221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
535748
Nên "sòng phẳng" với trường ngoài công lập!
1
Article
null
GS.TS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập:
Nên 'sòng phẳng' với trường ngoài công lập!
,

(VietNamNet) - Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục (XHHGD) và phi tập trung hoá trong quản lý là yêu cầu chiến lược, là xu thế tất yếu để thu hút nguồn lực, tạo ra bước phát triển đột phá của GD, làm cho “cung” thoả mãn “cầu”, tạo ra cục diện cạnh tranh Từ đó các cơ sở GD muốn tồn tại phải không ngừng nâng cao chất lượng.

Soạn: AM 176762 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Ông Trần Hồng Quân đã cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với VietNamNet về hướng phát triển của trường ĐH NCL.

Sẽ có "thế hệ 2" của các trường ĐH NCL

 - Theo quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ, đến năm 2010 sẽ có 40% sinh viên các trường ĐHNCL. Hiện nay, tỷ lệ đó mới chỉ có 12%, vì vậy,trong 6 năm tới sẽ có hàng loạt các trường NCL  ra đời. Theo ông, để thực hiện chủ trương đó, phải quan tâm đến vấn đề gì?

Trước hết, tôi nói đến vấn đề làm sao để ra đời hàng loạt các trường NCL. Muốn vậy,  Nhà nước cần có chính sách phù hợp về đất đai, về thuế và một số chính sách liên quan khác. Phải trải thảm đỏ thu hút các nhà đầu tư trong nước bỏ vốn xây dựng nhiều trường học.  Bên cạnh đó, giải quyết vấn đề thủ tục sao cho giản dị” đỡ rắc rối, rườm rà, đừng hành nhau đến nản lòng nhiều người tâm huyết. Tại sao thủ tục cho việc mở doanh nghiệp nước ngoài ở một số địa phương có thể giải quyết chỉ trong vòng một tuần, thậm chí chỉ ba bốn ngày, mà thủ tục xin mở trường ĐH, CĐ  ba bốn năm? Cùng lắm là vài tháng thôi chứ!

Soạn: AM 176750 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Phòng học trường CĐ Bán công Hoa Sen (TP.HCM). Theo Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng, mô hình trường bán công nên chuyển đổi thành tư thục.

Nếu trong trường hợp có điều kiện đó, có thể có thế hệ 2 các  trường NCL ra đời. Thế hệ 2 có thể "đi tắt" bằng cách tiếp thu những điểm mạnh của thế hệ 1, cộng với sức đầu tư lớn của xã hội, xây dựng ngay các trường hiện đại, đảm bảo chất lượng ngay từ đầu, không phải đi con đường dài tự mình lấy học phí tích luỹ dần dần, chấp nhận thời gian đầu chất lượng thấp, thiếu điều kiện giảng dạy và học tập tốt.

- Có ý kiến cho rằng, các trường ĐH dân lập bây giờ toàn "kêu"  khó khăn về đất đai, còn đội ngũ giảng viên thì hiếm khi mới kêu. Trong khi đó, để có một đội ngũ giảng viên ĐH cũng là vấn đề khó khăn của các trường ĐH, không chỉ riêng hệ thống NCL. Ý kiến của ông thế nào?

Các trường NCL hiện nay không chỉ gặp khó vấn đề đất đai, thuế má mà còn khó khăn nhiều về chủ trương, phân biệt đối xử. Tuy vậy, vấn đề xây dựng đội ngũ cũng đang là vấn đề lớn. Bộ GD-ĐT phải quy hoạch đội ngũ giáo viên cho cả hệ thống các trường NCL chứ không chỉ tính cho các trường công lập. Các chỉ tiêu cử đi học ở nước ngoài để đào tạo giáo viên cũng phải "có phần" của các trường NCL. Trên thực tế, đội ngũ cán bộ giảng dạy đang được dùng chung cho cả các trường công lập và NCL. Nếu Bộ GD-ĐT có qui hoạch cho nhu cầu chung, có kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng tích cực ở trong nước và ngoài nước thì sau một thời gian không lâu, chúng ta có thể đáp ứng được. Rất tiếc, sau hàng chục năm đội ngũ giáo viên ĐH cũng chỉ từ 33.000 lên 38.000. Như vậy, tốc độ phát triển đội ngũ này quá thấp so với yêu cầu phát triển hệ thống giáo dục ĐH, CĐ.

Nếu không phấn đấu để có trường ĐH mạnh, tập đoàn ĐH mạnh thì thị trường này nước khác nhảy vào. Hy vọng các cơ quan quản lý sớm thấy điều này để hỗ trợ tối đa cho “đội nhà”. Trước mắt , xin đừng quá trì trệ, vô hình chung dành “thị phần GD” cho thiên hạ.

- Dư luận nhìn về trường ĐH dân lập vẫn còn thiếu thiện cảm bởi những chuyện tiêu cực nhiều năm gần đây, mà chủ yếu là mâu thuẫn giữa Hội đồng quản trị với Hiệu trưởng. Thậm chí có người nói đó là do "ăn chia không đều" nên "đánh nhau". Thưa ông, thực hư của chuyện này ra sao?

Câu chuyện này có, tuy nhiên không phải là tất cả. Một số trường được báo chí nêu lên nhiều tạo nên nổi cộm, mất thiện cảm đối với xã hội. Trong khi đó, những cái làm được rất đáng khen ngợi của các trường dân lập ít được đề cập, cứ coi trường dân lập như không  phải của ta. Cần phải "sòng phẳng" với các trường NCL.

Một số trường có sự bất đồng nội bộ mà xuất phát từ vấn đề quyền lợi. Đứng về mặt quản lý, khi thấy có hiện tượng đó phải xem xét lại quy chế, điều lệ, sự giám sát, kiểm tra đồng thời vấn đề dân chủ nội bộ. Cần phát huy ưu điểm của cơ chế tự chủ và đề phòng xu thế chạy theo lợi nhuận tối đa ở các trường này. Cần xác định rằng hoạt động tài chính ở các trường NCL chỉ là phương tiện để làm GD.

- Chính phủ vừa mới đây có văn bản cho phép thí điểm mở trường ĐH tư thục, chuyển một số trường công lập sang NCL, chuyển trường dân lập hiện nay sang tư thục. Theo ông, đâu là khâu khó khăn nhất trong việc chuyển đổi này?

Trong tương lai, không nên phân biệt tư thục, dân lập bởi bản chất sở hữu tương tự nhau. Cung không nên có hình thức bán công.

Còn chuyển các trường công lập ra NCL không phải là vấn đề dễ bởi nó đã có một tập thể sẵn.Tuy nhiên, chúng ta đã có bài học chuyển doanh nghiệp quốc doanh sang cổ phẩn  rất bổ ích để tham khảo cho việc chuyển các trường công lập sang NCL. Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL đang được Chính phủ giao nghiên cứu xây dựng cơ chế chuyển đổi này và có lẽ sẽ cùng Bộ GD-ĐT chọn một số trường làm thí điểm.

Thị trường giáo dục đã hình thành!

-Hiện nay, đang có sự tranh cãi: GD có phải là hàng hóa hay không. Tại phiên họp của Chính phủ tháng 9/2004 vừa qua cũng đã đề cập tới thị trường GD. Vậy ông hình dung "thị trường GD" ấy sẽ như thế nào?

Soạn: AM 176758 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Mô hình trường ĐHDL Thăng Long dự kiến xây dựng tại cơ sở mới. Hiện nay, SV của trường đang học tại cơ sở chật chội.

Tôi cho rằng, GD không phải là hàng hoá. Nhưng sản phẩm GD hay  đúng hơn, một bộ phận của sản phẩm GD là hàng hoá – đó là bộ phận liên quan đến đào tạo lực lượng lao động. Trong trường hợp này, nên coi tri thức và kỹ năng mà ngành GD trao cho người được đào tạo để nâng cao năng lực của họ là một thứ hàng hoá phải được trả lại một giá trị tương đương bằng học phí. Ở nước ta, đã có thị trường lao động và đang  hình thành thị trường sản phẩm trí tuệ. Như vậy, trong thị trường sản phẩm trí tuệ có thị trường các sản phẩm GD. Và trên thực tế, thị trường GD đã hình thành và đang tồn tại dù còn nhỏ yếu. Nói thị trường GD là nói tắt. Còn bộ phận coi không thể là hàng hoá là phần sản phẩm mà GD truyền tải kiến thức, kỹ năng cho con người mang tính nâng cao dân trí; GD phổ cập... Đây là nghĩa vụ của Nhà nước, toàn bộ xã hội phải làm.

- Thế nhưng, thưa ông hiện nay các yếu tố để hình thành "thị trường GD" thực ra chưa đầy đủ?

Thị trường GD sẽ hình thành một cách tự nhiên  khi chúng ta XHHGD một cách mạnh mẽ, có một loạt  nhà trường NCL ra đời; ở một bộ phận của nền GD không còn “cho không” nữa. Và, khi “cung” về cơ bản đủ sức thoả mãn “cầu”,  tạo ra cục diện cạnh tranh  thì thị trường sản phẩm GD hình thành đầy đủ các tính chất của nó. Đương nhiên, cạnh tranh cũng có mặt trái nên ta phải có hành lang quản lý việc này, để khắc phục tiêu cực trong quá trình cạnh tranh.

Cũng giống như kinh tế, xét cho cùng, cuộc đổi mới kinh tế cũng là XHH hoá mà thôi và từ đó, sinh ra cơ chế thị trường. GD cũng vậy. Nếu chúng ta không XHH mà vẫn là chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước làm GD, vẫn dựa vào trường công, vẫn là đội ngũ trong biên chế thì GD lúc nào cũng ở tình trạng thiếu nguồn  lực, lúc nào  cũng “hụt hơi”. Dù những năm gần đây, Nhà nước đầu tư ngân sách rất cao nhưng GD vẫn không theo kịp nhu cầu bởi nhu cầu GD luôn phát triển. Mặt khác, nếu chúng ta vẫn tiếp tục quản lý tập trung theo kiểu cũ thí nền GD luôn luôn thiếu năng động , sáng tạo,  không bật lên được.

- Lãnh đạo một trường ĐH dân lập thành lập đã 10 năm có nói rằng: để có một tên tuổi nổi tiếng như Harvard ở Mỹ cũng phải có quá trình hàng trăm năm. Vì vậy, chất lượng GD ở các trường ĐH dân lập bây giờ ở mức "tầm tầm" cũng là điều dễ hiểu. Vậy, theo ông bây giờ đề cập tới chuyện thương hiệu ĐH ngoài công lập có cần thiết hay không?

 "Hiện nay chưa có cục diện cạnh tranh, các trường dù kém cỡ nào cũng có thí sinh. Vì vậy, sự phấn đấu của các trường cũng bị hạn chế. Mấy năm gần đây, phấn đấu của các trường là phấn đấu Bộ cho chỉ tiêu tuyển sinh. Thành ra, một thứ cơ chế xin cho chứ không phải là điều tiết của thị trường."

“Thương hiệu”cũng là cách nói nhưng nhiều người không đồng tình. Các trường muốn tạo nên tiếng tăm, tên tuổi để hấp dẫn người học và thị trường lao động thì đó là sự cần thiết.

Còn, để có một tên tuổi nổi tiếng như Harvard phải mất hàng trăm năm cũng có mặt có lý, nhưng chúng ta cần  tích cực hơn không để thời gian đó quá dài.

Vì vậy, để xây dựng "thương hiệu" của mình, các trường phải có ý đồ chiến lược, kế hoạch tầm xa khắc phục tình trạng chỉ thấy lợi trước mắt, không thấy lợi lâu dài. Nhất là thế hệ 2 các trường NCL, nên đầu tư một cách thỏa đáng từng khoa một, đầu tư hoàn chỉnh khoa nào thì đào tạo khoa ấy, và tiếp tục đầu tư nữa.

 Không loại trừ đến lúc nào đó, chúng ta cần có tập đoàn ĐH mạnh. Bởi trong xu thế toàn cầu  hoá, thị trường giáo dục VN rồi đây cũng để ngỏ. Nếu không phấn đấu để có trường ĐH mạnh, tập đoàn ĐH mạnh thì thị trường này nước khác nhảy vào. Hy vọng các cơ quan quản lý sớm thấy điều này để hỗ trợ tối đa cho “đội nhà”. Trước mắt , xin đừng quá trì trệ, vô hình chung dành “thị phần GD” cho thiên hạ.

- Xin cảm ơn ông!

·   Cam Lu - Hạ Anh (thực hiện)

Tất cả:

"Thương hiệu" trường ĐH ngoài công lập: viển vông hay cấp thiết?

Bài 1: "Nhảy dù" vào giảng đường dân lập

Bài 2: "Chuyện khác người" ở trường ngoài công lập

Bài 3:  Gặp gỡ Hiệu trưởng không ăn lương

Bài 4: Mâu thuẫn giữa HĐQT và Hiệu trưởng: Người trong cuộc nói gì?

Bài 5: Giảng viên ngoài công lập: "Ẩn số

Bài 6: "Chấm điểm" trường ngoài công lập

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,