221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
533916
Vắng như... thư viện trường phổ thông
1
Article
null
Vắng như... thư viện trường phổ thông
,
Soạn: AM 173092 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Học sinh đến với hội sách rất đông.

(VietNamNet) - Giờ ra chơi - sân trường, hành lang các lớp học, căng tin... tràn ngập  học sinh (HS). Lác đác vài bóng áo dài tìm đến thư viện để mượn sách tham khảo.

Cuối cấp mới "đảo" qua thư viện

Đến thư viện trường THPT Gò Vấp đúng giờ giải lao buổi sáng. Trường hôm ấy có hai khối 11,12 đang học với gần 1.000 HS, nhưng số tìm đến thư viện không quá 40. Nguyễn Thị Thủy, HS lớp 11 cho hay, em thường đến thư viện để mượn mấy cuốn sách tham khảo môn toán, truyện Nguyễn Nhật Ánh và Sherlockhom.

Thanh Tâm, cô bạn cùng lớp, mượn cuốn Những bài văn mẫu của lớp 12 và tác phẩm của Vũ Trọng Phụng thì bị giữ lại vì "không có thẻ thư viện". Đây là lần đầu tiên Tâm đến thư viên theo sự giới thiệu của giáo viên dạy văn. Nguyễn Ngọc Anh, Trường Hàn Thuyên cũng chỉ đến thư viện năm lớp 12. Ngọc Anh kể: "Lớp 10,11 tụi em học cả ngày, không có thời gian. Năm 12 thì lâu lâu tạt qua thư viện để mượn mấy cuốn sách tham khảo Toán, Lý, Hoá... để thi tốt nghiệp và ĐH ấy mà"

Cô Trần Thị Mai Hương, trường THPT Gò Vấp cho hay, khối 12 phải học thi nên các em đến tìm sách tham khảo nhiều. Còn các em lớp 10,11 đến chỉ để mượn truyện Nguyễn Nhật Ánh. Trong cuốn sổ mượn của trường THPT Hàn Thuyên cũng thế: học sinh 12 mượn sách tham khảo. Còn 14 bộ truyện của Nguyễn Nhật Ánh được xoay vòng với các học sinh khối 10,11. Cô Kiều Thị Xinh, phụ trách thư viện của cho biết: "Các em đến thư viện rất ít, mỗi buổi chỉ hai, ba chục em".

Sách hay ở đâu?

Soạn: AM 173098 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Sách cho chúng mình, vào xem thử!

Tại các quầy sách dành cho tuổi mới lớn, tiểu thuyết nước ngoài, tác phẩm văn học cổ điển trong các nhà sách lớn (Nguyễn Văn Cừ, Thăng Long...) luôn bắt gặp các bạn học sinh phổ thông ngồi la liệt, miệt mài đọc. Chiều 12/10 vừa rồi, trong nhà sách Nguyễn Văn Cừ (đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình), tôi chứng kiến một cô bé mang bảng hiệu Trường THPT N.T.H đang say sưa đọc "Ruồi Trâu".

Minh Hải - sinh viên năm thứ nhất trường CĐ Bán công công nghệ và quản trị doanh nghiệp than thở: "Vô được Thư viện Tổng hợp mà mừng, quá chừng sách để đọc. Chẳng bù cho cái thời phổ thông, mượn được vài cuốn truyện của thầy dạy văn đọc ngấu nghiến". Trước đây, Hải phải bỏ ra khá nhiều tiền để thuê các bộ truyện Thủy Hử, Tam Quốc Diễn Nghĩa. Hải còn thổ lộ: "Em nghe nói Ruồi Trâu hay lắm, nhưng mượn khắp nơi đều không có. Vô tới Sài Gòn, em đi tìm mua cuốn đó trước tiên".

Hội sách Giáo dục diễn ra vào cuối tháng 8 đầu tháng 9, Hội sách mùa khai trường nằm trong khuôn khổ của trường ĐH Sư phạm TP.HCM vào trung tuần tháng 9 đều thu hút đông đảo các bạn học sinh. Và mới đây, chương trình đưa sách vào các trường phổ thông của Nhà xuất bản Trẻ tổ chức tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã được nhiều học sinh quan tâm.

Chính cô Mai Hương, phụ trách thu viện trường Gò Vấp nhận xét: "Các em chỉ tìm đến các tác phẩm văn học, tiểu thuyết kinh điển khi được giáo viên hướng dẫn hay ra đề kiểm tra, thi cử".

Thư viện trường: chỉ là kho sách

Một kho sách nghèo nàn, ít ỏi đến thương. Có những trường được đánh giá là trường lớn, cơ sở vật chất tốt, nhưng số đầu sách trong thư viện cũng chỉ vài ngàn. Thậm chí, có những nơi, thư viện luôn đóng cửa, hoặc được tận dụng để làm những việc khác. Tại nhiều trường, chưa có cán bộ chuyên trách thư viện. Giáo viên nào trống tiết thì lên trực. Học sinh cứ tự nhiên vào kho sách tìm lấy những cuốn mà mình cần, mang đến để giáo viên ghi vào sổ mượn. Số đầu sách được cập nhật cũng chỉ dựa vào kinh phí từ trên cấp.

Nghe đâu, có đến 96 trường phổ thông trong cả nước đã kết nối Internet, tin học đã đưa vào giảng dạy ở các bậc học. Nhưng thật khó để kiếm được một thư viện ở các trường phổ thông có máy vi tính để tra cứu mục lục trực tuyến. Được truy cập mục lục sách trên mày vi tính đang là niềm mơ ước của nhiều học sinh. Nhưng, nói như cô Xinh - trường Hàn Thuyên: "Kinh phí không cho phép. Tôi chỉ đang xin một cái máy vi tính để phục vụ cho việc quản lý sách và độc giả".

Thư viện trường THPT Gò Vấp có khoảng 8.000 đầu sách, trong đó sách tham khảo phục vụ cho các môn học chiếm 2/3. Nếu được cấp 25 triệu để đầu tư cho thư viện, trường cũng ưu tiên mua sách tham khảo hết 24 triệu. Số tiền còn lại để cập nhật thêm truyện, các tác phẩm văn học. Tủ sách Hàn Thuyên cũng có trên 8.000 đầu sách. Và 80% là sách tham khảo Toán, Lý, Hoá, Văn, Anh văn...

Ngọc Anh, cựu học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai thách đố: "Chị mà tìm được 10 đứa học sinh trong các thư viện lớn trong thành phố, em mất một chầu chè".

Thư viện trường thì nghèo nàn sách, các thư viện lớn trong thành phố không phải nơi đến của học sinh phổ thông... Làm thế nào để mang lại thói quen đọc sách cho học sinh?

Một thư viện mang tính tổng hợp

Thư viện trường Nguyễn Thượng Hiền (Tân Bình) đang là niềm mơ ước của nhiều trường phổ thông. Thư viện được xây mới năm học 2000 - 2001. Hiện tại, thư viện có hơn 30.000 đầu sách được tích lũy từ trước giải phóng và bổ sung hàng năm. Trường cũng đã sắm 6 máy vi tính để phục vụ học sinh trong việc truy tìm sách. Trước đây, trường có đến 3 cán bộ chuyên trách thư viện.

Thầy Nguyễn Hoài Chương, nguyên hiệu trưởng trường cho biết: "Mỗi năm, chúng tôi bỏ ra khoảng năm đến bảy mươi triệu để bổ sung thêm sách mới ngoài kinh phí đầu tư cơ sở ban đầu. Chưa kể số lượng rất lớn các nhan đề sách ngoại văn được biếu tặng nhờ các mối quan hệ. Trường thường được các tổ chức nước ngoài như Anh, Úc, Nhật, Singapore... tặng sách mỗi năm".

Cũng theo thầy Chương, trước đây, cán bộ thư viện thường tổ chức các buổi sinh hoạt theo chủ đề để lôi kéo sinh viên đến với sách. Các chương trình giới thiệu sách mới, tổ chức triễn lãm sách diễn ra thường xuyên. Thỉnh thoảng trường còn mời các tác giả viết sách, truyện cho tuổi mới lớn về nói chuyện, báo cáo chuyên đề. Thi thuyết trình sách cũng là hoạt động hàng năm của trường.

Có lẽ, vì được đầu tư một thư viện khá tốt, lại thường xuyên có những sinh hoạt, học tập hướng dẫn về cách đọc sách, tiếp cận với tri thức; nên số học sinh trường Nguyễn Thượng Hiền đến thư viên khá đông.

Học sinh phổ thông không phải không mặn mà với sách. Mà thực sự, chưa có một thư viện đúng nghĩa dành cho họ.

  • Bài, ảnh: Đoan Trúc
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,