(VietNamNet) - Bộ GD - ĐT hiện đang xây dựng đề án đổi mới tuyển sinh ĐH với ý tưởng kết hợp hai kỳ thi: tuyển sinh ĐH, CĐ với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.
Những học sinh đang học THCS bây giờ sẽ phải học toàn diện các môn để chuẩn bị cho kỳ thi ĐH trong tương lai. Ảnh: Nguyên Vũ |
Theo đó, học sinh lớp 12 chuẩn bị tốt nghiệp THPT; học sinh tốt nghiệp BTVH và học sinh trượt ĐH những năm trước sẽ thi cùng một đề trong một đợt. Kỳ thi này nhằm mục đích kép: vừa xác định tốt nghiệp THPT vừa tạo cơ sở để xét tuyển ĐH. Thí sinh (TS) sẽ thi trắc nghiệm thay cho tự luận. Đề thi không theo khối A, B, C, D mà theo số môn thống nhất, có thể là ba môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ. Trong hồ sơ, TS không phải đăng ký trước là sẽ thi vào trường nào, mà chỉ cần ghi chung là thi ĐH. TS thi tại trường phổ thông do Sở GD - ĐT kết hợp với các trường tổ chức. TS ở tỉnh nào thì về tỉnh đó dự thi. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục sẽ chấm bài thi của TS bằng máy sau đó chuyển kết quả về cho các Sở GD - ĐT. Sở GD - ĐT chủ động xác định kết quả tốt nghiệp cho những TS chưa tốt nghiệp THPT.
Để đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ, TS sẽ nhận được một số hồ sơ xét tuyển. Ngoài căn cứ vào điểm ba môn thi, mỗi trường sẽ căn cứ vào một số điều kiện khác để tuyển sinh cho phù hợp với nhu cầu đào tạo của mình. Ví dụ, trường Y sẽ xét thêm tiêu chí điểm tổng kết môn Sinh học, trường Bách khoa xét thêm điểm môn Lý, Hóa; các trường khối khoa học xã hội xét điểm Sử, Địa,v.v...
Xây dựng đề án thi cử giai đoạn 2010-2015 (VietNamNet) - Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm với Bộ GD-ĐT tại hội nghị tuyển sinh toàn quốc năm 2004. Đề án này xây dựng trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của giải pháp "3 chung" và có định hướng cụ thể |
Theo kế hoạch của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, năm 2005 sẽ thử thi trắc nghiệm ở bậc phổ thông trong thi cuối năm, học kỳ, để quen đến 2006, HS quen với cách thi này.
Theo một thành viên của Ban Chỉ đạo tuyển sinh, việc bỏ thi ĐH và lấy kết quả thi phổ thông để xét tuyển vào ĐH, CĐ là không khả thi so với tình hình thực tại bởi vẫn có một lượng khá lớn học sinh học và thi theo hệ Bổ túc văn hóa chứ không thi theo đề tốt nghiệp THPT. Mặt khác, nếu chỉ lấy kết quả thi THPT để xét tuyển thì số trượt ĐH năm trước, học sinh học THCN, dạy nghề,v,v... sẽ không có cơ hội học ĐH, CĐ.
Phương án này nếu được thông qua sẽ áp dụng từ thời điểm bắt đầu có lứa học sinh học theo chương trình THPT mới tốt nghiêp; và là thời điểm kết thúc đề án cải tiến tuyển sinh theo phương pháp "ba chung" mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt (từ 2002-2007).
Riêng kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2005 về cơ bản vẫn như 2004, TS đăng ký trước một trường và có ba cơ hội xét tuyển. Đề thi sẽ tiệm cận gần hơn với đề thi tốt nghiệp THPT, độ khó sẽ giảm xuống. Điểm sàn sẽ có một mức và có thể là 15 điểm.
-
Hạ Anh