,
221
721
Dữ liệu
dulieu
/dulieu/
583598
Cổ phần hoá - "được" và "phải"
1
Article
null
,

Cổ phần hoá - 'được' và 'phải'

Cập nhật lúc 16:15, Thứ Sáu, 25/02/2005 (GMT+7)
,

2.242 là số lượng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã "được" cổ phần hoá (CPH) kể từ năm 1992 đến nay; 1.460 là số DNNN sẽ "được" CPH từ năm 2005 trở đi - những mục tiêu không dễ dàng đạt đã được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về CPH, đang diễn ra tại Hà Nội. Sở dĩ phải để chữ "được" trong ngoặc kép là bởi lâu nay người ta vẫn coi CPH như một việc "cực chẳng đã", nên dường như ai cũng quen dùng "phải, bị" (phải CPH, bị CPH...)! Nhưng thực tế hoạt động của hơn 2.200 DN nhà nước được CPH trong 13 năm qua đã minh chứng hùng hồn rằng, CPH là "sinh lộ" cho những DN yếu kém, là liều thuốc bổ giúp cho các DN đã mạnh, lại mạnh thêm. Còn nói to tát hơn, CPH là con đường duy nhất đúng nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các DN, trước ngưỡng cửa hội nhập.

Thì đó, chỉ mới tính sơ sơ 850 DN đã CPH và hoạt động trên 1 năm, cho thấy lợi nhuận thực hiện tăng gần 140%, trên 90% hoạt động kinh doanh có lãi, thu nhập lao động bình quân tăng 12%, cổ tức đạt tới 17,11%. Thậm chí có DN sau CPH (như Vinamilk) thì cổ phiếu bỗng đắt như tôm tươi (gấp 10 lần giá ban đầu), bởi thế vừa tung ra đã bị các nhà kinh doanh nước ngoài hốt trọn. Rõ ràng, sau CPH, "giá" của DN được nhân lên, người lao động thu nhập cao hơn, đời sống kinh doanh dân chủ hơn... Quả là không quá ngạc nhiên, khi ông Hoàng Trung Hải - Bộ trưởng Bộ Công nghiệp tự hào rằng: Kế hoạch năm 2004 Bộ Công nghiệp chỉ CPH có 52 DN, nhưng lại có tới 100 DN xung phong CPH sớm!

Ấy là mới nói cái vế thuận. Thực tế thì không phải mọi người đều có tinh thần "xung phong" như vậy. Nếu tư tưởng ai cũng thông thì chả phải qua đến 13 năm (1992 - 2004), cả nước mới CPH được 2.242 DN (trung bình 173 DN/năm). Còn trước mắt, trong năm 2005, chỉ xét về lượng thì số DN được CPH tăng gấp hơn 4 lần, so với bình quân mỗi năm của 13 năm trước đó. Song theo các chuyên gia về CPH, thì cái khó lại không phải nằm ở số lượng. Nhìn lại 2.242 DN đã CPH, người ta thấy không ít các DN làm ăn kém hiệu quả, vốn nhỏ và thuộc những lĩnh vực kinh tế không mấy chủ chốt. Thực hiện CPH, những DN này tuy có cái khó trong việc xác định tài sản, giải quyết nợ nần, nhưng được cái thuận rất lớn là người lao động đã quá ngán cái cung cách quản lý bao cấp, trì trệ nên nóng lòng muốn "thay máu". Còn nay, với gần 1.500 DNNN sắp tới, câu chuyện không đơn giản như vậy. Theo quan điểm mới về CPH thì chúng ta không chỉ tiến hành CPH những DN yếu kém, vốn nhỏ mà ngược lại sẽ CPH cả những "đại gia" (TCty lớn của Nhà nước), có số vốn tới hàng ngàn tỉ đồng. Đụng chạm vào đây (dĩ nhiên không phải là tất cả), có nghĩa là đụng chạm vào những thành trì bao cấp khá nặng nề, đụng chạm vào những lĩnh vực rất nhạy cảm với những bộ máy, quan chức quá nặng với lối tư duy và hành xử công chức.

Tuy nhiên, CPH là một xu hướng không có đường lùi. Hơn thế, chúng ta "được" rất nhiều từ tiến trình này thì cớ gì lại không tiến lên?

Đình Chúc (Báo Lao Động ngày 25/2/2005) 

,

Tin khác

,
,