Các biện pháp của Bộ Y tế nhằm bình ổn giá thuốc
Các quan điểm và nguyên tắc về quản lý giá thuốc của Bộ Y tế:
Để quản lý được giá thuốc, trước hết phải thống nhất được những quan điểm cơ bản sau đây:
-
Thuốc cũng là một loại hàng hoá thì phải chịu sự chi phối của các quy luật cung, cầu vì vậy cần xác định vai trò quản lý nhà nước và quan điểm của Bộ Y tế trong quản lý nhà nước là chỉ tham gia điều tiết giá thuốc bằng các cơ chế chính sách thông qua việc ban hành các văn bản chính sách cho phù hợp với cơ chế thị trường không áp đặt quan điểm chủ quan của nhà quản lý.
-
Quản lý giá thuốc nói riêng cũng như bình ổn thị trường thuốc nói chung phải xác định được trọng tâm, trọng điểm của thị trường, Bộ Y tế đang tập trung giải quyết bình ổn giá thuốc trong hệ điều trị công lập và trên 2 Danh mục: Danh mục thuốc thiết yếu và Danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh.
-
Bộ Y tế tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của các Doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp đạt mục tiêu kinh tế (lợi nhuận), đồng thời các Doanh nghiệp cũng phải tỏ thiện chí để cơ quan quản lý nhà nước đạt được các mục tiêu của mình: y tế (sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả và hợp lý), mục tiêu xã hội: giá thuốc phải phù hợp với thu nhập bình quân đầu người, đáp ứng được phần lớn khả năng chi trả của người dân.
Việc bình ổn giá thuốc trên thị trường đang được triển khai theo các nguyên tắc sau:
-
Tuân thủ theo đúng các quy luật kinh tế của cơ chế thị trường, đặc biệt là quy luật cung - cầu.
-
Việc bình ổn giá thuốc phải dựa trên nền tảng pháp lý của hệ thống văn bàn pháp quy hiện hành.
-
Phạm vi quản lý: Tập trung quản lý giá thuốc đối với các thuốc thuộc 2 Danh mục: Danh mục thuốc thiết yếu và Danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh.
-
Lộ trình thực hiện: triển khai theo từng bước, bước 1: tại khu vực y tế công lập, tổng kết rút kinh nghiệm thực tiễn sau đó triển khai bước 2: tại các cơ sở y tế tư nhân.
-
Quản lý giá thuốc theo biên độ giá (khung giá sà n - trần, và thặng số thích hợp).
Các giải pháp cấp bách:
Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược Việt Nam) tiếp tục triển khai thực hiện 7 giải pháp cấp bách góp phần bình ổn giá thuốc như sau:
-
Thông báo công khai trên trang Web của Cục Quản lý Dược Việt Nam các loại giá nhập khẩu (CIF), giá dự kiến buôn và bán lẻ tại Việt Nam của các thuốc đăng ký lưu hành và nhập khẩu để nhân dân và các cơ sở điều trị tham khảo khi mua thuốc trên thị trường.
-
Phối hợp với các tổ chức quốc tế như: WHO, SIDA, JICWELS, JICA... để khảo sát về giá thuốc gốc sản xuất tại các nước trên thế giới, qua đó kết hợp với giá CIF do các Doanh nghiệp nhập khẩu khai báo để khống chế tỷ lệ chênh lệch.
-
Phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi chính sách thuế đối với một số mặt hàng thuốc nhằm khuyến khích phát triển sản xuất trong nước và giảm giá thành sản phẩm để người dân được hưởng lợi nhiều nhất.
-
Cho phép nhập khẩu song song các thuốc đang bị áp đặt giá cao tại thị trường Việt Nam.
-
Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 05/2004/CT-BYT ngày 16/4/2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc chấn chỉnh cung ứng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh...
-
Trong tháng 03/2005 ban hành các văn bản pháp quy nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý giá thuốc:
-
Thông tư liên tịch Tài chính - Y tế hướng dẫn thực hiện Nghị định số 120/2004/NĐ-CP ngày 12/5/2004 của Chính phủ về quản lý giá thuốc phòng và chữa bệnh cho người.
-
Thông tư hướng dẫn về thực hiện đấu thầu cung ứng thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh.
-
Xây dựng biên độ giá đối với một số loại thuốc thuộc Danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh để tham khảo cho việc mua thuốc cho hình thức đấu thầu của các cơ sở khám chữa bệnh.
Các giải pháp trung hạn:
-
Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Thông tư 06/2004/TT-BYT ngày 28/5/2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn sản xuất gia công thuốc.
-
Sửa đổi bổ sung Quy chế đăng ký thuốc và tăng cường việc cấp số đăng ký cho thuốc trong nước và thuốc nước ngoài.
-
Cải cách thủ tục hành chính trong các thủ tục cấp phép theo hướng thông thoáng và công khai hoá.
-
Qua các kênh truyền thông đại chúng, đẩy mạnh việc thông tin tuyên truyền, nâng cao ý thức sử dụng thuốc của người dân nhằm khuyến khích sử dụng thuốc sản xuất trong nước với giá cả hợp lý, và phát triển công nghiệp dược góp phần bình ổn giá cả thuốc. (Đã ký hợp đồng dài hạn trị giá khoảng 6 tỷ đồng với Đài Truyền hình Việt Nam về việc xây dựng kịch bản để tuyên truyền cho việc sử dụng thuốc trong nước).
Các giải pháp dài hạn:
Song song với việc thực hiện các giải pháp cấp bách và trung hạn, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược Việt Nam) cũng đang xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện các giải pháp dài hạn có tính chất lâu dài và ổn định để góp phần bình ổn giá thuốc:
-
Đang xây dựng Đề án Ứng trước tiền mua thuốc cho các bệnh viện công nhằm:
-
Đảm bảo cung cấp đủ thuốc cho người bệnh, thúc đẩy việc sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, có hiệu quả, thực hiện đúng quy chế bệnh viện.
-
Đảm bảo chất lượng thuốc, giá thuốc được sử dụng cho người bệnh và góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước.
-
Mua được với giá sẽ rẻ hơn và ổn định hơn trong thời gian tương đối dài, góp phần giảm chi phí cho bệnh viện và người bệnh, quỹ BHXH do mua số lượng lớn.
-
Đã xây dựng và chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt Đề án Dự trữ lưu thông thuốc phục vụ công tác phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân nhằm:
-
Đảm bảo nhu cầu sử dụng một số thuốc thiết yếu và một số thuốc chuyên khoa đặc trị tại các bệnh viện công.
-
Cân bằng cung - cầu về nhu cầu sử dụng thuốc góp phần bình ổn giá thuốc.
-
Trình Chính phủ phê duyệt trang tháng 03/2005 Đề án Tăng cường Quản lý nhà nước về Dược trong giai đoạn 2005 đến năm 2015 nhằm:
-
Củng cố và xây dựng mô hình cung ứng thuốc.
-
Định hướng đầu tư phát triển công nghiệp dược Việt Nam.
-
Củng cố và chấn chỉnh cơ quan quản lý nhà nước về Dược từ trung ương đến địa phương.