(VietNamNet) - Bộ GD-ĐT đang rục rịch triển khai thí điểm đưa chương trình ĐH hiện đại, tiên tiến của nước ngoài vào dạy tại Việt Nam từ năm tới.
Đưa giáo trình, chương trình hiện đại, tiên tiến của các trường ĐH nước ngoài để thúc đẩy giáo dục ĐH Việt Nam theo kịp thế giới. (Ảnh: NVũ) |
Cuộc họp đầu tiên của Bộ GD-ĐT bàn về vấn đề này với 14 cơ sở đào tạo thuộc diện "trường ĐH trọng điểm quốc gia" đã diễn ra ngày 15/10.
“Sẽ triển khai thí điểm chương trình, giáo trình tiên tiến, hiện đại thuộc các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật-công nghệ và quản lý kinh tế đang được giảng dạy ở các trường đại học nước ngoài phù hợp với yêu cầu phát triển của Việt Nam vào năm học 2005-2006 với những trường đủ điều kiện”, Thứ trưởng Bành Tiến Long cho hay.
Thế nhưng từ nay đến năm học 2005–2006 chỉ còn có một năm...
Liên kết đào tạo: Cẩn thận với trường "hạng ba"
Theo hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ Lê Quang Minh, trường ông đã có kinh nghiệm trong việc liên kết với Đan Mạch, Hà Lan đào tạo cao học nhưng triển khai được mô hình này trên địa bàn TP. Cần Thơ rất khó. Bởi thu nhập của người dân có hạn. Còn nếu có tiền, người dân sẵn sàng đầu tư cho con du học ở nước ngoài theo hình thức tự túc.
Hiện nay, hầu hết các chương trình giảng dạy ở ĐH Cần Thơ đều được “bê” của các trường nước ngoài về giảng dạy. Điều này đã bị đại diện của trường ĐH Y Hà Nội “báo động” khi cho biết, cách đây vài năm trường ĐH Cần Thơ có sử dụng chương trình đào tạo ngành Y của Hà Lan. Song với ngành Y, chương trình đào tạo đó quá đơn giản. Bởi ở nước bạn, học xong chương trình đó, SV phải học thêm... mười năm nữa mới đạt yêu cầu.
Việc liên kết đào tạo được đa số các trường tán thành vì đây là mô hình rất hiệu quả, trong khi chi phí đào tạo lại thấp hơn so với nước ngoài rất nhiều. Hiện nay, tại các trường ĐH trọng điểm như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội, v.v... đang mở rộng các loại hình liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo ĐH nước ngoài. Nhưng các trường cũng phải “cẩn trọng” trong việc lựa chọn đối tác liên kết, vì những trường đến Việt Nam để “mời chào” hợp tác chưa hẳn là những trường tốt, mà đây có thể là những trường thuộc “nhóm 3”.
Bởi vậy, nhiều đại biểu tại hội thảo đã đề xuất: Bộ GD-ĐT cần phát huy vai trò của mình trong việc tư vấn cũng như thẩm định đối tác liên kết cho các trường, chứ không thể “thả nổi” cho các trường tự làm như hiện nay, dù làm như vậy có thể làm giảm đi “quyền tự chủ” của các trường.
Tín chỉ: Bộ biết nhưng... chưa thể làm được
Nên có một Quy chế mới, sử dụng hệ thống tín chỉ thay cho hệ thống niên chế của quy chế 04 đang áp dụng trong các trường ĐH, CĐ hiện nay. Đó là đề nghị của các đại biểu tham dự hội thảo. Theo ông Minh, ngoài dùng hệ thống tín chỉ, cũng cần xem xét lại một số môn học "cứng" như giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng,... có nên để trong chương trình hay đưa thành môn học ngoại khóa.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bành Tiến Long thừa nhận: “Không phải Bộ không biết đã đến lúc phải thay đổi quy chế 04 cho phù hợp nhưng vẫn chưa thể làm được". Do đó, khi triển khai thí điểm các trường nên thống nhất đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
Ông Hoàng Anh, phó giám đốc ĐH Đà Nẵng đề xuất: Cần phải có sự đầu tư của Nhà nước cho việc đào tạo đội ngũ, cơ sở vật chất, giải quyết vấn đề bản quyền giáo trình, mua cơ sở dữ liệu từ những cơ sở đào tạo trên thế giới và có chế độ riêng cho giáo viên tham gia chương trình, tạo điều kiện cho họ phát huy khả năng sáng tạo.
ĐH Huế thì lo lắng nếu trường áp dụng đào tạo liên kết theo hình thức lấy thu bù chi thì sẽ không có người học. Vì vậy, ông Nguyễn Đức Hưng, phó giám đốc ĐH Huế đề nghị Nhà nước vẫn nên đầu tư là chính, khi chương trình khẳng định được chất lượng mới thu hút người học.
Trái ngược với ý kiến này, ĐH Thái Nguyên cho rằng: Nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, phải nhiều trường cùng làm và không nhất thiết phải có sự hỗ trợ của Nhà nước thì mới làm được.
-
Lâm Phúc Trường