(VietNamNet) - Ngoài việc duy trì cái "được", nhiều thay đổi về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2003 còn "nhắm" tới cái đích khắc phục những rắc rối của mùa tuyển sinh năm trước. Thế nhưng, cái đích này có vẻ như khó đạt tới bởi ngay những việc tưởng như đã hoàn tất thì lúc này mới bắt đầu bộc lộ bất cập.
Học sinh làm bài thi |
Vẫn cần "phiên giao dịch chứng khoán xét tuyển"
Một trong năm nguyên tắc cải tiến tuyển sinh ĐH mà Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Trần Văn Nhung, trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ 2003 khẳng định là áp dụng tối đa công nghệ thông tin. Trước đó, tại hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ tổ chức tại Vinh tháng 12/2002, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã chỉ đạo: Bộ GD - ĐT cần phải tập trung, tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, tổ chức nhiều hội nghị hẹp để tìm ra phương án tối ưu cho công việc này. Xu hướng đó được thể hiện bằng việc đầu tư kinh phí để trung tâm công nghệ thông tin của Bộ làm một phần mềm tuyển sinh mới.
Trong các ngày từ 25 đến 28/3, các Sở GD - ĐT, trường ĐH, CĐ đã về Hà Nội tham gia công tác tập huấn công tác tuyển sinh, tập huấn máy tính và đăng ký hộp thư truyền số liệu. Thế nhưng, trái với những gì mong muốn là được xem thử và góp ý về phần mềm mới, kết thúc các buổi tập huấn, các trường chưng hửng ra về với kết cục: không thấy gì khả quan hơn năm ngoái. Phó phòng đào tạo ĐH Khoa học tự nhiên lắc đầu: Vẫn phải dùng phần mềm cũ thôi...Phần mềm mới được thiết kế cho một quy trình xử lý thống nhất. Tuy nhiên, khi gặp phải nhu cầu nhập dữ liệu lớn để xử lý hàng trăm ngàn bộ hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh thì đã gặp những rườm rà như thêm quá nhiều thao tác, quá hiện đại để tương thích với hệ thống máy móc của một số Sở GD - ĐT,v.v... Ông Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin đã đề nghị Bộ quay lại sử dụng phần mềm cũ cho mùa tuyển sinh năm nay.
Những người trực tiếp làm công tác tuyển sinh của các trường đều dự đoán: để đảm bảo an toàn, có khả năng họ vẫn phải xách máy vi tính cá nhân về hội trường C2 của Bộ GD-ĐT như năm ngoái để xử lý công tác xét tuyển các nguyện vọng.
Theo nhận định từ các trường, "sự cố" phần mềm tuyển sinh năm nay có phần xuất phát từ nguyên nhân quy chế tuyển sinh năm nay ra quá chậm. Trong thời gian 3 tháng từ lúc khởi động đến khi có thông báo chính thức, các dự kiến bị thay đổi liên tục. Điều này khiến công tác chuẩn bị về mặt kỹ thuật khó đáp ứng trong một thời gian ngắn..
Không chủ động tiên liệu được hồ sơ" ảo"
Năm nay, thí sinh trúng tuyển cả hai nguyện vọng 1 và 2 được xét tuyển độc lập chứ không bị "mất" đi nguyện vọng 2 như năm ngoái. Có vẻ như chuyện nguyện vọng của thí sinh lại giống như tình trạng trước khi áp dụng "ba chung": mỗi thí sinh được thi 2 trường, trúng 2 trường vẫn được tự do lựa chọn. Tình trạng hồ sơ "ảo" do thí sinh trúng tuyển mà không theo học lại xảy ra. Tuy nhiên, rắc rối không nằm ở chỗ đó. Phó Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM, ông Đinh Bá Cần, từng khẳng định các trường đã quen xử lý hồ sơ 'ảo". Thế nhưng, cái "ảo" của năm nay lại khác ở chỗ, theo như trưởng phòng đào tạo một trường ĐH ở Hải Phòng: những năm trước, thí sinh trúng tuyển mà không đến, trường nắm ngay được số thiếu so với chỉ tiêu để "liệu'. Nhưng năm nay thì không thể biết được vì còn phải chờ lượng trúng tuyển theo nguyện vọng 2 từ các trường khác "đổ" về. Đó là chưa kể, theo dự báo của ông Đinh Quang Thắng, ĐH Cần Thơ, do năm nay, hai khối A, B thi làm hai đợt nên sẽ có nhiều khả năng thí sinh tận dụng cơ hội thi hai lần, đưa số nguyện vọng chính thức trong hồ sơ thành 4.
Một số trường đã lên tiếng đề nghị Bộ GD - ĐT nên thêm dòng ghi tên ngành trên phiếu ĐKDT để khắc phục tình trạng thí sinh ghi sai mã ngành trong hồ sơ ĐKDT. Thế nhưng, hồ sơ năm 2003 vẫn không hề có sự điều chỉnh này. Phần hướng dẫn của Bộ ghi: tại mục NV1 và NV2, TS phải ghi đầy đủ tên trường, ký hiệu trường, khối thi và mã ngành của trường mà thí sinh phải dự thi và xét tuyển". Như vậy, năm nay, chắc chắn các trường sẽ phải đối diện với vấn nạn sai mã ngành hoặc ghi mã ngành này nhưng muốn dự thi vào ngành khác.
Những rắc rối nảy sinh sau khi ban hành các tài liệu cần thiết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2003 rồi sẽ được ban chỉ đạo tuyển sinh tiếp tục "xử lý" bằng những thông báo đánh số trong thời gian từ nay đến kết thúc mùa tuyển sinh... Điều đáng nói ở đây là dáng dấp của một chiến lược dài hơi vẫn chưa thấy trong khi điệp khúc "liên tục hướng dẫn" của năm trước rồi sẽ còn lặp lại...
- Hạ Anh