221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
344425
Đột phá khâu giáo viên: bằng cách nào?
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Đột phá khâu giáo viên: bằng cách nào?
,

(VietNamNet) - Lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển tỏ ra lo lắng thực sự về chất lượng giáo viên trong cuộc trò chuyện với VietNamNet và một số phóng viên báo khác bên hành lang Quốc hội. Theo Bộ trưởng Hiển, muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì phải đột phá khâu giáo viên. Thế nhưng ông lại tỏ ra lúng túng vì không biết "đột phá" bằng cách nào!

Chất lượng giáo dục: "Có chất lượng cao chưa chắc đã hiệu quả"!

Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển.

- Việt Nam vẫn chưa có tiêu chí chính thức để đánh giá chất lượng giáo dục, nên mỗi người có một nhận định khác nhau về chất lượng này. Với cương vị trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Báo cáo đánh giá chất lượng giáo dục của Chính phủ, Bộ trưởng có nhận định gì thật khách quan về vấn đề chất lượng giáo dục hiện nay?

- Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển: Việc đầu tiên là thống nhất tiêu chí đánh giá, dựa trên tiêu chí gì. Cái này không phải sự mong muốn chủ quan của chúng ta mà có cơ sở khoa học. Tất nhiên, đưa ra bộ tiêu chí rất cụ thể là công việc khoa học, tìm hiểu rất kỹ, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài. Suốt quá trình nhiều năm qua, chúng ta đã làm và về cơ bản, chúng tôi đã có những tiêu chí đó...

- Vậy đó là những tiêu chí gì, thưa Bộ trưởng?

- Đây là đợt đánh giá toàn diện, chủ yếu góc nhìn bao quát, tập trung ba phương diện, hoặc dựa vào ba nhóm tiêu chí. Thứ nhất là đạo đức của học sinh - sinh viên, trong đó có nhận thức, hành vi, lối sống. Thứ hai là đánh giá về văn hóa, tức là kiến thức và kỹ năng. Thứ ba là đánh giá về thể lực. Tất nhiên còn những mặt khác, nhưng do điều kiện thời gian nên mong mỏi hiện nay tập trung vào: đạo đức, kiến thức, kỹ năng.

- Trong ba phương diện nói trên, Bộ trưởng quan tâm nhất đến lĩnh vực nào?

- Theo tôi, cả ba đều quan trọng. Nhưng hai cái đầu thì dư luận quan tâm nhiều.

- Khi đánh giá chất lượng giáo dục, người ta hay so sánh: Ngày nay giáo dục được đầu tư nhiều tiền của, công sức hơn ngày xưa nhưng chất lượng lại chưa được tương xứng với sự đầu tư đó. Bộ trưởng nghĩ gì về ý kiến này?

- Để thấy rõ các vấn đề giáo dục, để đánh giá đảm bảo khoa học, mình phải có so sánh, đối chiếu bằng nhiều cách. Thứ nhất là so sánh với quá trình trước đây xem nó thế nào. Đấy là một so sánh. Cái quan trọng hơn là so sánh với yêu cầu hiện tại và trong tương lai. Thứ ba là so sánh với các nước. Nội dung mà nhà báo muốn nói có lẽ là vấn đề hiệu quả. Chất lượng giáo dục và hiệu quả gắn bó với nhau nhưng chưa chắc đã đồng nhất. Có chất lượng cao chưa chắc đã hiệu quả! (?)

Giáo viên: Khâu đột phá

- Chất lượng giáo dục liên quan với chất lượng người thầy. Có phải hình ảnh, vị trí người thầy hiện nay chưa được cao quý vì những ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế thị trường, do đó chất lượng giáo dục cũng bị tác động?

- Chất lượng giáo dục chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố chứ không chỉ do yếu tố người thầy: đó còn là nội dung, chương trình, cách tổ chức học tập trong nhà trường, cơ sở vật chất, cách tổ chức quản lý,.... Tuy vậy, tôi đồng ý giáo viên là yếu tố quan trọng. Vì thế, trong các đề cương báo cáo về điều kiện ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, chúng tôi đưa giáo viên và quản lý lên đầu. Ban Bí thư Trung ương Đảng còn có đề án về xây dựng phát triển giáo viên và cán bộ giáo dục...

- Về quy định giáo viên soạn giáo án, nhiều giáo viên phản ánh rằng đây là quy định... không phù hợp, nên chỉ có thanh tra đến thì họ mới dạy đúng giáo án. Bộ trưởng nghĩ như thế nào về tính thực tế và bệnh hình thức trong vấn đề này ở rất nhiều địa phương, từ đó cũng khiến cho kết quả thanh tra và báo cáo lên trên khác xa với thực tế?

- Việc chuẩn bị giờ dạy là yêu cầu bắt buộc đối với giáo viên khi lên lớp, chúng ta thường gọi là soạn giáo án. Tôi nghĩ quan trọng là hiểu biết và ý thức của người thầy đối với việc này...

- Nhưng sách hướng dẫn giáo viên thì lại quá cụ thể?

 - Sách đó chỉ là tài liệu tham khảo, còn giáo viên có thể tham khảo thêm những tài liệu khác...

 - Nếu tháo gỡ được các ràng buộc để cho Bộ trưởng tự quyết thì ông sẽ chọn khâu nào để giải quyết vấn đề chất lượng giáo dục?

- Vấn đề giáo viên và cán bộ quản lý, vì quan trọng nhất vẫn là con người. Theo tôi, cần phải có một đợt xem xét, phân loại, sàng lọc, bố trí lại giáo viên để đảm bảo yêu cầu. Chắc sẽ là rất khó...

- Ông nói khâu đột phá là giáo viên rồi lại lo khó, nghĩa là sao?

- Tôi nghĩ có rất nhiều vấn đề, chung quy lại cũng là vấn đề con người (?).

- Ông không xử lý được giáo viên sai phạm sao?

- Không phảỉ! Sai phạm chỉ là một vấn đề nhỏ. Bên cạnh đó, còn là năng lực, trình độ của giáo viên, sự say sưa với nghề nghiệp của họ, nhiều vấn đề chứ. Giáo viên của ta gần một triệu người, như vậy cũng đáng mừng vì nó đáp ứng được một phần nhu cầu của xã hội. Nhưng nếu xem xét thật kỹ chất lượng thì sự thật là đáng lo ngại. Cùng một chương trình nhưng hai người thầy dạy có thể khác nhau.

- Theo ông, có bao nhiêu nhiêu phần trăm giáo viên không đạt yêu cầu?

 - Phải có điều tra mới có con số cụ thể, nhưng theo ước đoán của chúng tôi thì phải khoảng 10%. Đó cũng là con số rất lớn!

Có bao giờ Bộ trưởng... vi hành?

- Hiện đã sắp đến kỳ thi tốt nghiệp. Đã rất nhiều lần, do chạy theo thành tích, nhiều nơi vẫn để diễn ra tình trạng coi thi hình thức, thậm chí giáo viên còn "tiếp tay" cho học sinh làm bài. Vậy có bao giờ Bộ trưởng hoặc lãnh đạo Bộ thị sát đột xuất, không theo kiểu thanh tra có báo trước?

-- Điều đầu tiên là chúng tôi không bao giờ có chỉ đạo đối với các địa phương là phải tốt nghiệp đúng bao nhiêu phần trăm. Những ý kiến của nhà báo, chúng tôi ghi nhận để xử lý tiếp. Chúng tôi cũng  đã thừa nhận tại Quốc hội năm ngoái là: trong những khâu liên quan đến  thi cử thì coi thi là khâu yếu nhất của thi tốt nghiệp. Tại hội nghị giám đốc các Sở GD-ĐT vừa rồi, chúng tôi đã nhấn mạnh đến vấn đề này và yêu cầu xiết chặt kỷ luật, kỷ cương. Các trường hợp vi phạm bị phát hiện sẽ xử lý nghiêm.

Đi thị sát là gợi ý rất hay. Ngoài các đợt thanh tra chính thức, tôi nghĩ có thanh tra đột xuất sẽ giúp mình nắm thực chất vấn đề...

- Bộ đã có chủ trương bỏ thi tốt nghiệp Tiểu học, lấy kết quả thi học kỳ II năm lớp 5 và kết quả học tập để xét tốt nghiệp. Vậy có  bao giờ Bộ trưởng nghĩ tới việc có thể tiến tới bỏ thi tốt nghiệp THCS, THPT bằng cách lấy điểm học bạ của từng lớp, từng cấp để đánh giá và xem xét tốt nghiệp các bậc học này?

- Điều đó có một số nước đã làm, và cũng là kinh nghiệm để Việt Nam tham khảo. Tuy nhiên, thi cử là công đoạn quan trọng trong quá trình giáo dục, để nắm được chất lượng giáo dục. Từ chỗ ta đang tổ chức rất nhiều kỳ thi đến lúc không tổ chức kỳ thi nào, đấy là một giai đoạn chuyển đổi hết sức quan trọng. Phải xem xét rất nhiều khâu, phải làm từng bước... Tôi  tán thành không nên tổ chức các kỳ thi có áp lực căng thẳng, tốn kém, gây áp lực tâm lý cho học sinh, sinh viên, phụ huynh và xã hội. Nhưng hãy thử nghĩ: Nếu bỏ các kỳ thi thì thầy giáo sẽ dạy như thế nào, học sinh sẽ học ra sao? Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Theo tôi, phải cân nhắc để giải quyết vấn đề này từng bước.

- Nhưng nhiều học sinh vẫn nghĩ rằng chỉ cần học vừa vừa cũng đỗ tốt nghiệp, do các em thấy thi cử mang tính hình thức quá. Biết đâu, căn cứ vào học bạ lại khiến học sinh "sợ" hơn?

- Tốt nghiệp là đạt ngưỡng tối thiểu nào đó, nên tỷ lệ học sinh đỗ cao cũng dễ hiểu. Thi tuyển vào Đại học là mình lấy số lượng hạn chế trong tổng số người nên có khác hơn. Chỉ khi nào số lượng dự thi tuyển ít đi, số chỉ tiêu vào ĐH, CĐ của các trường tăng lên thì mới có tỷ lệ đông đảo học sinh trúng tuyển ĐH, CĐ.

- Nhưng vấn đề không phải là tỷ lệ đỗ bao nhiêu. Chính Bộ đã nói đề thi ĐH, CĐ những năm gần đây tuân thủ chặt chẽ yêu cầu của sách giáo khoa chứ không phải nội dung cao cấp hơn. Học sinh  học theo sách, thi tốt nghiệp THPT điểm cao, nhưng thi ĐH thì số lượng thí sinh có bài làm được điểm 0, điểm 1 rất nhiều...

- Tôi đã nói yêu cầu của hai kỳ thi này rất khác nhau. Một bên yêu cầu ngưỡng tối thiểu, một bên yêu cầu "loại" gay gắt để chọn người giỏi. Đề thi ĐH, CĐ khó hơn nhiều.

Giao quyền tự chủ? Phải từ từ...

-  Hiện nay, có một số trường dân lập không có sự hỗ trợ của Nhà nước, phải thuê địa điểm, thuê thầy mà chất lượng giáo dục vẫn rất tốt. Như trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) có tới 90% học sinh đỗ ĐH. Nếu có chủ trương xã hội hóa giáo dục hoàn toàn, ông có dám quyết "thả nổi" cho các trường tự thu học phí, tự chi tiền lương giáo viên và Nhà nước chỉ  trả lương giáo viên, đầu tư chi phí cho một số trường quốc gia?

 - Chắc là Nhà nước không thể thoái thác trách nhiệm của mình mà chỉ tập trung làm cho tốt một số trường có tính chất dẫn dắt, đầu tàu. Tôi công nhận là hiện nay nhiều trường dân lập, tư thục phổ thông làm tốt. Tôi ủng hộ mở rộng trường ngoài công lập vì nhu cầu học tập chính đáng của người dân rất lớn mà Nhà nước không thể "bao" hoàn toàn.. Quan trọng là nghĩ cách tổ chức thế nào,  ra các quy định để họ hoạt động trong khuôn khổ.

- Có dư luận trong ngành "than" rằng Bộ ôm nhiều quá, trong khi lẽ ra Bộ nên quản lý bậc phổ thông, còn đào tạo nên để các trường đại học (ĐH) tự quyết?

- Tôi nghĩ tinh thần chúng tôi ủng hộ phân cấp, đề cao tự chủ và tự chịu trách nhiệm, nhưng phải làm kỹ từng bước. Chứ nếu ngay một lúc mình buông hoặc không chuẩn bị điều kiện để nhà trường tiếp nhận thì cũng sẽ gây ra hỗn loạn. Việc phân cấp đã làm tốt ở hai ĐHQG, sắp tới sẽ phân cấp mạnh cho ĐH khu vực như Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng; kể cả việc giao cho cấp bằng tiến sĩ.

Khi nào Bộ trưởng lúng túng?

- Bộ trưởng chỉ đạo đánh giá chất lượng giáo dục như thế nào?

- Đây là báo cáo của Chính phủ để trình Quốc hội vào cuối năm nay. Trong đó, có nói về phát triển giáo dục, quy mô, chất lượng như thế nào, hiệu quả ra sao, phân tích nguyên nhân những mặt được, chưa được để tìm ra giải pháp phát triển sự nghiệp giáo dục. Chúng tôi mời nhiều cơ quan cùng tham gia, không phải mình Bộ GD-ĐT. Bộ chỉ đóng vai trò chủ trì. Trong Ban chỉ đạo của Chính phủ, còn có các Bộ ngành liên quan khác cùng Ban Khoa giáo, Hội Khuyến học, Viện Khoa học - Công nghệ quốc gia.

- Tại sao Bộ trưởng không từ chối trách nhiệm vai trò chính của Bộ GD-ĐT, vì e rằng sau này khi có kết quả là "chất lượng giáo dục tốt" thì người ta sẽ cho là không khách quan?

- Không thể từ chối được, vì Thủ tướng đã giao. Việc này không phải là... thanh tra mà là xây dựng báo cáo để trình lên Quốc hội. Khi có  báo cáo rồi, sẽ có cơ quan thẩm tra, chắc là Quốc hội sẽ giao cho Uỷ ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội... làm việc ấy.

 - Bị kêu nhiều về giáo dục, Bộ trưởng có thấy mệt không?

 - Thực sự là công việc nặng nề, phức tạp, rất nhiều.

-  Có khi nào Bộ trưởng thấy lúng túng quá, vì... không có lối đi?

- Cũng có trường hợp vấn đề rất lớn, mâu thuẫn giữa mong muốn và điều kiện cụ thể để thực hiện. Còn thực sự thì tôi mừng là đất nước có nhiều người muốn học. Đó là nguồn động viên an ủi một bộ trưởng như tôi. Chỉ có cái mình làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu học tập chính đáng của người dân...

  • Lương Thị Bích Ngọc - Lê Hạnh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,