(VietNamNet) - Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã khẳng định như vậy trong chuyến thăm và làm việc tại ĐHQG Hà Nội. Chủ tịch nước cũng đã trực tiếp lắng nghe kiến nghị của sinh viên về chỗ ở, việc làm, chính sách ưu đãi thu hút nhân tài, biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục, cải cách hành chính, xoá bỏ phân biệt đối xử nam - nữ trong chế độ cử tuyển...
15 sinh viên, đại diện cho hơn bốn vạn sinh viên của ĐHQG Hà Nội, đã báo cáo và kiến nghị với Chủ tịch nước Trần Đức Lương về những vấn đề liên quan thiết thực đến việc học và đời sống sinh viên, đến các chính sách của Nhà nước về trọng dụng nhân tài,.... Không chỉ nêu vấn đề về chỗ ở KTX, chính sách học bổng cho sinh viên khi học phí tăng; trang thiết bị học tập nghèo nàn lạc hậu làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập; chính sách ưu đãi cho các cử nhân tài năng sau khi ra trường....; các bạn còn nêu những câu hỏi về chính sách cải cách hành chính có thực sự đem lại lợi ích cho dân? Nhà nước phải làm gì để ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám?,...
Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã khen ngợi sinh viên ĐHQG Hà Nội không chỉ quan tâm đến quyền lợi thiết thực của bản thân mình mà còn biết lo lắng, trăn trở cho sự phát triển của xã hội, vận mệnh của đất nước.
Chủ tịch nói: "Một trong những trăn trở lớn nhất của Đảng và Nhà nước ta hiện nay chính là làm sao để sự nghiệp giáo dục - đào tạo và phát triển khoa học - công nghệ thực sự trở thành động lực to lớn phát huy trí tuệ, sức mạnh tuổi trẻ Việt Nam vươn lên sánh vai các nước lớn trên thế giới. Vì chỉ có tri thức mới có thể đưa đất nước, dân tộc ta đi đến văn minh, tiến bộ, sẽ không bị ai áp bức, đè nén".
Không có nhiều thời gian để giải đáp tất cả những thắc mắc của sinh viên, Chủ tịch nước chỉ nhấn mạnh một số vấn đề cơ bản liên quan đến thắc mắc về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với những cử nhân tài năng; tình trạng chảy máu chất xám, chế độ cử tuyển...
Nói về hiện tượng chảy máu chất xám hiện nay, Chủ tịch cho rằng không nên khắt khe nhìn nhận hiện tượng chảy máu chất xám ở một số thanh niên tài giỏi hiện nay là hành động không yêu nước. Vì trên thực tế, có rất nhiều người theo học một số ngành đặc thù riêng ở nước ngoài nhưng không không có cơ hội áp dụng ngành học đó ở Việt Nam nên đành ở lại. Tất nhiên là với những người đã nhận đủ sự ưu đãi của Nhà nước, sau khi ra nước ngoài du học vì động cơ làm giàu mà không trở về thì cần phải xem lại mình. Cũng đừng nên băn khoăn về việc làm việc cho doanh nghiệp Nhà nước hay tư doanh có lợi hơn. Điều quan trọng là phải biết chọn lựa cho mình ngành nghề phù hợp và rèn luyện thật tinh thông để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của xã hội.
Riêng với thắc mắc của một sinh viên ngành sư phạm, trường ĐH Ngoại ngữ quốc gia về việc Nhà nước có chính sách gì đề giải quyết tình trạng sinh viên sư phạm theo diện miễn học phí, tình nguyện về miền núi dạy học theo phân công của Nhà nước nhưng ra trường vẫn phải đi tìm việc như sinh viên thuộc diện không miễn giảm học phí, Chủ tịch nước ghi nhận và yêu cầu Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển cùng nhà trường phải giải quyết vấn đề này. Chủ tịch nhắc nhở: "Nói thế nào phải làm thế ấy, nếu nói nhiều mà làm ít sẽ bị mất lòng tin...".
Trước khi kết thúc chuyến thăm và làm việc, Chủ tịch nước mong muốn ĐHQG Hà Nội sớm xây dựng cơ sở vật chất khang trang, phục vụ tốt cho công tác đào tạo, phát triển ngang tầm với các ĐH lớn trong khu vực và trên thế giới.
-
Nguyệt Minh