Theo kế hoạch triển khai qui hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ VN từ nay đến năm 2010 của Bộ GD-Đ, dự kiến trong hai năm 2004 và 2005, cả nước thành lập mới khoảng 40 trường gồm 20 trường ĐH và 20 trường CĐ.
Trong năm năm tiếp theo, từ 2006 - 2010, sẽ thành lập thêm 70 trường, gồm có chín trường ĐH, còn lại là CĐ. Mục tiêu là đến năm 2010 cả nước có 354 trường ĐH, CĐ so với 244 trường hiện nay. Trong đó các trường ngoài công lập sẽ đảm nhận 40% tổng số SV...
Ưu tiên mở trường ngoài công lập
Trong hai năm 2004-2005, Bộ GD-ĐT xác định: việc thành lập trường mới thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên mở các trường ngoài công lập, khuyến khích các cơ sở giáo dục có uy tín, có chất lượng cao của nước ngoài thuộc các lĩnh vực tiên tiến đầu tư 100% vốn mở trường tại VN. Và cuối cùng, nâng cấp trình độ đào tạo kết hợp với việc sắp xếp lại các cơ sở đào tạo có chất lượng và hiệu quả thấp.
Đến giai đoạn 2006-2010, định hướng sẽ là tập trung phát triển các ngành đào tạo kỹ thuật và công nghệ, mở rộng mạng lưới trường cộng đồng, tiếp tục thành lập mới một số trường ĐH, CĐ thuộc các lĩnh vực khoa học ứng dụng công nghệ để phục vụ nhu cầu nhân lực công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Các trường thành lập trong giai đoạn này được xác định là tiền đề cho việc mở rộng năng lực thu nhận SV thời kỳ sau năm 2010.
Theo Vụ ĐH&SĐH, định hướng đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phát triển mạnh mạng lưới trường ĐH, CĐ ngoài công lập được thể hiện rõ nét trong cả số lượng đề án đang được thẩm định và qui hoạch mạng lưới. Có tới 33 đề án thành lập các trường ĐH, CĐ ngoài công lập được thẩm định xem xét trong hai năm 2004 và 2005.
Còn theo một quan chức Bộ GD-ĐT, trong số 40 trường ĐH, CĐ sẽ được thành lập trong hai năm tới, số trường ngoài công lập có thể chiếm 70%. Bộ GD-ĐT đã xác định mục tiêu đến năm 2010, khoảng 40% tổng số SV cả nước sẽ học trong các trường ngoài công lập (so với tỉ lệ 11,6% hiện nay).
Để tăng qui mô SV, hệ thống trường ngoài công lập sẽ phát triển đồng thời nhiều hướng: mở rộng qui mô hiện có, tiếp tục thành lập các trường mới, thành lập một số trường ĐH dân lập trên cơ sở các trường CĐ bán công hiện nay và chuyển các trường ĐH bán công sang dân lập.
Đặc biệt, Bộ GD-ĐT đã bắt đầu nghiên cứu cơ chế chuyển một số trường ĐH công lập sang hoạt động như các trường ngoài công lập, mở đầu là từ Viện ĐH Mở Hà Nội. Đồng thời bộ cũng thí điểm thành lập một số trường ĐH, CĐ tư thục.
Thành lập trường mới ở đâu?
Bộ GD-ĐT chủ trương sẽ hạn chế tối đa việc thành lập thêm trường ĐH mới trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM. Tại hai TP này chỉ xem xét thành lập mới trường ĐH đào tạo các ngành nghề đặc biệt và nâng cấp trình độ lên ĐH, CĐ cho một số trường CĐ, THCN hiện có nếu xét thấy có đủ năng lực đào tạo và khả năng đảm bảo chất lượng theo tiêu chí của trường ĐH, CĐ.
Trong tương lai gần, dự kiến tại TP.HCM sẽ có thêm các trường ĐH công lập được nâng cấp từ các trường CĐ sau: ĐH Văn hóa TP.HCM (trên cơ sở CĐ Văn hóa), Học viện Hàng không TP.HCM (trực thuộc Bộ Giao thông vận tải), ĐH Hải quan (trên cơ sở CĐ Hải quan), ĐH Sư phạm thể dục thể thao (CĐ Thể dục thể thao), ĐH Sài Gòn (CĐ Sư phạm TP.HCM). Ngoài ra, còn có một số trường THCN được nâng cấp lên CĐ.
Trên địa bàn Hà Nội, một số trường CĐ trung ương cũng sẽ được nâng cấp thành ĐH như CĐ Công nghiệp Hà Nội, CĐ Lao động xã hội...
Hai TP trên được xác định hạn chế mở trường công lập mới để khuyến khích thí điểm thành lập trường ĐH tư thục, kêu gọi đầu tư nước ngoài để thành lập trường ĐH 100% vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời Bộ GD-ĐT cũng sẽ thành lập mới một số trường CĐ ngoài công lập ở các tỉnh lân cận để giảm bớt sức ép cho hai TP.
Trong qui hoạch mạng lưới trường ĐH, CĐ đến năm 2010, nhiều địa danh được xác định sẽ có thêm trường ĐH mới. Đó là Bạc Liêu và Cà Mau để đào tạo nhân lực cho ĐBSCL; Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh để trở thành các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trình độ cao cho các tỉnh miền Bắc.
Tại miền Trung, Khánh Hòa cũng đang được nghiên cứu lập thêm trường ĐH mới. Còn các ĐH Cần Thơ, Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Vinh, Qui Nhơn, Tây Bắc, Thái Nguyên sẽ được tập trung đầu tư để trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho từng vùng.
(Theo Tuổi Trẻ)