221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
531576
Du học Trung Quốc: Gần nhà và "ngon, tiện, rẻ"
1
Article
null
Du học Trung Quốc: Gần nhà và 'ngon, tiện, rẻ'
,

Trước khi sang Trung Quốc (TQ), B.C. không hề biết một từ tiếng Hoa nào, được cha tận tay dẫn sang tận Quế Lâm để giao cho nhà trường. Ngày học đầu tiên của B.C. tại Học viện điện tử Quế Lâm (Quảng Tây, TQ) là học môn... nấu món ăn TQ tại nhà riêng của cô giáo cùng với hai sinh viên Mỹ.

Soạn: AM 168481 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Một trong sáu nhà ăn của sinh viên ở Học viện điện tử Quế Lâm

Và bài học đầu tiên này  tỏ ra hết sức hữu hiệu, cả về kỹ năng nấu ăn lẫn trình độ tiếng...

Hợp lý và hiệu quả

Ngoài môn học nấu ăn để phục vụ việc học tiếng Hoa nhanh, chuẩn xác và hiệu quả nhất, các SV mới như B.C. còn được học thư pháp và thư họa TQ, học thái cực quyền, học cách ăn mặc theo y phục truyền thống Trung Hoa qua các thời kỳ, các vùng miền... Họ được bố trí ở xen với SV TQ để tăng cường cọ xát, giao lưu; mỗi SV TQ được phân công kèm cặp giúp đỡ một SV nước ngoài mới vào.

Ngay từ lần gặp đầu tiên, Mao Tuấn Kỳ - cậu SV năm 4 khoa tiếng Anh - đã nói với T.L., cô bé Hà Nội mảnh dẻ: “Ra ngoài nhiều vào, nói chuyện nhiều vào, đi ăn nhiều vào, ghi tên vào đội bóng rổ đi. Chiều nay tôi đợi bạn ở sân bóng số 4 nhé!” (học viện có đến năm sân bóng rổ và hai sân bóng đá). Phòng học múa, phòng học nhạc (miễn phí) và discotheque SV (giá vào cửa 2 tệ - khoảng 3.900 VND) cũng là nơi mà SV VN có thể tiếp xúc, kết bạn để nâng cao vốn từ tiếng Hoa của mình.

Ở ĐH Sư phạm Quảng Tây, nơi mà khuôn viên trường rộng mênh mông (khoảng 800ha), còn có những ngọn đồi tình yêu, con đường tình yêu đẹp như mơ. Tuy nhiên, qui định của trường này thật ra khá nghiêm ngặt: sau 22g, SV nam tuyệt đối không được vào phòng SV nữ và ngược lại. Đèn phòng ngủ cũng buộc phải tắt sau 23g để đảm bảo sức khỏe cho các SV có giờ lên lớp sáng hôm sau.

Chuyện học, chơi, tập luyện thể thao... trong các trường ĐH ở Quảng Tây được SV VN đánh giá là khá so với các trường ĐH khác ở TQ và khu vực Đông Nam Á; riêng chuyện ăn được coi vào loại tốt nhất, vì đạt tất cả các tiêu chuẩn của SV: ngon, sạch, nhanh, tiện, phong phú và cơ bản nhất là rẻ.

Mỗi trường ĐH trung bình có 4-8 nhà ăn SV, mỗi nhà ăn đều do tư nhân đấu thầu và phải cam kết thực hiện tất cả tiêu chuẩn do nhà trường đặt ra. Nhà ăn nhỏ khoảng 1.000 chỗ ngồi, nhà ăn lớn tới 2.500 chỗ, mở cửa từ 6g - 20g, các món ăn rất phong phú, theo các kiểu Á, Âu, TQ, ăn kiêng... cho SV tha hồ lựa chọn phù hợp sở thích và túi tiền, khoảng 1,5 - 10 tệ/bữa (3.000 - 20.000 VND). Thường thì SV nữ chỉ tốn khoảng 2,4 tệ cho một bữa ăn, còn các SV nam ăn nhiều hơn, khoảng 5 - 6 tệ.

Gần nhà, giá không đắt

TQ hiện là nước thu hút lưu học sinh VN vào loại đông nhất. Theo con số thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học 2003 có khoảng 4.000 lưu học sinh VN tại TQ, trong đó riêng tỉnh Quảng Tây đã chiếm đến 2.000, tập trung tại chín trường ĐH của hai thành phố Nam Ninh và Quế Lâm, trong đó “vô địch” phải kể đến ĐH Sư phạm Quảng Tây với 530 lưu học sinh VN - chiếm 95% lưu học sinh nước ngoài của trường này

B.C. hay T.L. không phải là trường hợp cá biệt, hàng trăm học sinh học không kém lắm nhưng vẫn trượt đại học vì trót đăng ký nguyện vọng 1 vào những trường có điểm chuẩn quá cao, gia đình lại thuộc loại trên mức trung bình đã được cha mẹ thu xếp cho một khóa du học TQ vì những lý do: tương đối gần nhà (từ Hữu Nghị quan, Lạng Sơn - địa đầu VN đến Nam Ninh - thủ phủ Quảng Tây 230km; từ Nam Ninh đến Quế Lâm - thành phố du lịch nổi tiếng và là trung tâm đại học của Quảng Tây - 410km), giá cả không quá cao, bằng cấp được quốc tế công nhận.

Thật ra tính toán của các bậc phụ huynh không phải không có lý: tại các trường ĐH ở Quảng Tây, TQ, học phí cho SV nước ngoài khoảng 1.300 - 2.000 USD/năm tùy từng trường, tiền phòng ký túc xá 300 - 500 USD/năm, ăn uống khoảng 500 - 1.000 tệ (một tệ TQ tương đương 1.950 VND) mỗi tháng. Nếu các cô chiêu cậu ấm chí thú học hành và biết tự lo cho tương lai của mình, ăn tiêu dè sẻn thì với khoảng 50 triệu đồng VNĐ/năm, sau bốn năm, với 200 triệu đồng tiền ăn học, cộng thêm khoảng 20 triệu chi phí đi - về thăm nhà, họ sẽ có một ngoại ngữ sử dụng tốt, một tấm bằng giá trị và hơn thế, một nghề tử tế để vào đời.

Tất cả các trường ĐH của TQ đều đang có kế hoạch chiêu sinh ở VN. Học viện điện tử Quế Lâm dự định liên kết với một trường ĐH của VN đưa hơn 100 SV năm 3 sang đây học tiếp hai năm cuối để lấy bằng của TQ, còn trường sư phạm thậm chí đã mua thêm đất xây hẳn một khu ký túc xá 800 phòng để chiêu sinh quốc tế, mà chủ yếu là SV VN.

Có lẽ để nhắm đến thị trường du học vừa tiềm năng vừa truyền thống này mà tại vị trí trang trọng nhất trong khuôn viên ĐH Sư phạm Quảng Tây, ngay trước thư viện khổng lồ của mình, nhà trường đã cho tạc một bức phù điêu bằng đồng đặc tả những dụng cụ bất ly thân của một lưu học sinh VN những năm 1950 - 1960, thời mà ĐH Sư phạm Quảng Tây còn mang tên Dục Tài học hiệu, được Chính phủ CHND Trung Hoa ủy thác giúp VN đào tạo con em cán bộ cao cấp và con em liệt sĩ: chú bé thiếu sinh quân đeo túi dết chéo, biđông, đầu đội nón lá.

Nhiều học sinh tốt nghiệp Dục Tài học hiệu hơn 40 năm trước đã trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp ở VN. Quế Lâm đang hi vọng một lần nữa thành phố này lại trở thành một cái nôi đào tạo nhân tài cho VN, nhưng lần này có thêm nguồn thu lớn vì giáo dục đã trở thành ngành kinh tế mạnh của Quảng Tây.

(Theo Tuổi Trẻ)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,