221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
93145
Học sinh trường chuyên bỏ học vì thiếu chỗ ở
1
Article
null
Học sinh trường chuyên bỏ học vì thiếu chỗ ở
,
Dãy nhà này chỉ còn 7 chỗ nội trú.

Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bình Định) khai giảng chưa được một tháng nhưng trên chục em sinh lớp 10 đành ngậm ngùi xin về quê, vì không có chỗ ở nội trú.

"Thi"  vào... 7 chỗ trống

Trường chuyên Lê Quý Đôn được thành lập từ 3 năm nay, nhưng mới "ra riêng" được một năm, hai năm trước phải học nhờ tại trường Quốc học Quy Nhơn. Cám cảnh với chuyện ăn nhờ ở đậu này, một số doanh nhân quê Bình Định đang làm việc tại tỉnh Bình Dương đã móc hầu bao 5,5 tỷ đồng để giúp tỉnh nhà xây ngôi trường này, với mong muốn đây sẽ là nơi quy tụ những học sinh xuất sắc nhất của tỉnh. Hay tin trường có cơ sở mới, lại có chỗ ở nội trú, hàng trăm học sinh từ các huyện nộp đơn xin ứng thí vào lớp 10. Kỳ thi tuyển vào lớp 10 năm nay có 280 em thi đỗ vào trường. Những tưởng cầm được giấy gọi nhập học là mừng, nhưng khi dẫn con em vào trường, các phụ huynh mới tá hỏa là không có chỗ ở nội trú.

Để cho có sự "đóng góp" với các doanh nghiệp hảo tâm, tỉnh Bình Định cũng bỏ ra 900 triệu đồng, xây vừa đủ 10 phòng ở nội trú cho 60 em. Trong số 280 học sinh lớp 10 mới tuyển năm nay thì có đến 137 học sinh từ các huyện xa trong tỉnh. Phần lớn số học sinh này đều là con nhà nghèo, không có khả năng thuê phòng trọ ở ngoài. Trong khi đó, 60 chỗ ở nội trú của trường, các em học sinh khối 11 và 12 đã chiếm hết 53 chỗ. Vậy là 137 em lớp 10 này phải "thi" một lần nữa để chiếm 7 chiếc giường còn lại trong khu nội trú. Ông Phạm Quang Bắc -  Hiệu trưởng trường nói: "7 chỗ ở còn trống, chúng tôi buộc phải "xét tuyển" cho các trường hợp là con liệt sĩ, thương binh và gia đình nghèo. Mà con liệt sĩ, thương binh thì gần như không có, trong khi em nào cũng là con nhà nghèo!". Thế là một cuộc "hồi hương" bắt đầu. Từ một tuần nay, ngày nào cũng có phụ huynh đến xin với trường cho họ chuyển con em về quê. Theo ông Bắc, đã có 12 em do hoàn cảnh quá khó khăn nên nhà trường buộc phải cho chuyển theo nguyện vọng của phụ huynh, số còn lại, trường vừa "động viên" vừa tích cực liên hệ với nhà dân để lo chỗ ở.

Ở trọ - nỗi lo của phụ huynh

Chị Nguyễn Thị Hạnh - ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước có con đang học lớp 10, lo lắng : "Mỗi tháng đóng tiền trọ cho cháu 60 nghìn đồng, tôi cố cũng được, song không an tâm chút nào". Học sinh lớp 10 mới bước vào tuổi 16, phần lớn đều ở quê, lần đầu xa nhà, khó mà biết được những gì sẽ đến với các em khi phải sống tự lập ở thành phố. Ông Bắc cảnh báo: "Cách đây mấy hôm, đạo chích đã đột nhập vào phòng của 2 học sinh ở trọ trên đường Nguyễn Huệ và lấy sạch tiền của các em. Thế là các em lại nộp đơn xin chuyển về quê!". Các nam học sinh thì còn có thể thích nghi dần với việc ở trọ, nhưng với các em nữ sinh 15 - 16 tuổi, ở trọ là chuyện không thể. Tiếp xúc với chúng tôi sáng ngày 8/8, nhiều phụ huynh tỏ ra thất vọng vì họ, nghĩ rằng nhà trường sẽ có chỗ trọ cho con em họ chứ không nghĩ là phải tự lo chỗ ở. Do vậy, việc "hồi hương" của 12 em chưa phải là con số cuối cùng.

Để có thể giữ chân được số học sinh ưu tú này, mấy ngày qua, Ban giám hiệu Trường Lê Quý Đôn đã phải phân công nhau đến một số nhà dân lân cận để liên hệ chỗ ở cho các em. Mặt khác, trường liên tục động viên các em "khắc phục khó khăn". Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Bắc, "ngày nào cũng có phụ huynh đến xin trường cho chuyển con họ về quê!".

Bao giờ có chỗ ở nội trú?


Ông Bắc cho biết: "Trước khi xây chỗ ở nội trú, chúng tôi đã kiến nghị với Sở GD - ĐT Bình Định là nên xây nhà hai tầng để có chỗ ở cho 120 học sinh, nhưng không được chấp thuận vì không có kinh phí". Bức xúc trước việc hàng chục học sinh lớp 10 trường chuyên xin chuyển về quê, ông Phạm Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đề nghị với trường "nên lập đề án xây thêm phòng" để tỉnh giải quyết. Bây giờ mới "lập đề án" thì không biết đến bao giờ mới có chỗ ở cho học sinh. Bình Định từng tuyên bố "trải thảm đỏ" để đón nhân tài về với tỉnh, nhưng "nhân tài" đang ở trong tay của mình thì lại không "đón". Bình Định cũng không phải là tỉnh quá eo hẹp trong việc chi tiền. Dám bỏ ra mỗi năm 5-6 tỷ đồng để nuôi đội bóng đá thì không lý gì lại không bỏ ra vài tỷ để nuôi nhân tài. 

(Theo Lao Động)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,