221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
458882
Hiến kế cho giáo dục? Cần hội nghị kiểu "Diên Hồng"
1
Article
null
Hiến kế cho giáo dục? Cần hội nghị kiểu 'Diên Hồng'
,

(VietNamNet) - Buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Phan Văn Khải với các nhà giáo kéo dài suốt cả một ngày vẫn không đủ thời gian cho những cánh tay giơ lên liên tiếp đề nghị đăng đàn.

"Việc đánh giá cho đúng tình hình giáo dục nước ta có ý nghĩa quan trọng, nhằm tìm ra đúng nguyên nhân, từ đó có biện pháp để khắc phục những yếu kém, tồn tại và thúc đẩy nền giáo dục nước nhà. Những năm vừa qua, ngành giáo dục nước ta xuất hiện nhiều tiêu cực và có nhiều bức xúc mà dư luận đang rất quan tâm." - Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục đã lưu ý như vậy sau khi bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển trình bày báo cáo đề dẫn.

Trong ngày làm việc giữa Thủ tướng với các nhà giáo hôm nay (chỉ có hai lần giải lao rất ngắn) các đại biểu đã liên tiếp giơ tay để được đăng đàn. VietNamNet ghi nhận một số ý kiến tại buổi gặp gỡ quan trọng này.

● Hoàng Thị Kim Yến (giáo viên trường THCS Ninh Khánh, Ninh Bình): Nên thấu hiểu giáo viên và học sinh, chứ không chỉ lấy ý kiến từ hội họp

Khi nói đến giáo dục, phải nói đến chất lượng thực. Có một thực tế: Các giáo viên phải chịu áp lực về thành tích giảng dạy "năm sau phải cao hơn năm trước". Có giáo viên từ khi mới về trường cho đến nay, yêu cầu về tỷ lệ học sinh giỏi của lớp mình giảng dạy đã tăng từ 8% đến 20%, trong khi học sinh giỏi không phải năm nào cũng tăng tiến như vậy.

Tôi là giáo viên dạy Văn, cuối năm học nào cũng ra một đề yêu cầu học sinh trình bày những cảm nhận của mình trong năm học. Các em đều bày tỏ... nỗi sợ ở trường học đã nhiều, về nhà bố mẹ lại bắt học, không có thời gian vui chơi! Ở trường, ngoài việc học, các em còn phải tham gia vào quá nhiều cuộc thi, mà thực chất là dành thời gian để chép các câu trả lời để nộp cho đủ số lượng. Giáo viên thì vất vả đằng giáo viên. Một tuần, ngoài 20 tiết trên lớp, chưa tính thời gian soạn bài thì phải tham gia quá nhiều cuộc hội họp hình thức, làm nhiều các loại sổ sách cũng hình thức. Đi học bồi dưỡng sách giáo khoa mới thì chẳng thu được mấy kiến thức vì thực ra đã có trong sách giáo viên.

Theo tôi, để đánh giá chất lượng giáo dục toàn diện và khách quan, Bộ GD-ĐT cần trưng cầu ý kiến hoặc tìm hiểu thật đúng và kỹ tâm tư của giáo viên, học sinh chứ không chỉ làm theo cách lấy ý kiến từ các quan chức hay người nghiên cứu.

● GS Văn Như Cương (hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội): Tiêu cực khó bằng chứng, vẫn phải thống kê

GS Văn Như Cương: Tiêu cực khó bằng chứng, vẫn phải thống kê. (Ảnh: Hạ Anh) 

Phải tổng kết việc day và học chương trình và sách giáo khoa như thế nào để tìm câu trả lời xem chương trình dạy và học có nặng hay không. Với tôi, sách giáo khoa mới không nặng. Ví dụ, Toán lớp 3 chỉ học có 3,5-4 tiết/tuần, trong khi thời lượng này ở các nước là 6-8 tiết.

Việc làm báo cáo về chất lượng giáo dục để trình Quốc hội vào cuối năm, số liệu rất quan trọng. Trong thực tế của giáo dục hiện nay, có những tiêu cực như: ép buộc các phụ huynh đóng góp theo hình thức "hảo tâm", chạy bằng, chạy trường, chạy vào ĐH lại khó có thể thống kê bằng dữ liệu cụ thể. Tuy nhiên, để có bức tranh toàn diện các mặt của giáo dục nước nhà thì những hiện tượng như thế này cũng nên có phản ánh bằng những thông số đáng tin cậy.

● GS Nguyễn Văn Hiệu (Viện Khoa học - Công nghệ Quốc gia): Bộ GD-ĐT phải tiếp thị các địa phương mở trường CĐ

GS Ngyễn Văn Hiệu: Chỉ thị của Bộ trưởng GD-ĐT như nước đổ lá khoai, cái gì cũng chỉ thị! (Ảnh: Hạ Anh) 

Việc Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ nhà giáo thế này là tốt, bởi hàng năm Thủ tướng đều có cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp. Vấn đề mà dư luận bức xúc, hay nói như Bộ trưởng GD-ĐT là "những điều bất bình thường trong giáo dục", theo tôi đó là "một số nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp giáo dục, thiếu gương mẫu về đạo đức và lối sống, cá biệt còn có người vi phạm pháp luật, làm giảm sút uy tín đội ngũ của ngành".

Tuy nhiên, có những tiêu cực chưa đến mức đưa ra xử lý theo pháp luật thì sao? Theo dõi tin tức thì thấy, trước các tiêu cực như dạy học thêm tràn lan, gian lận thi cử, Bộ trưởng GD-ĐT đều có chỉ thị. Nhưng tôi có cảm giác chỉ thị như nước đổ lá khoai, cái gì cũng chỉ thị. Giải quyết tiêu cực mà hành chính hóa như vậy, trong khi lại coi nhẹ sự thuyết phục, động viên, tham gia của các tổ chức xã hội khác!

Có một chuyện nữa: Phát triển các trường ĐH, CĐ để đáp ứng nhu cầu học tập chính đáng của người dân. Tôi đi địa phương, thấy các tỉnh nói họ sẵn sàng có nguồn kinh phí để mở trường CĐ nhưng thiếu nhất là đội ngũ giáo viên. Vậy Bộ GD-ĐT nên có cách "tiếp cận tấn công" hơn, không chờ các tỉnh đến gõ cửa xin mở trường. Có một việc chỉ có Bộ làm được là đào tạo giáo viên. Bộ tiếp cận các địa phương "mở trường CĐ đi, chúng tôi sẽ lo đào tạo giáo viên".

● GS Phạm Phụ (ĐH Bách khoa TP.HCM): Xây dựng chính sách công để các trường ĐH rõ ràng về tài chính

GS Phạm Phụ: Đổi mới chương trình đào tạo theo hướng toàn cầu hoá. (Ảnh: Phan Thảo)

Tôi chỉ khoanh vùng ý kiến của mình ở lĩnh vực giáo dục ĐH với năm đề xuất về giải pháp:

Thứ nhất, tăng quy mô giáo dục lên 10% hàng năm, việc này làm trên cơ sở đảm bảo chất lượng giáo dục và giải quyết bằng cách: phân tầng các trường ĐH.

Thứ hai, việc tăng này chủ yếu nên phát triển ĐH tư thục. Nên phát triển ĐH tư thục theo hai loại: trường vì mục tiêu lợi nhuận, và trường không vì mục tiêu lợi nhuận cực đại (tức là người góp vốn chỉ được hưởng lãi theo mức nhất định, số còn lại bổ sung vào quỹ để phát triển giáo dục của trường).

Thứ ba, tăng đầu tư cho giáo dục song song với hiệu quả. Giải pháp cụ thể cho vấn đề này là cố gắng duy trì mức đầu tư như hiện nay (cho một sinh viên tương đương GDP/người), tăng học phí của các trường lên 15-20%, cho thành lập các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trong trường ĐH, kiểm toán trường ĐH và công khai.

Thứ tư, đổi mới chương trình đào tạo theo xu hướng toàn cầu hóa, cụ thể là không dạy học sinh theo hướng lý giải vấn đề ("tại sao") mà hướng sang dạy các em giải quyết vấn đề ("như thế nào").

Thứ năm, thiết kế chính sách công về giáo dục đào tạo. Cụ thể là: chia sẻ  học phí giữa Nhà nước, người học, nhà trường; hiệu quả của chính sách du học; quản lý tài chính giữa trường công và tư; công bằng xã hội; xây dựng quan hệ công chúng của ngành giáo dục.

● GS Võ Tòng Xuân (hiệu trưởng trường ĐH An Giang): Cần có "hội nghị Diên Hồng" trong giáo dục

GS Võ Tòng Xuân: Cần tổ chức hội nghị kiểu "Diên Hồng" trong giáo dục. (Ảnh: Hạ Anh) 

Chỉ có một ngày để Thủ tướng lắng nghe các nhà giáo "hiến kế" cho giáo dục thì sẽ không nghe hết thông tin. Vì vậy, cần phải tổ chức hội nghị kiểu "Diên Hồng" để các nhà giáo có thể tham gia nhiều ý kiến khác. Chuyện cô giáo ở Ninh Bình nêu ra cũng là chuyện tôi nghe được khi gặp gỡ nhiều giáo viên ở đồng bằng sông Cửu Long. Có một thực tế là sức ép thành tích đã "quét" các em từ lớp 1 lên lớp 2, lớp 2 lên lớp 3, cứ thế "quét" lên phổ thông, rồi vào ĐH, tạo ra... chất lượng "ảo"!

● Thủ tướng Phan Văn Khải, chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục: Đổi mới mạnh mẽ tư duy giáo dục

Thứ nhất, cần tổ chức thêm những hội nghị chuyên đề về chất lượng giáo dục.

Thứ hai, tình hình hiện nay đòi hỏi quan tâm đến chất lượng giáo dục không chỉ là kiến thức, kỹ năng mà còn phải quan tâm toàn diện tới nhân cách con người và thể lực.

Thủ tướng Phan Văn Khải: Phải xác định làm "khoán 10" trong giáo dục thì "khoán" ở khâu nào, chỗ nào? (Ảnh: Nguyên Vũ) 

Thứ ba, cần đổi mới mạnh hơn về tư duy giáo dục.Tư duy đào tạo hiện nay của ta vẫn thiên về nhồi nhét kiến thức, dạy làm sao cho các em đi thi quốc tế đạt giải cao chứ chưa chú trọng đào tạo ra sau này các em làm việc như thế nào.

Một sự chậm đổi mới nữa trong tư duy là xã hội hóa giáo dục. Tại sao việc này làm chậm? Phải xác định bộ phận nào của giáo dục xã hội hóa được thì cứ làm. Sắp tới, khi làm đề án cụ thể hơn phải thể hiện rõ điểm này.

Thứ tư, xác định phạm vi Nhà nước quản lý giáo dục. Cơ chế quản lý kinh tế hiện nay có nhiều thay đổi nhưng cơ chế quản lý giáo dục chưa theo kịp. Hướng phân cấp và giao quyền tự chủ cho địa phương, trường ĐH là đúng đắn, nhưng phải xác định: Làm "khoán 10" trong giáo dục thì "khoán" ở khâu nào, chỗ nào? Cần khắc phục cái lệ ở ta "nói chung chung thì đúng nhưng dừng lại ở một điểm cụ thể để chỉ ra giải pháp thì lại không chịu nghiên cứu tiếp"!

  • Hạ Anh (thực hiện)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,