Năm 2005: Đẩy mạnh thị trường hoá cổ phần hoá
Trong năm 2005, cả nước sẽ nỗ lực cao nhất đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN), áp dụng tối đa các phương thức thị trường trong xác định giá trị DN, bán, đấu giá cổ phần, khắc phục bằng được việc bán cổ phần khép kín trong nội bộ DN và thất thoát tài sản nhà nước. Phải coi CPH như một trong những giải pháp chủ yếu tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả không chỉ khối DNNN mà cả nền kinh tế VN nói chung. Đó là âm hưởng chính được khẳng định tại Hội nghị toàn quốc CPH DNNN khai mạc sáng qua (24.2) tại HN. Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị.
Khẳng định thành tựu bước đầu
Hội nghị CPH toàn quốc năm nay diễn ra trong bối cảnh phấn khởi của phiên đấu giá CP Vinamilk vừa kết thúc thành công ngoài mong đợi. Tiếp theo, chỉ ít ngày nữa, hàng loạt phiên đấu giá CP của các DNNN lớn khác sẽ được tổ chức như NM thiết bị bưu điện, Vifon, NM thuỷ điện Vĩnh Sơn...
Ông Đặng Hùng - Chủ tịch HĐQT TCty Điện lực VN cho biết trong năm nay, CP của các NM điện Thác Bà, Phả Lại... cũng sẽ được bán. Sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương CPH (từ năm 1992), đến nay tiến trình CPH bắt đầu định hình và hứa hẹn sẽ gặt hái những kết quả khả quan hơn trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Tổng Giám đốc Cty CP cơ điện lạnh (REE) - một trong những DN CPH đầu tiên lên sàn chứng khoán - cho phóng viên Lao Động biết: "Khi bắt đầu CPH năm 1993, Cty chỉ có số vốn 8,5 tỉ đồng. Hiện nay, nguồn vốn của REE đã lên tới 225 tỉ. Lực lượng lao động tăng gấp 3 lần. Thu nhập bình quân đạt hơn 2,2 triệu đồng/người/tháng. Quan trọng hơn, thương hiệu REE đã dần trở thành một cái tên hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước...".
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DNTƯ, sau khi CPH, vốn điều lệ bình quân của các DN trong cả nước tăng 44%, doanh thu tăng 23,6%, lợi nhuận tăng 140%, hơn 90% số Cty CP đều làm ăn có lãi, nộp ngân sách bình quân tăng 24,9%, cổ tức bình quân đạt hơn 17% năm...
Nhờ quá trình CPH, hơn 12.411 tỉ đồng của các cá nhân tổ chức, ngoài xã hội đã được đầu tư vào DN. Phần vốn nhà nước tại các DN CPH không bị giảm đi mà còn được bảo toàn và tăng lên. CPH tạo cơ sở thúc đẩy quá trình ra đời, phát triển thị trường chứng khoán VN. CPH mang lại cho các DN cơ chế quản lý năng động, hiệu quả (một điều tra cho thấy các DN CPH bình quân giảm được 25% chi phí gián tiếp). Bên cạnh đó, CPH cũng tạo những điều kiện vật chất và pháp lý để người lao động - cổ đông nâng cao vai trò làm chủ.
Nhưng vẫn nhỏ, chậm và... lùng nhùng
Tuy vậy, vẫn phải thừa nhận rằng tỉ trọng vốn của các DN CPH trong khối DNNN vẫn còn quá khiêm tốn (17.700 tỉ đồng, chỉ bằng 8,2% tổng vốn của toàn bộ khối DNNN). Vốn huy động ngoài xã hội chỉ chiếm 53,4%, chưa tương xứng với tiềm năng.
Trong hơn mười năm qua, chúng ta phần nhiều chỉ CPH các DNNN quy mô nhỏ, nên tuy số lượng thì nhiều, nhưng đồng vốn lại chẳng bao nhiêu. Đối với một số "đại gia" như Điện lực, Dầu khí, Bưu chính viễn thông - những người nắm giữ những khoản vốn khổng lồ của Nhà nước, hầu như quá trình CPH mới chỉ bắt đầu...
Thời gian thực hiện CPH vẫn còn kéo quá dài. Ông Phạm Viết Muôn - Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN trung ương (CĐĐM & PTDNTƯ) - tiết lộ: Thời gian trung bình để 1 DN hoàn tất quá trình CPH vẫn từ 400 đến 500 ngày. Sắp tới sẽ phấn đấu để rút xuống còn 200 ngày, trong đó 3 khâu thành lập ban đổi mới - định giá - phê duyệt phương án chỉ kéo dài không quá 100 ngày.
Bên cạnh đó, trong tiến trình CPH hiện vẫn còn không ít chuyện lùng nhùng. Điển hình như việc CPH "khép kín" mà dư luận đã hơn một lần đả phá. Rất nhiều DN thuộc diện Nhà nước không cần nắm giữ vốn chi phối nhưng các bộ, ngành vẫn kiên quyết nắm giữ, phổ biến nhất là trong các TCty thuộc Bộ Xây dựng và Bộ GTVT (Bộ GTVT có tới 82% số DN đã CPH nhà nước vẫn nắm giữ vốn chi phối).
Việc thu hút cổ đông ngoài DN mới chỉ chiếm hơn 15% vốn điều lệ và chưa rộng rãi. Các cổ đông chiến lược - những nhà đầu tư có tiềm lực - vẫn rất khó có cơ hội mua CP. Có tới 860 DN đã CPH (chiếm 38,4%) không có CP bán ra ngoài DN.
Điển hình là tỉnh Hải Dương 28/28, Bộ Thương mại 36/59 DN không bán CP ra bên ngoài. CPH khép kín tất yếu dẫn tới hiện tượng định giá DN thấp so với giá thị trường, gây thất thoát tài sản nhà nước. Tính minh bạch trong tiến trình CPH của nhiều DN vẫn là điều khiến chúng ta phải nghi ngờ.
2005 - nhiệm vụ nặng nề
Ban CĐĐM&PTDNTƯ cho biết, theo đề án tổng thể sắp xếp đổi mới DNNN đã được Thủ tướng phê duyệt, trong năm 2005, chúng ta phải CPH 724 DN. Cộng toàn bộ số DN CPH từ 2005 trở đi, con số sẽ lên tới 1.460 DN. Đối với 18 TCty 91 và 19 TCty 90, trước mắt chưa CPH toàn bộ được thì thực hiện CPH hầu hết các DN thành viên, đồng thời chuyển các TCty này sang mô hình TCty mẹ - TCty con.
60 TCty nhà nước còn lại sẽ bắt buộc phải CPH toàn bộ hoặc CPH tất cả các DN thành viên, đồng thời chuyển sang mô hình mẹ - con, sau đó sẽ CPH Cty mẹ. Trong 6 tháng đầu năm 2005, sẽ hoàn thành việc CPH 3 TCty nhà nước là TCty Thương mại - Xây dựng, TCty Điện tử tin học và Vinaconex. Nhiệm vụ trên thực sự nặng nề nếu tính đến đây là những DN quy mô lớn, nhiều DN đang thực hiện những dự án đầu tư lớn, nhiều vấn đề tài chính cần xử lý...
Sẽ triển khai nhiều biện pháp mạnh
Để hoàn thành những nhiệm vụ trên, trong thời gian tới, sẽ có hàng loạt giải pháp mạnh mẽ được triển khai, theo hướng thị trường hoá CPH. Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm cho biết, sẽ xoá bỏ việc xác định giá trị DN thông qua hội đồng. Ngoài 44 tổ chức đã được Bộ Tài chính công bố, sẽ xem xét, bổ sung thêm cả các tổ chức nước ngoài tham gia xác định giá DN để nâng cao minh bạch, tăng tính cạnh tranh.
Theo ông Hồ Xuân Hùng - Phó Trưởng ban CĐĐM & PTDNTƯ, để CPH thực sự gắn với thị trường, tránh tham nhũng, trục lợi, phương thức đấu giá CP sẽ được áp dụng rộng rãi hơn. Giá bán CP lần đầu phải thực hiện trên cơ sở đấu giá. Cổ phần ưu đãi đối với người lao động sẽ được giảm 40% thay vì 30% như trước kia. Đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết sẽ bổ sung quy định về việc đưa giá trị đất vào giá trị DN khi CPH.
Lưu Quang Định (Báo Lao Động ngày 25/2/2005)