng thị trường, chống khép kín trong nội bộ. Còn người lao động sẽ được ưu đãi trên cơ sở giá đấu đó tôi giảm 40%; với cổ đông chiến lược, những người cung cấp nguyên liệu, tiêu thụ thì được giảm 20%. Vốn nhà nước giữ chi phối không có nghĩa là vốn phải trên 51%. Ví dụ, ngân hàng quốc doanh Singapore thì vốn nhà nước chỉ 27% nhưng là lớn nhất, còn các cổ đông khác người thì 1%, 2% hay 5%. |
Lê Sơn (Pháp luật TP.HCM)