(VietNamNet) - Sáng 2/10, Bộ trưởng GD - ĐT Nguyễn Minh Hiển đã dự buổi làm việc cuối cùng trong khuôn khổ hội thảo thường kỳ về chấn hưng giáo dục do GS Hoàng Tuỵ khởi xướng cùng 22 trí thức khác. "Thời điểm này chính là thời cơ tốt để chúng ta tận dụng hết sức để tạo nên sự thúc đẩy và bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng giáo dục", nhiều ý kiến đã nêu như vậy tại buổi hội thảo.
Thủ Tướng Chính phủ đã đề nghị các nhà khoa học đi sâu thêm để kiến nghị cụ thể hơn về một số vấn đề về trong chuỗi xemina "cải cách giáo dục" của 23 trí thức. |
Đó là thời điểm Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội báo cáo chất lượng giáo dục vào cuối năm nay và chuẩn bị sửa đổi Luật Giáo dục; cũng là khi các cuộc thảo luận và cả những lo lắng, bức xúc của xã hội, thể hiện ngày càng ráo riết, nóng bỏng trên các phương tiện truyền thông.
Ngành giáo dục: cam chịu thay cho chống chọi
Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét: "Tình hình giáo dục hiện nay có rất nhiều khó khăn, nhưng chính sự khủng hoảng đã đến độ, nếu ta nhận thức được và đặt nó đúng mức trong các vấn đề lớn của đất nước thì lại rất có thể đang tạo ra thời cơ để có những cải biến quan trọng, dần dần cơ bản, trước hết là trong giáo dục, và cả về xã hội".
Theo ông, trong một chừng mực nào đó, "tình hình giáo dục này hầu như là sản phẩm tất yếu của tình hình xã hội này, khó có thể khác". Ví dụ, tình trạng gian dối phổ biến trong giáo dục thì trước hết là do nó phổ biến trong xã hội. Thế nhưng, khuyết điểm của ngành giáo dục là ở chỗ nó đã cam chịu làm sản phẩm bị động của những tiêu cực xã hội, trong khi đúng ra nó phải là nơi chống chọi lại quyết liệt nhất tình hình đó.
Muốn chấn hưng giáo dục, cần quyết tâm từ trên! (VietNamNet) - Trao đổi với chúng tôi, GS Hoàng Tuỵ nhận xét: "Dù ông Bộ trưởng GD có thiện chí, muốn “quyết liệt” cũng khó làm được gì mạnh. Trong tình hình hiện nay, muốn chấn hưng giáo dục, cần có quyết tâm từ trên". |
GS Nguyễn Văn Đạo chia sẻ: "Vấn đề đúng là trách nhiệm của Bộ GD - ĐT nhưng Bộ không thể tự mình làm được nếu không trong một tổng thể lớn. Nếu đánh giá thành tựu của giáo dục là "một bông hoa" hay mấy bông hoa tôi cũng tán thành. Nhưng chuyện cấp thiết ở đây là phân tích và đưa ra được những giải pháp để chấn chỉnh giáo dục".
Còn theo GS Hoàng Tụy, dù tình hình phức tạp đến đâu cũng không ngại mà "đáng lo nhất chính là thái độ vô cảm, thậm chí bực bội của một số quan chức trước những bức xúc của dân, cứ một mực tìm cách chứng minh rằng mọi việc đều tốt đẹp, tuy có bất cập này nọ nhưng là những bất cập bình thường, nền giáo dục nào, thời nào chẳng có..."
Nói như GS Phạm Duy Hiển, giáo dục đang có bệnh và phải tìm cách chữa bệnh, tránh những “buộc tội” không cần thiết hoặc chỉ loay hoay "buộc tội".
Giáo viên: đầu tàu nâng chất lượng giáo dục
Không phàn nàn nhìêu bằng những nhận định, khái quát chung chung, GS Nguyễn Đình Trí nêu những minh chứng thực tiễn của gần 50 năm giảng dạy tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Từ năm 1985, khi Bộ GD-ĐT bắt đầu tăng quy mô, đa dạng hóa các loại hình đào tạo ĐH thì các trường cũng liên tục tăng chỉ tiêu tuyển sinh, mở hệ không chính quy; rồi trường bán công, dân lập lần lượt ra đời. Thế nhưng chúng ta đã không chuẩn bị tốt cho việc tăng đột biến này. Ngay tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nơi đã được xã hội tín nhiệm về chất lượng đào tạo, từ đó đến nay, quy mô sinh viên tăng gấp 10 lần, chất lượng đào tạo có sa sút, hậu quả của việc đội ngũ giảng viên tăng không tương ứng. GS Trí cho hay, năm 2003-2004, thời lượng giảng dạy bộ môn Công nghệ chế tạo máy lên tới 915 giờ/năm, Hệ thống điện, khoa học máy tính: 900 giờ/năm, thậm chí có bộ môn lên tới 1.777 giờ/năm.
Trong các yếu tố quyết định chất lượng giáo dục ĐH, người thầy chính là yếu tố quan trọng nhất, khẳng định của GS Trí cũng được GS Hoàng Xuân Phú hưởng ứng: "Phải hạn chế số giờ lên lớp ở mức độ hợp lý để giảng viên có thời gian nâng cao trình độ và tham gia nghiên cứu khoa học, hai nhiệm vụ đang bị lơ là. Nhà nước cần xây dựng quy hoạch dài hạn cho sự phát triển của quy mô đào tạo ĐH, trong đó không chỉ dựa vào nhu cầu học tập của xã hội và đòi hỏi nhân lực của nền kinh tế, mà đặc biệt chú ý tới hiện trạng của đội ngũ giảng viên và khả năng đào tạo giảng viên bổ sung".
GS Phan Đình Diệu cũng "tự soi mình": nhiều khi tôi cũng hoài nghi chính mình có đủ năng lực dạy ĐH nữa không. Liệu không còn nghiên cứu và sáng tạo nữa thì tư cách hướng dẫn tư duy sáng tạo và nghiên cứu cho các em sẽ như thế nào?
"Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân của tình trạng học sinh phải đi học thêm tràn lan là nhiều giáo viên trung học không đủ trình độ và năng lực đòi hỏi. Học sinh ở lớp không hiểu ắt phải đi học thêm ở ngoài. Học sinh lớp 12 cảm thấy chưa nắm chắc kiến thức, không tự tin ắt phải tìm đến các lò luyện thi. Học sinh ở lứa tuổi 13 - 18 nếu gặp được thầy tốt thì tác dụng đối với học trò là ghê gớm" GS Nguyễn Văn Đạo lên tiếng. Nhìn vào thực tế, có một quãng thời gian, đầu vào của sinh viên Sư phạm thấp và đội ngũ này tốt nghiệp đã bổ sung vào đội ngũ nhà giáo hiện nay. Đó cũng là một thách thức mà ngành phải vượt qua.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển: Mong các nhà khoa học phản biện kịp thời và xác đáng |
Khá nhiều ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, vai trò của người giáo viên để tạo ra chất lượng giáo dục mới không chỉ đơn thuần là truyền tải kiến thức mà phải là người hướng đạo, kích thích sự ham học hỏi, tư duy sáng tạo của học sinh. Theo nhà văn Nguyên Ngọc điều này tưởng đơn giản nhưng thực ra lại liên quan đến tư duy giáo dục mới: "Cốt lõi của tư duy giáo dục cần phải được thay đổi là ở chỗ: không tạo nên những người thuộc lòng kiến thức, cố thuộc nhiều kiến thức, chân lý tuyệt đối để suốt đời nhất nhất tuân theo, mà là những con người biết rút ra cãi lõi tư duy từ kiến thức, từ đó độc lập khám phá thế giới để làm chủ."
Sau bốn giờ lắng nghe, Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển đã đề nghị nhóm các nhà khoa học cho thêm ý kiến về những vấn đề cụ thể, và nhất là có những phản biện kịp thời và xác đáng về các chính sách giáo dục. "Chúng tôi sẽ trình bày các việc đã làm, dự định làm và mong được góp ý cụ thể; do đó, nên tiếp tục các hội thảo như thế này".
-
Hạ Anh