221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
122248
Tiền trường - nỗi khổ của lao động nghèo
1
Article
null
Tiền trường - nỗi khổ của lao động nghèo
,
Học sinh trường này phải đóng tiền "kích cầu" 30.000/ tháng

Đầu năm học, phụ huynh Nguyễn Đình Quốc, công nhân Dệt I Công ty Dệt Việt Thắng (phường Linh Trung, quận Thủ Đức), có hai con học Trường Tiểu học P. (quận 9), phải đóng gần 1 triệu đồng bao gồm các khoản tiền trường cho hai con. Đây là số tiền quá lớn đối với những công nhân dệt như anh vì lương cộng với tiền ăn, tiền xe cộ của anh chỉ có 780.000 đồng/tháng.

 

Anh Quốc bức xúc: “Trong khi Đảng và Nhà nước đang chủ trương xóa mù chữ, phổ cập giáo dục thì con em của công nhân đang có nguy cơ nghỉ học vì lương không đủ đóng tiền trường. Tại sao giữa chủ trương và thực hiện không đồng bộ và thiếu nhất quán như vậy?”.

 

Tiền trường không chỉ có học phí mà còn bao nhiêu thứ khác. Các trường tổ chức thu một lần quả thật là gánh nặng cho người lao động nghèo. Một giáo viên Trường THCS Bán công T. than: “... Đã có phụ huynh phải khóc để xin đóng chậm vài hôm vì trường quy định khi nộp đơn cho con em vào học phải đóng đủ các khoản. Khu vực dân cư quanh trường phần lớn là dân lao động nghèo, có những phụ huynh để có đủ số tiền đóng đầu năm đã phải đi mượn “nóng” trả tiền lời...”.

 

Ngoài thu gộp một lần các khoản, một số trường còn thu luôn học phí của... năm sau làm số tiền phải đóng quá lớn, không phải phụ huynh nào cũng kham nổi. Đơn cử như Trường Du lịch và Tiếp thị quốc tế (quận Phú Nhuận) bắt học sinh đóng 4,5 triệu đồng cho trọn khóa học 2 năm! Việc thu tiền như vậy được bà Hiệu trưởng Nguyễn Thị Định Vân giải thích: “Trước đây chúng tôi cũng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn đóng học phí làm nhiều đợt, nhưng một số em nghỉ ngang không lý do khiến trường gặp khó khăn... trong đào tạo” (?!).

 

Đủ các loại phí, phụ huynh không biết đâu mà lần

 

Ngoài học phí, hiện nhiều trường tổ chức thu đủ các loại phí khác nhau khiến phụ huynh không biết đâu mà lần, và đây chính là nỗi bức xúc của hầu hết các phụ huynh. Một phụ huynh Trường THPT Bán công M. (quận 3) phản ánh: từ tháng 8 đã phải đóng tiền “tăng tiết” 30.000 đồng/tháng. Còn đây là bức xúc của phụ huynh Trần Thị Mỹ Dung (50/6 Vườn Chuối, phường 4, quận 3) có con học lớp 9 Trường THCS C. (quận 3) năm học vừa qua. Chị đợi con chị tốt nghiệp ra khỏi trường rồi mới phản ánh vì sợ con bị “đì”. Chị cho biết: bước vào học kỳ 2 mỗi phụ huynh phải đóng 237.000 đồng tiền “truy bài” kéo dài đến tháng 5, trước ngày thi tốt nghiệp THCS. “Trong khi tiền học phí chỉ 15.000 đồng/tháng x 9 tháng = 135.000 đồng, chỉ bằng 56% tiền truy bài. Thật quá vô lý!”, chị Dung cho hay: Chuyện đáng buồn là sau khi đơn xin miễn đóng tiền “tăng tiết” của chị (trường thông báo học sinh không có khả năng thì làm đơn xin miễn) không được trường chấp thuận, cả lớp bị bắt đóng bù cho đủ 237.000 đồng thay cho con chị. Con chị sau buổi học về nhà ngồi khóc vì bị xúc phạm danh dự, trong khi cháu là học sinh giỏi, mang vinh quang về cho trường với huy chương cấp thành phố môn cờ tướng.  

 

Hội phí, thu chi thế nào?

 

Đầu năm học, phụ huynh kêu ca nhất là về hội phí hội phụ huynh học sinh (PHHS). Ngay từ đầu năm học, trường nào cũng tổ chức thu ngay hội phí. Ngoài hội phí trường còn có hội phí lớp.

 

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, mức thu hội phí trường năm nay trung bình là 150.000 đồng/năm, hội phí lớp thì từ 100.000 đồng - 150.000 đồng/năm. Một số trường tổ chức thu hội phí theo từng tháng như thu học phí chính khóa. Cá biệt, có trường hội PHHS còn đứng ra thu tiền hỗ trợ cơ sở vật chất, tiền học sinh “trái tuyến”...

 

Hiện nay, quy mô các trường ở TPHCM thường khoảng 3.000 học sinh, nếu bình quân mỗi phụ huynh đóng 300.000 đồng tiền hội phí lớp và trường thì tổng số tiền thu được từ hội phí là vô cùng lớn. Vấn đề đặt ra là một tổ chức quần chúng, không có con dấu, không có trụ sở, có được phép đứng ra vận động người dân đóng góp và quản lý số tiền lớn như vậy không? Việc làm này có đúng luật không khi mà hội này lại đứng ra tổ chức thi công, sửa chữa trường lớp và các hoạt động khác?

 

Đến nay, vẫn chưa có một quy định cụ thể nào về vấn đề này nên mỗi hội có một cách thu và chi riêng, không ai quản lý được. Có hội đến cuối năm quỹ xài không hết nên tổ chức cho toàn trường đi nghỉ mát, liên hoan (?). Cũng qua phản ánh của phụ huynh, cách thu của nhiều hội còn chưa dựa vào sự tự nguyện nên nhiều phụ huynh không đồng tình. Thanh tra Sở GD-ĐT TP.HCM đã nhiều lần kiến nghị Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn hội PHHS về việc vận động thu tiền, quản lý tiền để phục vụ cho giáo dục. Tuy nhiên, đến nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn về vấn đề này ngoài công văn số 9655/VP ban hành từ tháng 1/1998 về việc “Quản lý các khoản thu trong trường”. Song, công văn này vẫn còn “chung chung”: Bộ GD-ĐT đề nghị UBND TP.HCM ra quy định về việc huy động các khoản đóng góp do hội PHHS huy động. Trước mắt, các hội PHHS phải lập đề án thu, chi hội phí và quỹ hỗ trợ trường học trình UBND quận huyện phê duyệt. Trong lúc đề án chưa được phê duyệt thì chưa được huy động đóng góp của cha mẹ học sinh...

 

Trên thực tế, ít có hội PHHS nào làm theo chỉ đạo này.

 

Theo luật sư Nguyễn Thanh Bình, đoàn Luật sư TP.HCM, việc hình thành quỹ hội PHHS dựa trên tinh thần tự nguyện, tự giác của những người tham gia hội. Do vậy, việc đóng góp phải tùy theo khả năng của mỗi người, không được áp đặt mức đóng góp. Do hình thành trên tinh thần tự nguyện nên mục đích, cách thức sử dụng quỹ phải được công khai hóa. Nếu mục đích của quỹ hội PHHS là hỗ trợ cho nhà trường trong công tác giảng dạy thì cần phải được quy định cụ thể hỗ trợ đến mức độ nào, chứ không phải là làm thay nhà trường. Mọi người trong hội PHHS đều có quyền biết, kiểm tra việc sử dụng quỹ. Tuy nhiên, vì đây là quỹ tự nguyện nên luật chưa có quy định cụ thể, nhất là về trách nhiệm của người giữ quỹ nếu xảy ra tình trạng lạm dụng quỹ. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cũng cần phải có quy định cụ thể về những lĩnh vực, mức độ hỗ trợ cho nhà trường của hội PHHS.    

 

(Theo NLĐ)           

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,