,
221
5086
Thế giới sao
sao
/giaitri/sao/
572022
Ảnh đẹp và những nghịch lý thời số hoá
1
Article
5084
Giải trí
giaitri
/giaitri/
,

Ảnh đẹp và những nghịch lý thời số hoá

Cập nhật lúc 14:28, Thứ Hai, 07/02/2005 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Thế giới của chúng ta đa đang thay đổi từng ngày và không có gì phản ánh thế giới tốt hơn là hình ảnh. Đó cũng chính là tâm nguyện của những người thực hiện Thế giới ảnh của VietNamNet. Hãy cổ động, góp ý và ủng hộ chúng tôi. Thế giới ảnh VietNamNet có hay hơn, tốt hơn hay không, một phần lớn là công của các bạn!

Cuộc xâm lăng của máy ảnh số

 Nuy ( ảnh nghệ thuật của Nguyễn Thái Phiên)

Đầu năm ngoái, dpreview, một trang web rất nổi tiếng và chuyên về nhiếp ảnh kỹ thuật số (KTS) công bố một con số thống kê làm nhiều người kinh ngạc: Năm 1999 toàn thế giới tiêu thụ 5,5 triệu chiếc máy ảnh KTS. Năm 2000: 11 triệu. Năm 2001:18,5 triệu. Năm 2002: 30,5, đến năm 2003, đã có tới 50 triệu chiếc máy ảnh KTS được bán ra. Năm 1999 châu Âu chỉ tiêu thụ 1,1 triệu chiếc thì đến năm 2003, thị trường này đã xài đến 18 triệu chiếc. Trong khi đó, số lượng máy ảnh chụp phim giảm rõ rệt: năm 1999, toàn cầu có 67 triệu chiếc được bán ra thì đến năm 2003, chỉ còn có 57 triệu chiếc. Sự sút giảm này thấy rõ nhất ở Nhật Bản, cường quốc số một về công nghiệp nhiếp ảnh: Từ 6 triệu chiếc năm 1999, năm 2003 chỉ còn 2 triệu chiếc máy chụp phim được bán ra. Một thống kê khác cũng cho hay, hiện tại người Nhật chỉ đem khoảng 30% số ảnh đã chụp đến các tiệm lab để làm ảnh, con số này khiến các hãng chế tạo cả máy ảnh lẫn máy tráng rọi cùng phim giấy như lo lắng vì khi các loại máy ảnh KTS của họ bán chạy như tôm tươi thì thị phần các loại phim giấy và vật tư tráng rửa lại thu hẹp đáng lo ngại.
 

Nhịp sống số sôi động từng ngày

 “Tương quan lực lượng” giữa máy ảnh số và máy ảnh phim đang thay đổi hàng tuần, thậm chí hàng ngày, khi các hãng máy ảnh liên tục công bố những chiếc máy ảnh kỹ thuật số mới với giá bán rẻ đi nhanh chóng. Đầu năm 2004, một chiếc máy ảnh kỹ thuật số 8 triệu điểm ảnh của Canon, Sony hay Olympus đều có giá trên 1000 USD thì nay chỉ còn khoảng 800 USD, các loại máy ảnh compact dùng cho gia đình cũng nhanh chóng đạt tới 7 triệu điểm ảnh và giá bán còn khoảng 5-600 USD.

Tuy nhiên, thị trường máy ảnh kỹ thuật số chuyên nghiệp mới là nơi các kỷ lục vĩ đại nhất ra đời. Minolta Konica ra thân máy ngày 15.9.2004 thì ngay lập tức hãng Konica Minolta công bố chiếc máy KTS SLR đầu tiên của mình, chiếc Maxxum 7D có vỏ hợp kim manhê, 6 triệu điểm ảnh, có tính năng chống rung AS - anti shake trên CCD, tương tự chiếc máy ảnh “8 chấm” Dimage A2 cũng của hãng này. Trong khi đó Nikon tung ra chiếc Nikon D2X với 12,4 triệu điểm ảnh, chụp liên tục 5hình/giây và có thể chỉ dùng một diện tích nhỏ của sensor thay vì toàn bộ. Lúc này tỷ lệ nhân tiêu cự là 2 thay vì 1,5. Nghĩa là một ống kính tiêu cự 200mm trở thành tiêu cự 400mm và ảnh sẽ chỉ còn 8 MP song chụp liên tục 8 hình/giây.

 Canon thì sao? Họ cho ra đời một sản phẩm rất ấn tượng trong mối quan hệ giữa tính năng, chất lượng và giá tiền: EOS 20D, 8MP, chụp 5 hình/giây cho 23 ảnh chụp liên tục! Nếu EOS 20D là sự lựa chọn của những người ít tiền thì Canon EOS 1Ds mark II chính là chiếc máy”vĩ đại” nhất trên mọi phương diện: 16,7 triệu điểm ảnh, sensor CMOS 24x36mm làm cho các ống kính không bị thu hẹp góc nhìn và cho những file ảnh có chất lượng tuyệt hảo. Điều đáng“phê phán” duy nhất đối với EOS 1Ds mark II có lẽ là giá tiền gần 8.000 USD của nó!
 

Vì thượng đế, huynh đệ tương tàn!

Máy ảnh EOSI Dmark II

Cuộc chiến giữa các hãng cung cấp thiết bị nghành ảnh cũng đã lan đến Việt Nam. Sau những thắng lợi rực rỡ trong vòng 5 năm trở lại đây của Fujifilm với hệ thống máy phóng ảnh kỹ thuật số dòng Frontier và một loạt chiến dịch tiếp thị rầm rộ và nâng cao chất lượng, giảm giá sản phẩm khiến phim màu Fuji chuyên nghiệp chiếm được vị trí độc tôn, Kodak, nhà sản xuất phim ảnh hàng đầu nước Mỹ hình như đã thức giấc và hối hả trở lại với một loạt chương trình khuyến mại loại máy phóng ảnh kỹ thuật số dòng QSS, sản phẩm liên kết với hãng chuyên chế tạo máy tráng rọi ảnh Noritsu (Nhật Bản). Loại phim Kodak Ultima chuyên nghiệp, được Kodak bán lẻ chỉ với giá 18.000 đồng/cuộn cũng đang làm thị trường ảnh Việt Nam xôn xao.

 Cuộc cạnh tranh của hai đại gia này đang làm thị trường nhiếp ảnh Việt Nam chao đảo và người tiêu dùng được lợi bội phần. TP HCMvới 53 cơ sở dùng máy rọi ảnh Fuji, Hà Nội 25... cộng thêm các chương trình bán máy, tặng phim của Kodak, giá ảnh không ngừng giảm xuống tới mức kinh ngạc. Riêng TP Hải Phòng, thành phố nhỏ này có 6 cơ sở dùng máy rọi ảnh Fuji Frontier, gần đây có thêm một vài cơ sở được Kodak bán máy và tặng giấy ảnh, phim và cuộc chiến về giá được xem như một cuộc huynh đệ tương tàn: Trong khi giá ảnh gia công cho thợ là 1.500 đồng/ảnh cỡ 10x15 cm, một tiệm lab Kodak của doanh nghiệp T.H ra đời và đưa giá ảnh xuống còn 1.200 đồng, các nhà ảnh Fuji giảm giá theo, nhà Kodak này giảm tiếm 1.000 đồng, Fuji xuống 1.000, nhà Kodak tiếp tục xuống 800, một cuộc cạnh tranh kỳ lạ vì chưa tính khấu hao, hóa chất, tiền điện nước, mặt bằng, công lao động, thuế... thì một miếng giấy ảnh 10x15 cũng đã có đơn giá 750 đồng! Người tiêu dùng hưởng lợi trong vụ này, khi các nhà ảnh giết lẫn nhau và tự giết chính mình!
 

Nghệ thuật đỉnh cao bị loại bỏ?

Năm 2004, đời sống nhiếp ảnh nghệ thuật (tạm gọi) cũng ghi nhận nhiều sự kiện đáng nhớ. Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên, một cuộc bán đấu giá ảnh của nhà nhiếp ảnh Triệu Đại đã được tổ chức rất thành công, những tấm ảnh chụp từ 50 năm trước được phục chế bằng công nghệ mới có thể nói gần như hoàn hảo về kỹ thuật và có chữ ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được bán với giá rất cao để xây một công trình văn hóa cho tỉnh Điện Biên. Cuối năm, một cuộc triển lãm hoành tráng nhất từ trước đến nay đã được tổ chức bởi Bộ Văn hóa thông tin, lần đầu tiên, một cuộc triển lãm đã công bố tới hơn 300 bức ảnh khổ lớn trên 40x60 cm và trả nhuận ảnh cao cho tác giả.

Tuy nhiên, do những nhận thức khác nhau mà cuộc triển lãm đã không có Huy chương vàng (giải nhất), một đại diện Ban giám khảo nói rằng sở dĩ không trao giải nhất vì không tìm ra tác phẩm đỉnh cao. Nghe câu ấy, một nhà nhiếp ảnh lão thành cười mà rằng: “Tác phẩm đỉnh cao nằm trong đống ảnh loại ra kia kìa”. Xem bộ ảnh triển lãm ở Vân Hồ, có người sướng, có người chưa sướng. Họ nói ảnh đẹp thì có đẹp, nhưng đó là cái đẹp bề ngoài, cái đẹp của sự dàn dựng, của kỹ xảo vi tính, không phải là cái đẹp bản chất vốn có của cuộc sống đời thường mà nhiếp ảnh cần phải ghi nhận. Có người tinh ý còn phát hiện thấy hai đàn vịt... giống hệt nhau trong hai tác phẩm khác nhau trong triển lãm, đó là tác phẩm của hai nhiếp ảnh gia là anh em ruột ở tỉnh V. nọ. Có người khác thì phát hiện được trong triển lãm có cả một tác phẩm ảnh lấy từ một đĩa ảnh... Trung Quốc bán ngoài vỉa hè. “Tác phẩm” chụp hai cây nấm này đã bị tước quyền lợi, vị tác giả người thành phố Đ. này đã bị thu hồi Bằng chứng nhận và nhuận ảnh của Ban tổ chức!


Cũng liên quan đến nghệ thuật đỉnh cao, cuối năm qua dư luận xôn xao xung quanh việc một lãnh đạo nhiếp ảnh kiêm giám khảo của cuộc tuyển chọn ảnh xuất sắc đã được nhận giải thưởng cao nhất kèm theo một số tiền kha khá. Người trong nghề không ai trách vì ai cũng biết vị cán bộ này có nhiều công lao cho nền nhiếp ảnh nước nhà và sắp chuyển khỏi làng ảnh, nhưng có vài tờ báo lại làm cho mọi chuyện trở nên ầm ĩ, một vị có cái tên rất đàn bà là Lê Thị Liên H. cũng bày đặt phỏng vấn này nọ trên báo T. khiến dư luận một lần nữa hiểu lầm. Thế mới biết chuyện hay dở của làng văn nghệ thật khó mà giấu diếm, khó mà ngăn được miệng lưỡi thế gian!

Thế giới ảnh của VietNamNet

Và một sự kiện nữa, đó là Vietnamnet cải tiến trang Thế giới ảnh! Thôi thì cứ cho là mèo khen mèo dài đuôi đi, nhưng bạn đọc thấy không, chúng tôi đang làm hết sức mình, làm tất cả những gì có thể để biến Thế giới ảnh trở thành một trang báo chuyên về hình ảnh để phục vụ những bạn đọc yêu quí của chúng tôi. Thế giới của chúng ta đa đang thay đổi từng ngày và không có gì phản ánh thế giới tốt hơn là hình ảnh. Đó cũng chính là tâm nguyện của những người thực hiện Thế giới ảnh của VietNamNet. Hãy cổ động, góp ý và ủng hộ chúng tôi. Thế giới ảnh VietNamNet có hay hơn, tốt hơn hay không, một phần lớn là công của các bạn!

  • Bài và ảnh: Lưu Quang Phổ
     
     
,
,