221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
492936
Người tài không thiếu, chỉ thiếu cơ chế
1
Article
null
Người tài không thiếu, chỉ thiếu cơ chế
,

(VietNamNet) - Đó là góp ý thẳng thắn của nhiều nhà khoa học tại diễn đàn "Tài năng khoa học – công nghệ (KH-CN)" trong hội thảo về nhân tài diễn ra hôm qua, 26/7.

Học hàm, học vị: Có! Sáng kiến hay: Không!

GS TSKH Nguyễn Năng An, chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật TP Hà Nội nêu vấn đề: Trong bối cảnh chất lượng giáo dục của chúng ta hiện nay đang giảm sút, việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tài ở lĩnh vực KHCN là cần thiết, nhưng... khó thực hiện. Mặc dù, lĩnh vực này được đánh giá là có nhiều ưu thế hơn cả nhưng việc thực thi sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

Cái khó đầu tiên, theo GS An, là ta không thiếu tiền, không thiếu người tài nhưng lại thiếu cơ chế chính sách phù hợp đồng bộ. Mức lương cho một GS ở nước ta không phù hợp, còn lâu mới đuổi kịp nước bạn (chẳng hạn, lương GS ở Trung Quốc khoảng 600-1.000 USD/tháng). Thứ hai, phải có những thủ trưởng hiểu biết về lĩnh vực phụ trách thì những người tài mới phát huy được khả năng. Thứ ba, phải có cơ chế đãi ngộ phù hợp cho người tài làm việc; đồng thời phải có chính sách thu hút người Việt ở nước ngoài về làm việc.

GS An nêu dẫn chứng: Hiện nay, chúng ta có 1.000 giáo sư, hơn 3.000 phó giáo sư, 13.000 tiến sĩ,… Thế nhưng, rất tiếc trong số đó không phải ai cũng có trình độ đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước. Vì rất nhiều người có bằng cấp, nhưng không thực sự nghiên cứu; nhiều người có học hàm học vị nhưng không đề xuất được sáng kiến hay; có người nhận bằng cấp xong không tiến hành nghiên cứu nữa… Đây là một thực tế đáng buồn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển những tài năng thực sự ở nước ta.

Từ kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực hoạt động KH-CN, GS Nguyễn Văn Hiệu - chủ nhiệm Khoa Công nghệ, ĐHQG Hà Nội hào hứng: Thực tế đã có những vị anh hùng dân tộc trở thành những nhân tài thực sự góp phần to lớn dựng xây mà trong tay chưa từng cầm tấm bằng thạc sĩ hay tiến sĩ. Điển hình như đồng chí Trần Đại Nghĩa là một người có tài bậc nhất nước ta, trở thành vị anh hùng phần lớn dựa vào ý chí, lòng yêu nước và tài năng.

Theo ông Trần Đình Hoan, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức Trung ương Đảng, năm học 2003-2004, cả nước có 43.368 học sinh ở các trường THPT chuyên. Trong số học sinh Việt Nam dự thi Olympic quốc tế các môn, tính từ năm 1974 đến hết năm 2003, đã có 346 em đoạt huy chương (HC) vàng, bạc, đồng và 21 em được bằng khen. Tuy nhiên, có một thực tế mà lâu nay ai cũng đã thừa nhận: Việt Nam có một đội ngũ học sinh sinh viên giỏi, đoạt nhiều giải Olymppic quốc tế các môn Toán, Lý, Hoá, Sinh học, Ngoại ngữ, Tin học… nhưng có bao nhiêu em được phát huy khả năng và bao nhiêu em đã bỏ cuộc? Câu hỏi nêu ra lâu nay vẫn còn bỏ ngỏ…

Bỏ kiểu ôm đồm, mở nhiều trường tư

Theo nhìn nhận của ông Đào Trọng Thi, giám đốc ĐHQG Hà Nội, đơn vị xây dựng đề án thí điểm về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng người tài, trong ba loại hình tài năng, Việt Nam "quen" và có kinh nghiệm ở loại hình tài năng KH-CN. Tuy nhiên, theo Trung tướng Nguyễn Hoa Thịnh, giám đốc Trung tâm KHCN - Bộ Quốc phòng, để việc đào tạo và sử dụng có hiệu quả thì không chỉ dựa vào tiềm năng là đủ mà cần phải có sự đánh giá tổng thể (cả những thành công và tồn tại) để có giải pháp thực hiện đào tạo (từ quy hoạch đào tạo, đến vấn đề phát hiện và bổ nhiệm…). Trong khâu lựa chọn tài năng, nếu chỉ căn cứ vào những chỉ số máy móc (ví dụ như bằng cấp), e rằng sẽ loại bỏ khả năng đào tạo những người tài thực sự, đôi khi còn là mầm mống nảy sinh tiêu cực.

Theo GS Nguyễn Năng An, trong tiêu chí lựa chọn người tài để bồi dưỡng, ngoài những điều kiện về bằng cấp, phải có sự thông minh; say mê nghiên cứu khoa học và không bị cuốn vào các cám dỗ tầm thường (có điều kiện cũng nghiên cứu và không có điều kiện cũng nghiên cứu); và thứ ba là phải có thầy giỏi, trường thực sự có uy tín. Nhà nước phải có quy hoạch và chỉ tập trung đầu tư cho một số trường ĐH của Nhà nước quản lý (khoảng năm-bảy trường), còn lại thì giao cho tư nhân đầu tư xây dựng (tránh kiểu quản lý ôm đồm hàng trăm trường ĐH như hiện nay. Các trường của Nhà nước phải được đầu tư đầy đủ hết, từ trang bị phòng ốc hiện đại và tuyển chọn được đội ngũ giáo sư, những cán bộ giỏi…Thầy giỏi phải có đủ bốn điều kiện: phải có một phòng thí nghiệm (nơi làm việc phù hợp); phải có thư viện cho thầy và trò (hiện nay, thông tin giữa thầy và trò rất kém); thi cử phải nghiêm túc, khách quan để chọn được những người xứng đáng để bồi dưỡng hoặc cho đi học ở nhưng trường nước ngoài uy tín. 

GS Chu Tuấn Nhạ cho rằng, để đề án có sự kết hợp giữa đào tạo với công tác tổ chức cán bộ trước mắt nên có quy hoạch cán bộ. Việc làm này phải được nghiên cứu một cách đồng bộ về chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài (từ đối tượng, độ tuổi, nghề nghiệp,…). Đồng thời, đề án cần có chính sách đãi ngộ thu hút một số tài năng là Việt kiều về góp phần xây dựng đất nước. Vấn đề cần quy định rõ từ đầu là nên giao cho trường ĐH Kinh tế quốc dân đào tạo tài năng quản trị, kinh doanh; lĩnh vực đào tạo tài năng công nghệ nên để trường ĐH Bách khoa Hà Nội và trường ĐHQG Hà Nội (cơ quan thường trực) chỉ đào tạo tài năng khoa học.

Vấn đề then chốt được nhiều đại biểu băn khoăn: Sau khâu đào tạo tài năng KH-CN, phải có cơ chế đồng bộ để sử dụng. Tránh tình trạng thất thoát tài năng lãng phí. Thực tế, có nhiều sinh viên giỏi nhưng… bị thả nổi, theo thứ trưởng Bộ GD–ĐT Bành Tiến Long. Ông Long cho rằng, mặc dù Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho KHCN nhưng chưa tới “ngưỡng”, kinh phí đầu tư phải được cân đối và đầu tư thích ứng cho từng ngành nghề. Vấn đề được coi là điều kiện quan trọng và là đích để các nhân tài hướng tới là chế độ đãi ngộ phù hợp…

Cũng vấn đề đãi ngộ, ông Ngô Tất Tố - nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nga kiến nghị: Tên Dự án nên bổ sung thêm  từ "đãi ngộ" sau cụm từ "sử dụng". Cần phải đưa chế độ đãi ngộ thành vấn đề độc lập để khuyến khích những tài năng KHCN phát huy khả năng. Bởi thực tế, chế độ đãi ngộ ở từng lĩnh vực nghiên cứu khoa học còn bất cập. Lương không đủ cho các nhà khoa học mua tài liệu bổ sung kiến thức; điều kiện phòng làm việc nghèo nàn; trang thiết bị lạc hậu... 

  • Vy Vy 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,