Quà tặng quý giá dành cho con gái
Đây là tư vấn của các chuyên gia giáo dục với các phụ huynh bận thường bận rộn ở công sở, có ít thời gian dành cho con.
Ảnh minh hoạ. |
1. Yêu thương che chở
Để chứng tỏ điều này, mẹ vỗ về âu yếm để khích lệ khi trẻ bối rối, hôn chúng trước khi ngủ gần gũi với trẻ trong mọi dịp có thể như giờ ăn, ngủ và luôn nói: ''Mẹ yêu con lắm''. An ủi, khích lệ mỗi khi chúng thất vọng về bản thân. Trẻ sẽ thấy yêu thương và cần có bạn hơn bất cứ đồ chơi ưa thích nào của chúng.
2. Tính kỷ luật
Hãy giải thích với con: ''Mỗi lần con làm sai trái đièu gì hoặc đòi hỏi không chính đáng thì mẹ phải ngăn con tới khi biết tự kiềm chế bản thân''.
3. Gương tốt cho con noi theo
Những nhắn gửi hay lời dạy bảo quan trọng nhất với trẻ nằm ở cách xử sự và sinh hoạt của cha mẹ chúng. Nếu không muốn con hút thuốc thì bạn đừng hút, muốn chúng ăn nói nhỏ nhẹ hoà nhã thì bạn cần chứng tỏ như thế qua sinh hoạt hàng ngày.
Để tạo tấm gương tốt cho con thì bậc cha mẹ phải tự kiềm chế mình. Con trẻ đang theo dõi từng cách xử sự của bạn để học hỏi, do vậy hãy suy nghĩ kỹ lưỡng về những động tác của bạn lên chính con cái mình.
4. Lòng tôn trọng
Cha mẹ cần đối xử bằng tình yêu lẫn sự trân trọng, không phải ''cả vú lấp miệng em'' và bắt nó phải nghe theo. Bạn cần giải thích cho chúng hiểu hơn là ép buộc chúng phải nghe theo vô điều kiện.
Không phải cứ quát mắng đánh đập là bạn có thể cải hóa được suy nghĩ trong đầu trẻ. Bậc phụ huynh cần trân trọng sự lựa chọn của trẻ để chúng có dịp phát triển nếp suy nghĩ và cách làm riêng của chúng. Hãy chứng tỏ cho trẻ thấy bạn luôn ở bên cạnh để nâng đỡ, khuyến khích chúng.
5. Tính tự lập
Bạn cho trẻ sự chăm sóc, yêu thương nhưng đừng tỏ ra thái quá khiến chúng mất tự lập, ỷ lại. Khi làm cho trẻ một việc khó nào đó hãy nói với nó: ''Con chưa có khả năng tự làm, vì vậy mẹ phải làm giúp con''. Bạn cần tập cho con cách làm đến khi nó có thể tự làm lấy. Khi đó trẻ sẽ vui mừng nói: ''Con đã tự làm việc đó rồi''.
6. Những thói quen tốt
Đó là vệ sinh răng miệng, tập thể dục và ăn thực phẩm lợi cho sức khoẻ. Nếu trẻ sợ phải đi bác sĩ hãy giải thích lợi ích của khám bệnh. Thói quen giữ sức khoẻ là món quà hữu ích cho con đến suốt đời.
7. Cùng nhau chia sẻ thời gian
Dù bận, bạn cần dành thời gian chia sẻ, gần con như giờ tắm rửa, giờ ngủ hay dịp cuối tuần đầy thú vị. Làm vậy chính là bạn cách bạn nói: ''Mẹ luôn yêu con và luôn muốn ở bên con''. Những thời gian cùng trẻ quan trọng để cha mẹ cùng con chia sẻ âm nhạc, thể hao, cách xử thế và biết bao niềm vui khác.
8. Tính ham học hỏi
Phụ huynh quan tâm trau dồi kiến thức tự nhiên sẽ tác động tới tinh thần hiếu học của con. Với trẻ chậm tiếp thu bạn nên tạo sự chú ý về khoa học tự nhiên cho chúng sớm hơn. Hãy đọc tác phẩm có giá trị cho chúng nghe từ khi còn nhỏ. sau đó, khi chúng đã lớn hơn, nói chúng đọc cho bạn nghe. Theo dõi sự phát triển kiến thức của trẻ qua cuộc trao đổi nói chuyện với chúng.
9. Tính lạc quan, khôi hài
Khi bạn đùa vui và chọc cười con, chúng có thể học ở bạn tính khôi hài, dí dỏm rất có lợi cho chúng sau này. Tính lạc quan không đánh tan được lo âu đời sống nhưng cũng làm chúng nhẹ đi. Hãy cùng nhau xem phim hài và chia sẻ khía cạnh yêu đời của phim.
10. Mối quan hệ bạn bè
Khi lên 6, 7 tuổi chúng cần bạn cùng tuổi để không cô đơn. Hơn nữa, qua giao tiếp đó, chúng học cách dàn xếp và tinh thần tương trợ lẫn nhau. Do đó, hãy để chúng có thời gian riêng tư với bạn bè. Chúng cùng học hỏi và mở mang thêm kỹ năng giao tiếp với thế giới xung quanh. Đến lứa tuổi học sinh cấp 2 con không muốn bố mẹ để mắt nhiều đến chúng.
(Theo STNT)