221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
544084
Giáo dục trong cơ chế thị trường: Chọn hướng nào?
1
Article
null
Giáo dục trong cơ chế thị trường: Chọn hướng nào?
,

(VietNamNet) - Từ Bỉ, GS TSKH Nguyễn Đăng Hưng, GS trưởng trường ĐH Liège, gửi về VietNamNet những ghi nhận chắt lọc về giáo dục từ kinh nghiệm 40 năm là nhà giáo, nhà khoa học.

Soạn: AM 194496 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
GS Nguyễn Đăng Hưng: Tôi tự hỏi các ĐH Việt Nam chừng nào mới so sánh được với các ĐH quốc tế khi thói “cha truyền con nối” đang hiện hành khá phổ biến!

Liège ngày 13/10/2004

Tôi không phải là chuyên gia nghiên cứu các hệ thống giáo dục, không phải là nhà kinh tế. Tôi chỉ là một kỹ sư, một nhà giáo, một nhà nghiên cứu trong một lĩnh vực công nghệ mũi nhọn khá chật hẹp. Tôi chỉ nhắc đến ở đây những cảm nhận của mình sau gần 40 năm là nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học, được tiếp cận với các trung tâm nghiên cứu, các trường ĐH lớn ở cả châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Úc.. Tôi cũng đã tham gia, đi thỉnh giảng thường xuyên tại Việt Nam từ năm 1977 cho tới ngày nay, trừ mười năm đứt đoạn (1979-1989). Những điều ghi ở đây, ngoài những kinh nghiệm riêng, cảm nhận cá nhân, phần lớn là những ý kiến đã có người đã nhắc đến, trong ấy có một số đồng nghiệp bạn bè mà tôi được dịp gần gũi và trao đổi. 

Trong kiến nghị vắn tắt, tôi có đề cập đến việc cần có những bước đột phá trong việc cải cách hệ thống giáo dục Việt Nam (GDVN) bao gồm ba điểm sau đây:

1. Đổi mới tư duy về GD

2. Vì sự lúng túng kéo dài hàng mấy thập kỷ, cần có quyết tâm, thời gian và  lộ trình trong việc cải tổ .

3. Để thực hiện cải tổ phải có người mới trong và ngoài nước, có thành phần đã từng cọ xát với các nền GD của các nước tiên tiến tham gia vào ban đề xuất ý kiến, ban tổ chức, ban kiểm tra...

Nay, xin dẫn giải thêm. 

Bài 1: Mười đề xuất đổi mới tư duy

Lãnh đạo và quản lý tốt phải đồng nghĩa với phục vụ tốt

Đổi mới tư duy, trước hết là đoạn tuyệt với lề lối tập trung quan liêu, nói nôm na là thói quen ôm đồm, cái gì cũng muốn nắm, cái gì cũng muốn quản lý mà không có khả năng, tài lực, phương pháp, gây trì trệ, nhũng nhiễu cho nền giáo dục quốc dân… Lãnh đạo và quản lý tốt phải đồng nghĩa với phục vụ tốt. Phục vụ muốn có hiệu quả thì phải mở cơ chế cho thật thoáng để tăng cường khả năng phục vụ.

Cần nhanh chóng trao quyền tự quản cho các trường ĐH

Chẳng hạn, Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng trao quyền tự quản cho các trường ĐH, bắt đầu bằng những trường trọng điểm, trường lớn. Quyền tự quản này bao gồm: tuyển sinh, cấp bằng, quản lý và bổ nhiệm nhân sự, tổ chức và kế hoạch việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học… Bộ chỉ dừng lại ở quản lý khung: ngân sách (phần Nhà nuớc rót về trường như thế dĩ nhiên gián tiếp chi phối việc bổ nhiệm nhân sự), học trình quốc gia (bất cứ trường nào cũng phải tuân thủ chương trình học do Bộ đề ra), chế độ (mức lương tối thiểu, chức danh, học hàm, tài trợ những hướng phát triển trọng điểm, cho bổng học sinh nghèo, hỗ trợ học sinh vùng sâu vùng xa…), thanh tra giám sát, hiệp thương hợp tác quốc tế trên bình diện vĩ mô, v.v…

Trở về thực học để đào tạo người có thực tài

Tư duy giáo dục hiện nay chạy theo thành tích, con số, hư danh. Chính tư duy có "tính phong trào “ này đã dẫn đến tâm lý sính ĐH, coi thường CĐ, sính bằng cấp. Mấy năm gần đây, tại các ĐH, viện nghiên cứu lại đào tạo tràn lan thạc sĩ, tiến sĩ, có danh mà không thực. Đào tạo cán bộ giảng dạy cao cấp mà không cẩn thận thì sẽ có tác hại lâu dài đến hàng chục thế hệ. Ta phải trở về thực học để đào tạo người có thực tài - trở về với quan điểm truyền thống của dân tộc Việt : Nhất nghệ tinh nhất thân vinh 

Cần phân luồng, phân tầng trong việc tổ chức giáo dục

Phân luồng, phân tầng trong việc học cần bắt đầu từ trung học. Hiện nay, tâm lý phụ huynh là coi thường CĐ. Nhưng tâm lý này sẽ khắc phục không khó nếu các trường CĐ gắn bó với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, có cơ chế liên thông rõ ràng minh bạch, nếu các trường tăm tiếng có quyết tâm tham gia thực hiện cơ chế này. Phụ huynh nào lại chả muốn con mình nhanh chóng có việc làm giúp kinh tế gia đình, nếu con em mình sau vài năm CĐ, năng khiếu được lộ rõ qua kết quả cụ thể, được xét tuyển vào các trường lớn để đi xa hơn.

Nên mềm đầu vào và cứng đầu ra

Các trường ĐH không nên tổ chức đào tạo như cái ống, mà đào tạo theo hình chóp. Tại các nước phương Tây có áp dụng nguyên tắc chủ đạo: "Chỉ cấp bằng cho những người đạt trình độ". Họ quan niệm là cấp bằng cho người không đạt trình độ là chẳng những giúp tay làm hư hại xã hội mà trước tiên làm hư hại chính người được cấp bằng.  Bởi vậy, thông thường đầu vào thì đông nhưng đầu ra thì không nhiều. Học viên hai năm đầu bị đánh rớt rất đông, cấm thi lại quá bốn lần. Như vậy, các em có điều kiện nhanh chóng đổi ngành, chuyển qua CĐ, cho phù hợp với năng khiếu của mình, không mất thời gian gây hao tốn cho xã hội và gia đình. 

Do đó, không cần phải tổ chức thi tuyển ĐH nặng nề mà chỉ cần xét tuyển nhẹ nhàng qua quá trình học vấn cấp tú tài. Nếu cần xác định rõ hơn về trình độ thì nên tổ chức phỏng vấn trực tiếp để loại bỏ những học viên có hồ sơ với độ tin cậy thấp. Điều này đồng nghĩa với việc phải tổ chức lại một cách nghiêm chỉnh hơn các kỳ thi tú tài ở trung học. Thi tú tài là xác định trình độ năng khiếu bậc trung học của học sinh. Việc xác định này cần được tổ chức chu đáo và đồng khắp trong đó tính khách quan và công bình phải được đảm bảo... Phải xóa bỏ tận gốc thói quen ai cũng xuất sắc, ai cũng tiên tiến. Thói quen này có lẽ phát xuất từ chỗ thiếu tự tin, ngại chịu trách nhiệm, không dám đánh rớt. 

Soạn: AM 194500 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Cải cách giáo dục để trẻ em thực sự "mỗi ngày đến trường là một ngày vui". (Ảnh: NV)

Không nên lẫn lộn giữa GD và tuyên truyền

Trong quá khứ, ta hay nói đến GD tuyên truyền. Trong kháng chiến, điều này là phù hợp. Nhưng hiện nay là giai đoạn hội nhập, nếu tiếp tục có tư duy lẫn lộn giữa GD và tuyên truyền thì ta không chóng thì chầy sẽ đi đến ngõ cụt của tri thức, đến tụt hậu của tư duy.

Bởi vì tuyên truyền, mang tính tình thế, là hướng đối tượng đi theo đường lối, chính sách. Còn GD đúng nghĩa mang tính nhân văn, lâu dài và phổ quát, lấy con người làm gốc, là phải làm sao tạo điều kiện để đối tượng có hiểu biết để họ hành sự như một thể độc lập, đủ khả năng thích ứng với sự thay đổi vô cùng của bối cảnh, của cuộc sống, của sự việc. Đó là điều tất yếu của cuộc cạnh tranh sinh tồn trong xu thế hòa nhập.

Tóm lại, đổi mới tư duy trong GD, trước hết xoá bỏ mọi áp đặt, tuyên truyền, nhồi nhét, là làm thế nào để con em chúng ta có thể hấp thụ bài học một cách tự nhiên, thoải mái. Có như thế các em mới có thể tự tin, tự khám phá, tự vận dụng sáng tạo ra những sản phẩm mới, vươn lên gánh vác sự nghiệp xây dựng đất nước, tranh đua với các dân tộc khác, hiện nay đang đi trước vì có nhiều may mắn hơn chúng ta.

Các nước tiên tiến, đặc biệt là ở châu Âu, đã làm được điều này. Tại Việt Nam, tôi có cảm tưởng tình trạng nhồi nhét kiến thức đã đem đến hậu quả bất ngờ, những phản ứng ngược. Qua kinh nghiệm phỏng vấn mười khóa tại TP.HCM và sáu khoá tại Hà Nội, tôi thấy phần lớn các em đã tốt nghiệp kỹ sư, nhiều em ra trường ba-bốn năm rồi nhưng lại biết rất ít về lịch sử dân tộc, ngay cả danh nhân của tỉnh mình, làng mình họ cũng không để ý tới. Ngay cả lịch sử hai cuộc kháng chiến gần đây họ cũng rất lơ mơ. Tôi buồn quá nên đã có lần hỏi tại sao như thế? Khi không biết về lịch sử của chính dân tộc mình thì làm sao các em có thể làm tròn bổn phận của một công dân? Các em ấy đã trả lời thế này: “Thầy ơi, chương trình học vấn hiện nay quá tải, nhiều giáo trình áp đặt, nhồi nhét chán quá, tụi em học trả bài cho qua, học xong là quên hết”. Đó chính là phản ứng ngược. Và khi tuổi trẻ có phản ứng ngược như vậy là họ đã mất lòng tin, mất hứng thú trong việc học. Ta đang trả giá cho những chọn lựa sai lầm trong các quốc sách về GD-ĐT, bắt đầu đã gần hai thập kỷ qua.

Một kinh nghiệm khác cũng cần nhắc đến ở đây. Có lần, một công ty phần mềm tính toán thiết kế cơ học hàng không ở Bỉ có nhờ chúng tôi giúp đ để chuẩn bị mở một công ty tương tự tại Việt Nam. Đã thuê phòng ốc tại TP.HCM, đã đến giai đoạn gởi cộng tác viên sang Bỉ thực tập. Sau khi thẩm tra, họ quyết định không mở. Vì sao? Một trong những lý do là vì các kỹ sư Việt Nam không có tinh thần tự lập, sáng tạo. Học thì rất giỏi nhưng trước nghịch cảnh lại không có tư duy sáng tạo, điều tiết công việc. Người Bỉ trong việc kiểm tra đã cố ý đưa ra những bài toán đầu đề có chỗ sai. SV Bỉ họ sửa cái sai, trong khi SV ta vẫn giữ cái sai đó và dĩ nhiên là giải sai luôn. Đó chính là sự khác biệt. 

Trả lại cho nhà trường chức năng "thế nhân"

Để thoát ra khỏi khủng hoảng hiện nay đã đến độ báo động, ta nên trả lại cho nhà trường chức năng "thế nhân" của nó (dịch chữ "laïcité" - tiếng Pháp). Nhà trường chân chính không thể là chỗ đào tạo ra những người chỉ biết vâng vâng dạ dạ, lặp đi lặp lại ngày này qua tháng khác những công thức vô bổ. Đổi mới tư duy còn cần trở về với bản sắc chân chính của dân tộc và những giá trị trường cửu của truyền thống phương Đông. Đổi mới tư duy cần đề cao nhân cách.

Tổ chức giáo dục cần hướng tới tri thức quốc tế            

Hướng tới tri thức thế giới trước hết là phải giỏi ngoại ngữ. Mỗi SV cần phải thông thạo mỗi người hai ngoại ngữ. Tôi muốn nhấn mạnh ở chữ thông thạo chứ không phải hiểu biết sơ sài như trình độ các SV tốt nghiệp ĐH hiện nay. Muốn vậy, cần tổ chức dạy ngoại ngữ ngay ở cấp tiểu học.

Ta đã có một phương tiện hữu hiệu vô song: Internet. Việc mở rộng sử dụng Internet, công nghệ thông tin là khâu quyết định cho việc cập nhập tri thức mới mẻ, hiện đại... Vấn đề ở đây là tổ chức việc mở rộng ở tầm mức quốc gia vì điều kiện kinh tế còn giới hạn của ta. Tôi lấy làm lạ là Bộ GD-ĐT đã làm rất ít cho việc này... Thí dụ: các trường ĐH Việt Nam đang ở trong tình trạng vô cùng thiếu thốn tài liệu, sách, tạp chí khoa học cần thiết cho việc nghiên cứu. Lẽ ra Bộ GD-ĐT cần từ lâu đã thương lượng với các nhà xuất bản để SV thông qua mật khẩu, có thể vào các website của các nhà xuất bản tiếng tăm, tham khảo những tài liệu đã xuất bản. Các SV của chúng tôi đưa sang châu Âu đều được hưởng miễn phí dịch vụ này. Họ đã bảo: Ngồi tại Bỉ nghiên cứu một ngày bằng một tuần ở Việt Nam!  

Yếu tố quốc tế cần trở thành tiêu chí căn bản trong việc đánh giá chất lượng các ĐH, GS, nghiên cứu sinh...

Thí dụ, các đề mục "có công trình công bố báo quốc tế", "có tham dự hội nghị quốc tế", "được mời đi thuyết trình ở các ĐH quốc tế" phải trở thành tiêu chí không thể không có của việc xác định chất lượng GS, công nhận chức danh GS. Ở Bỉ, một công trình công bố trong tạp chí quốc tế có ban biên tập quốc tế thẩm định được chấm ba điểm, còn công trình công bố trong tạp chí quốc nội chỉ được một điểm mà thôi. Cũng xin mở ngoặc là chỉ những công trình công bố cách đây không quá năm năm mới có giá trị!

Với đà tăng trưởng hiện nay, Bộ GD-ĐT hay Bộ Khoa học-Công nghệ dần dần cần có quỹ để tài trợ các nhà nghiên cứu có công trình công bố tại các hội nghị quốc tế. Đây là tiền đầu tư cho chất lượng giảng dạy và nghiên cứu của các nhà khoa học, cũng là tiền đầu tư cho vai trò khoa học của Việt Nam trên trường quốc tế.

Là nhà khoa học tại Bỉ, tôi may mắn hoặc được mời, hoặc được chính phủ Bỉ tài trợ, tạo điều kiện tham dự nhiều lần (trung bình mỗi năm hai lần) các hội nghị khoa học quốc tế. Điều rất buồn là không thấy bóng dáng người Việt đến từ Việt Nam những dịp này (nếu có, chỉ là những Việt kiều công tác tại các ĐH Âu, Mỹ, Nhật, Úc...). Tình trạng này đã kéo dài trên ba thập kỷ. Trong những năm 1970, cũng rất hiếm có người Trung Quốc đến từ Trung Quốc. Nhưng tháng 9/2004 vừa qua, được mời đi thuyết trình tại hội nghị toàn cầu lần VI về Cơ học tính toán (Trung Quốc đăng cai tổ chức), tôi đã là nhân chứng của sự đổi thay vượt bậc. Trong tổng số 1.200 công bố khoa học, Trung Quốc đã chiếm gần 400 bài, Mỹ và Nhật gần 300 bài, Hàn quốc gần 50 bài... Còn Việt Nam? Chỉ có hai!

Đánh giá chất lượng một luận án tiến sĩ (TS) cũng cần có yếu tố quốc tế. Tại châu Âu, hội đồng giám khảo một luận án TS hợp lệ phải có ít nhất một GS đến từ một nước khác và một GS quốc nội đến từ một ĐH khác. Nếu là luận án khoa học công nghệ thì bắt buộc phải có đại diện của doanh nghiệp có công nghệ liên đới. Ngoài ra, việc thâu nhận giảng viên mới ở các ĐH cũng phải theo một tiêu chí đảm bảo được tính mới mẻ, tính quốc tế trong khâu nhân sự. Phải hơn 50% là người đã bảo vệ bằng TS từ các ĐH khác với ĐH sở tại. Tôi tự hỏi các ĐH Việt Nam chừng nào mới so sánh được với các ĐH quốc tế khi thói “cha truyền con nối” đang hiện hành khá phổ biến!

Cần có kế hoạch trong việc đào tạo nhân tài bằng ngân sách nhà nước

Việc đào tạo nhân tài, gởi người đi học sau ĐH bằng ngân sách nhà nước cũng cần có kế hoạch chiến lược dài hạn. Thí dụ, gửi SV đi làm TS về các ngành kỹ thuật công nghệ, ta nên định hướng chọn nước, chọn trường cho phù hợp, cho xứng với vốn liếng bỏ ra nhất là từ công quỹ của một nước nghèo như nước ta. Chưa có liên lạc được thì nên nhờ các nhà khoa học Việt kiều giới thiệu. Ta phải học trực tiếp ở những nước, những trường có chất lượng nổi tiếng, có học thuật tiên tiến, và như vậy cho từng ngành từng môn. Thí dụ công nghệ thông tin nên đi Mỹ, công nghệ hàng không nên đi Pháp hay Mỹ, công nghệ điện tử nên đi Nhật, công nghệ đóng tàu nên đi Hàn Quốc... Dĩ nhiên là còn phải chọn đúng trường, đúng thầy, đúng phòng thí nghiệm... Tránh việc tốn tiền, tốn công mà chỉ đến nước thứ hai, thứ ba, không học trực tiếp mà học lỏm, học những kỹ thuật quá đát, được hướng dẫn bởi những thầy loại B, đã cằn cỗi, lỗi thời! Ngoài ra, phải có phương pháp, cách tổ chức để hạn chế tối đa rủi ro, nạn chảy máu chất xám...

  • GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng (GS trưởng trường ĐH Liège, Chủ nhiệm các chương trình Cao học Bỉ&Việt tại ĐHBK TP. HCM và Hà Nội)

Mời các bạn theo dõi tiếp Bài 2 trên VietNamNet: Cải tổ giáo dục: cần có thời gian và lộ trình

Các GS kỳ vọng gì với QH về chấn hưng giáo dục?

(VietNamNet) - Từ Tokyo, Brussels, Paris..., các GS Bùi Trọng Liễu, Tôn Thất Nguyễn Thiêm, Trương Nguyên Trân, Trần Văn Thọ, Nguyễn Đăng Hưng... đã gửi về VietNamNet những kỳ vọng với Quốc hội khóa XI về chấn hưng giáo dục nước nhà.

Kiến nghị của 23 trí thức về chấn hưng giáo dục gửi Thủ tướng

(VietNamNet) - Từ tháng 2 đến tháng 9, nhóm 23 nhà khoa học, nhà giáo trong và ngoài nước, dưới sự chủ trì của GS Hoàng Tuỵ, đã tiến hành xemina thường kỳ bàn về Chấn hưng, cải cách, hiện đại hoá giáo dục. Nội dung các buổi thảo luận đã được tập hợp thành bản kiến nghị với 23 chữ ký gửi tới Thủ tướng Chính phủ. Bản kiến nghị này gồm ba phần. Phần đầu phân tích thực trạng của giáo dục để tìm ra cái gốc các khó khăn và bất cập hiện nay. Phần thứ hai đề xuất phương hướng hiện đại hoá giáo dục để khắc phục các khó khăn và bất cập một cách cơ bản. Phần thứ ba trình bày một số giải pháp cấp bách cần thực hiện để trả lại môi trường hoạt động bình thường cho giáo dục, và mở đường chuyển dần sang cải cách, hiện đại hoá toàn hệ thống.

Muốn chấn hưng giáo dục, cần quyết tâm từ trên!

(VietNamNet) - Trao đổi với chúng tôi, GS Hoàng Tuỵ nhận xét: "Dù ông Bộ trưởng GD có thiện chí, muốn “quyết liệt” cũng khó làm được gì mạnh. Trong tình hình hiện nay, muốn chấn hưng giáo dục, cần có quyết tâm từ trên".

Bàn tròn trực tuyến:Hà Nội-Boston-Washington

(VietNamNet) - Bàn tròn trực tuyến cùng ông Nguyễn An Ninh, cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT, bà Tôn Nữ Thị Ninh, phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội, TS Vũ Minh Khương, trường ĐH Harvard và ông Phạm Đức Trung Kiên, giám đốc Quỹ Giáo dục VEF.

Chấn hưng giáo dục: Chữa bệnh chứ không "buộc tội"

(VietNamNet) - Sáng 2/10, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển đã dự buổi làm việc cuối cùng trong khuôn khổ hội thảo thường kỳ về chấn hưng giáo dục do GS Hoàng Tuỵ khởi xướng cùng 22 trí thức khác. "Thời điểm này chính là thời cơ tốt để chúng ta tận dụng hết sức để tạo nên sự thúc đẩy và bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng giáo dục", nhiều ý kiến đã nêu như vậy tại buổi hội thảo.

''Không nên có ấn tượng giáo dục đang khủng hoảng!"

(VietNamNet) - "Giáo dục của ta có suy sụp đâu mà chấn hưng!" - GS TS Nguyễn Lân Dũng đã nhìn nhận như vậy khi đánh giá những khó khăn hiện nay của ngành giáo dục.

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,