Để trở thành cha mẹ tốt
Nuôi con là công việc mà không lúc nào bạn cảm thấy yên tâm và vừa ý. Năm cách sau đây giúp bạn làm tốt và gắn bó với con.
Ảnh minh hoạ |
Nuôi dưỡng lòng tự trọng của con
Trẻ bắt đầu phát triển cảm giác về cái tôi khi chúng nhìn thấy chính mình qua con mắt của bạn. Giọng điệu, ngôn ngữ, cử chỉ và mọi biểu hiện của bạn đều được đứa con thu nhận.
Lời nói và hành động của cha mẹ ảnh hưởng tới sự phát triển hình ảnh bản thân của trẻ hơn bất cứ thứ gì trên trái đất. Vì vậy, tặng cho con những lời khen, tuy rằng nhỏ, cũng làm cho chúng thấy hãnh diện. Để chúng tự làm việc của mình sẽ giúp chúng cứng cáp và tự lập. Ngược lại, hạ thấp con hoặc so sánh không có lợi với trẻ khác chỉ làm cho chúng cảm thấy mình vô dụng.
Tránh nặng lời hoặc lấy lời nói làm vũ khí: "Sao mày ngu vậy!" hoặc "Mày còn dốt hơn cả thằng em mày!". Những câu nhận xét như vậy làm tổn thương trẻ còn hơn cả vết đánh trên thân thể.
Dùng từ một cách thận trọng và luôn tỏ ra thông cảm. Cho con biết rằng ai cũng có thể mắc lỗi và bạn vẫn yêu quý nó, cho dù bạn không thích hành vi sai phạm kia.
Nhận ra những điểm tốt của con
Có bao giờ bạn chợt nghĩ bạn đã nặng lời với con bao lần trong mấy ngày qua? Có thể bạn sẽ thấy bạn chỉ trích con nhiều hơn là khen ngợi. Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu ông chủ chỉ toàn chê trách mình cho dù là có ý tốt?
Cách hiệu quả hơn là hãy nhận ra những việc làm tốt của con: "Hôm nay con đã tự dọn giường mà không cần phải nhắc - thật là đáng khen đấy!" hoặc "Mẹ đã xem con chơi với em và con đã chứng tỏ là một ông anh trai cừ đấy". Những câu nói này sẽ thúc đẩy các hành vi tốt, hơn là lặp đi lặp lại những câu mắng nhiếc. Luôn tìm ra một điểm gì đấy để khen mỗi ngày. Hào phóng với sự khen thưởng - tình thương, cái ôm và lời khen sẽ có hiệu quả không ngờ và được đáp trả sau này. Rồi bạn sẽ nhận thấy bạn đang tạo dựng những hành vi mà bạn mong muốn nhìn thấy ở con.
Đặt ra giới hạn và kiên định với quy tắc của bạn
Kỷ luật luôn cần thiết trong mỗi gia đình. Mục tiêu của kỷ luật là giúp con cái chọn lựa những hành vi được chấp thuận và học cách kiểm soát bản thân. Trẻ con có thể thử nghiệm phá bỏ những giới hạn mà bạn đặt ra, nhưng chúng cần những giới hạn đó để trở thành người có trách nhiệm sau này. Đặt ra quy định trong nhà còn giúp trẻ hiểu được bạn mong muốn điều gì và biết cách tự kiềm chế mình. Những quy định có thể bao gồm: không được xem TV khi chưa làm bài xong, không đánh nhau, không chửi bậy.
Bạn có thể sẽ đặt ra một khung hình phạt, ban đầu là cảnh báo, sau đó là những hình phạt như tước đi một số quyền lợi. Một sai lầm mà các ông bố bà mẹ hay mắc phải là không nhất quán tuân theo những hình phạt khi luật lệ bị phá vỡ. Bạn không thể đưa con vào khuôn phép khi hôm thì nhắc nhở, hôm thì bỏ qua. Kiên định sẽ dạy con những điều mà bạn mong đợi từ nó.
Dành thời gian cho con cái
Với rất nhiều công việc trong cùng một khoảng thời gian, cha mẹ và con cái thường khó tụ tập ngay cả trong bữa ăn, chưa nói gì đến dành thời gian chuyện trò. Nhưng đó chính là những điều mà các đứa con mong đợi. Hãy dậy sớm hơn 10 phút mỗi sáng để ăn sáng cùng con, hoặc bỏ tạm bát đũa đấy và đi dạo với con sau bữa tối. Những đứa trẻ không được bố mẹ quan tâm thường tỏ ra ngỗ ngược và không nghe lời bởi chúng hy vọng sẽ được quan tâm theo cách đó.
Nhiều ông bố bà mẹ cho rằng tốt nhất là đặt sẵn một khoảng thời gian cho con theo định kỳ. Chẳng hạn dành tối thứ 7 hàng tuần cho con và để nó tự quyết định sẽ làm gì. Hãy tìm những cách khác để giao tiếp với con - như viết một mẩu nhắn hoặc để một cái gì đó đặc biệt vào hộp ăn trưa của con.
Những đứa trẻ mới lớn thường không cần sự quan tâm đầy đủ từ bố mẹ. Do có ít cơ hội để cha mẹ và con cái bên nhau, cần đáp ứng tối đa nhu cầu khi trẻ có nguyện vọng nói chuyện hoặc tham gia vào hoạt động trong gia đình. Xem hòa nhạc, chơi game, trò chuyện và tìm hiểu con và bạn bè của nó một cách nghiêm túc.
Đừng lo ngại bạn còn phải đi làm. Có rất nhiều những việc nhỏ bạn có thể làm cùng con - chơi tú, làm bánh, đi xem hàng... con sẽ nhớ những hành động đó.
Là một tấm gương tốt
Trẻ em chủ yếu học cách cư xử từ việc theo dõi người lớn. Càng bé thì chúng càng chú ý tới cử chỉ của bạn. Trước khi quất roi hoặc bạt tai con thì hãy nghĩ bạn có muốn con làm như vậy khi chúng nổi giận? Hãy luôn nhận thức rằng con bạn đang quan sát bạn. Các nghiên cứu cho thấy những trẻ em đánh nhau thường có ông bố vũ phu ở nhà.
Hãy nêu gương những đức tính mà bạn muốn con mình phát triển: tôn trọng người khác, thân thiện, trung thực, tử tế và bao dung. Tỏ ra rộng lượng không ích kỷ. Làm việc cho người khác mà không cần đáp trả. Luôn cảm ơn và khen ngợi. Trên hết, đối xử với con theo cách mà bạn muốn người khác đối xử với bạn.
(TN)