Món quà tặng vùng đất 'nơi để quên con tim'
Sandy Northrop bảo bộ phim tài liệu Thế hệ mới ở VN của bà sẽ được trình chiếu trên toàn nước Mỹ vào đúng ngày kỷ niệm 30/4 năm nay. Và Sandy xem đó là món quà gửi tặng vùng đất mà bà đã trót... "để quên con tim".
Bà Sandy Northrop với người dân vùng cao Việt Nam. |
Nhà làm phim Sandy Northrop trông... bụi đời chẳng khác ông chồng nhà báo David Lamb của mình là mấy: tóc vàng buộc túm ra sau, bết mồ hôi; da mặt đỏ hồng vì suốt ngày phơi ngoài nắng và chiếc áo nhiều túi thì căng phồng những dụng cụ nhà nghề.
Đôi mắt xanh biếc ánh lên niềm đam mê khi trò chuyện về những chuyến rong ruổi dọc theo chiều dài của mảnh đất hình chữ S.
Sandy có thói quen ngồi bệt trên vỉa hè, nhấm nháp những ngụm trà đắng chát và nhìn ngắm buổi sáng Hà Nội.
"Tôi yêu làm sao việc cảm nhận cái hối hả, bận rộn của một thành phố đang chuyển mình. Tiếng gà quang quác sau xe đạp của một chị nông dân muộn phiên chợ sớm, tiếng rao bán mì của các cô gái có đuôi sam dài lắc lư, tiếng mặc cả của người bán cá...
Những hình ảnh đó đọng lại trong tôi ấn tượng rất đẹp về một mảnh đất mà trước đây, góp nhặt từ những gì mình nhìn thấy và dăm bài báo của David, tôi chỉ hình dung là một đống hoang tàn của chiến tranh... Tôi như khám phá được một điều kỳ diệu mới mẻ và tôi quyết định kể cho người Mỹ nghe những câu chuyện này...".
Năm 1997, Sandy Northrop theo chồng (nhà báo David Lamb) đến Hà Nội để mở văn phòng đại diện của báo Los Angeles Times. Với bà, đó chỉ đơn giản là một chuyến đi như hàng chục chuyến đi mà vợ chồng bà luôn sát cánh bên nhau, dù là cái nóng hun người của châu Phi, cái lạnh khắc nghiệt của vùng băng giá châu Âu hay cái nguy hiểm rình rập ở vùng Vịnh...
“Lúc đó, tôi còn hơi tiếc khi phải rời tổ ấm của mình ở Alexandria, Virginia, Mỹ. Và cũng như thường lệ, khi David ngập đầu trong công việc, tôi bắt đầu lang thang trên những con phố để tìm kiếm một ý tưởng cho công việc của mình...”.
Vậy mà bà bén "duyên nợ" với VN. Đầu tiên là loạt phim về đại sứ Mỹ tại VN sau chiến tranh: Pete Peterson: assignment Hanoi (tạm dịch “Pete Peterson: nhiệm vụ Hà Nội”); nhưng cảm hứng VN đã khiến bà tiếp tục với bộ phim Passage: journeys from war to Peace (tạm dịch: “Đến VN: hành trình từ chiến tranh đến hòa bình”, công chiếu 2004); và bây giờ bà lại đang chuẩn bị ra mắt một chân dung mới của giới trẻ VN qua phim Vietnam: The next generation (VN - Thế hệ kế tiếp).
Sandy nhớ lại: sau bộ phim đầu tiên về cựu đại sứ Mỹ Peterson, cảm hứng về một VN hòa bình đã khiến bà tiếp tục ngược Bắc xuôi Nam trên những chuyến tàu đêm, những cuốc xe ôm và cả những đoạn phải đi bộ để tìm kiếm cho mình những nhân vật, những cuộc đời mà bà muốn đưa vào ống kính trong bộ phim thứ hai của mình.
"Tôi tìm kiếm những câu chuyện ở tất cả mọi nơi, câu chuyện của những người đã vượt qua những tháng ngày khó khăn nhất để bắt đầu một cuộc sống, một sự hạnh phúc mới sau chiến tranh".
Vào ngày hội kỷ niệm 25 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, khi Sandy ngồi lặng lẽ trong góc khuất của một phòng trà, nghe Hồng Nhung hát, bà tìm được sự da diết trong từng lời hát, từng khuôn nhạc của Trịnh Công Sơn. Và bà kể câu chuyện thứ nhất: Người tham gia chiến đấu bằng nhạc... Trịnh là một phần đặc biệt của bộ phim tài liệu Hành trình từ chiến tranh đến hòa bình.
Bà chìa ra một danh sách dài những nhân vật có được cho bộ phim này. Hàng trăm mảnh đời đi qua chiến tranh, hàng trăm câu chuyện làm bà bật khóc.
Cuối cùng, Sandy quyết định dừng lại ở chuyện của một phi công Việt cộng được rèn luyện trong không quân Mỹ, một góa phụ đã gửi con mình sang Mỹ để an toàn trong những ngày cuối của cuộc chiến còn mình thì vẫn ở lại thành phố, một phóng viên người Việt và một nữ giải phóng quân hoạt động trong lòng thành phố từng bị địch bắt...
Sandy kể bà mong nói lên được nhiều điều ẩn chứa phía sau các khuôn hình. Đó là một đôi bạn trẻ tung tăng chở nhau trên chiếc xe đạp cuộc cười tươi rói, một công nhân đang mướt mồ hôi vẫn nhoẻn miệng thân thiện trên một công trường đang vào giai đoạn nước rút, một phòng trà hiện đại, thanh lịch...
Trên đường làm phim về Việt Nam. |
Và học sinh Mỹ đã có một cơ hội tuyệt vời để hiểu thêm về VN, về cuộc chiến và về những người bạn bên kia bờ đại dương. Hãng truyền hình PBS ưu ái dành nhiều thời gian cho bà quảng bá loạt phim tại các trường phổ thông trên toàn nước Mỹ.
Sau mỗi suất chiếu phim, giáo viên và học sinh các trường này lại có cơ hội cùng ngồi thảo luận những vấn đề đọng lại trong phim. Câu hỏi và chủ đề thảo luận vẫn mở cửa mỗi ngày tại địa chỉ http://www.pbs.org/vietnampassage/Teacher/index.html#6.
Nhưng điều thú vị nhất mà Sandy muốn chuyển tải tới khán giả Mỹ trong những suất chiếu phim này là câu nói nổi tiếng của Thứ trưởng Lê Văn Bàng, cựu đại sứ VN tại Hoa Kỳ, được ghi trang trọng lên bảng đen: "Vietnam is a country - not a war" (VN là một đất nước, không phải là một cuộc chiến).
Và bây giờ, cũng như hai lần trước, Sandy cùng chồng lại hồi hộp chờ đợi phản ứng của dư luận về tác phẩm của mình. Nhưng tất nhiên, lần này thì họ có nhiều tự tin hơn...
(Theo Tuổi trẻ)