(VietNamNet) - Cách đây 10 năm, một SV đi làm thêm phải tìm cách để giấu bạn bè. Còn bây giờ, "bôn ba" ngoài giảng đường đã trở thành một phong trào. Thậm chí, những SV chưa một lần đi làm thêm được xem là...không hợp thời.
Những ngày tháng SV của Lâm Quang Vinh, cựu sinh viên trường ĐHDL Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM là một minh chứng. Gia đình ở Cà Mau, tiền chi tiêu của Vinh mỗi tháng nhiều hơn lương của một trưởng phòng. Nhưng cậu vẫn bí mật với gia đình để đi làm thêm.
Lý do đi làm đủ thứ nghề: phát tờ rơi, phục vụ nhà hàng, nghiên cứu thị trường của Vinh là bởi :"mình vốn là một chàng trai hơn nhút nhát, không đủ tự tin trước những người mới gặp. Thế là quyết định đi làm thêm để được va chạm, tự tin hơn". Chàng sinh viên nhút nhát ngày xưa, nay được nhiều người đánh giá là giao tiếp tốt, nói chuyện thuyết phục...và đương nhiên "hết run khi gặp người lạ. Nhờ đi làm, Vinh ngộ ra được, mình hợp với kinh doanh hơn; và, hiện đang là giám đốc một công ty TNHH.
Đứng lấp ló ở Trung tâm hỗ trợ SV TP.HCM, Bảo Khuyên, SV trường ĐHDL Văn Lang rụt rè hỏi tôi: "Chị ơi, đăng ký tìm việc ở đâu vậy?". Vừa đọc thông tin việc làm, Khuyên vừa nhẹ nhàng tâm sự: "Các bạn trong lớp em đa số đi làm. Thấy các bạn vừa có tiền tiêu vặt, vừa năng động, em cũng muốn. Nhưng khi em nhờ các bạn giúp thì không ai chịu, các bạn sợ em không quen cực". Sau một hồi đắn đo, Khuyên quyết định đi phát quà khuyến mãi.
Đinh Kiệt, học trung cấp Công nghệ thông tin của trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đang làm việc tại một dịch vụ Internet cho hay: "Lớp em đi làm thêm gần hết, đủ nghề, cả những bạn gia đình rất khá cũng đi. Chúng em tự kiếm việc làm để chứng tỏ tính tự lập. Mặc dù số tiền kiếm được không nhiều lắm, nhưng cái chính là được va chạm với cuộc sống. Từ ngày đi làm, em thấy mình lớn hẳn". Kiệt đi học mang theo lời dặn của mẹ: "Lúc nào hết tiền thì nhắn tin về, không thì nhá máy rồi mẹ gọi lên. Cố mà học, bao nhiêu mẹ cũng nuôi được". Nhưng chỉ học kỳ đầu, Kiệt hay xin mẹ tiền mua sách, tài liệu, học Anh Văn. Bây giờ, các khoản tiền đó Kiệt nói dối là "Anh văn thì đã học ở trường, sách thì có thư viện". Kiệt còn cho biết: "Đi làm vừa vui, vừa biết được nhiều điều bổ ích. Mở rộng thêm bao nhiêu là mối quan hệ".
Giám đốc công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Tin học viễn thông Vương Long bày tỏ: "Đọc hồ sơ dự tuyển, tôi chỉ liếc đến phần kinh nghiệm. Trước đây, tôi có tuyển một nữ nhân viên chưa qua 12. Ấn tượng của tôi đối với cô ấy rất lớn. Kinh nghiệm mà cô ấy trình bày với tôi là "bán ve chai". Một cô gái như cô ấy mà chịu đi đến các chợ, các cửa hàng trong thành phố để thu gom thùng giấy về và bán lại. Và không ngại nói cho tôi biết, chứng tỏ cô ấy có bản lĩnh. Thế là tôi nhận vào làm".
Với Phương Trâm, nhân viên văn phòng đại diện của một công ty Malaysia chuyên về kinh doanh máy vi tính thì hồ sơ xin việc chỉ vỏn vẹn một lá đơn xin việc bao gồm cả sơ yếu lý lịch. Trong đó, Trâm chỉ nói đến những công việc đã làm qua lúc còn là SV. Họ phỏng vấn với những câu hỏi chẳng liên quan gì đến kiến thức trong nhà trường.
Có rất nhiều lý do để các bạn SV quyết định vừa học vừa làm. Nhưng điều mà nhiều SV nhìn thấy: suốt ngày cắm cúi vào sách vở, giảng đường không còn là hình ảnh tối ưu của SV hiện đại. Nếu muốn có việc làm tốt sau khi ra trường, thì ngay bây giờ, SV phải biết tự khẳng định mình, có nhiều va chạm với thực tế, tạo dựng các mối quan hệ.
Cũng có một thực tế là SV mải lo làm thêm, chạy theo đồng tiền để rồi việc học phải gián đoạn, học mãi không ra được trường. Nhiều SV vẫn có mong muốn nhà trường sẽ sắp xếp thời khoá biểu hợp lý hơn để có thời gian đi làm thêm. Vừa là dịp để SV nghèo kiếm thêm thu nhập, vừa giúp SV cọ sát hơn với thực tế. Hiện tại, ít trường nào xếp các giờ học vào một buổi cố định để tạo thuận lợi cho SV hay áp dụng hình thức học tín chỉ để SV tự do sắp xếp các giờ học phù hợp với hoàn cảnh của mình.
-
Đoan Trúc