Ra mắt cuốn sách ảnh đầu tiên về khảo cổ học
(VietNamNet) - Lần đầu tiên, những di tích kiến trúc, những di vật lịch sử của một phần trung tâm Hoàng thành Thăng Long và thành Hà Nội xưa được xuất bản thành cuốn sách ảnh "Hoàng thành Thăng Long - phát hiện khảo cổ học" như một bộ sử về đời sống cung đình vua quan, quý tộc qua các thời kỳ. Cuốn sách do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát hành.
Để kịp thời cung cấp những tư liệu và nhận thức bước đầu cho bạn đọc về một di sản văn hóa vô giá của dân tộc trên đất Thăng Long - Hà Nội, cuốn sách "Hoàng thành Thăng Long - phát hiện khảo cổ học" tập hợp từ một số bài nghiên cứu của các chuyên gia, những cảm nhận của các nhà cách mạng lão thành, nhà quản lý, nhà khoa học, văn hóa và bạn đọc, khách tham quan trong và ngoài nước về cả một phức hệ di tích - di vật của Hoàng thành Thăng Long đã được khai quật với một diễn biến văn hóa - vật chất liên tục từ thành Đại La thuộc thời Đường và thời Đinh - Tiền Lê đến Hoàng thành Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng rồi thành Hà Nội.
Những phát hiện này đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đó là những dấu tích kiến trúc tiêu biểu như: các nền kiến trúc xếp bằng gạch màu xám, các chân tảng đá và những cột gỗ... hay một hệ thống các di tích giếng như 2 giếng thời Đại La; 2 giếng thời Lý; 2 giếng thời Trần; 3 giếng thời Lê; 2 giếng thời Lê - Nguyễn và hàng triệu di vật bao gồm mảnh vỡ, đồ vật còn nguyên hay những đồ vật vỡ mảnh nhưng có thể phục chế được, trong đó chiếm số lượng lớn là gạch, ngói và đồ gốm. Mỗi một thời kỳ di vật đều có những đặc trưng rất riêng biệt như từ thế kỷ V - VI bát gốm màu xanh có các dấu kê lớn trong lòng bát. Sang thế kỷ từ XI - XII có gốm men ngọc, men trắng, men lục, men vàng và hoa nâu với men sắc sảo, hoa văn trang trí đẹp...
-
Trần Mạnh Hào