Buổi sáng ở quán cóc sinh viên
06:16' 17/11/2004 (GMT+7)

Soạn: AM 197475 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

“Nhà chung!”

 

Có thể thấy ở quán cóc vỉa hè Nguyễn Đình Chiểu của "dân Kiến trúc" (TPHCM) một nét bụi bặm riêng - một thời là mốt, khiến nhiều bạn gái trường khác phải mê tít: râu rậm, tóc dài, quần áo luộm thuộm rách lỗ chỗ, tay cầm bản vẽ, mặt mũi luôn trong tình trạng… ngái ngủ. Hôm nay cũng thế, chỉ có điều, ở đây có thể nhận ra những "ma cũ, ma mới" bằng cách nhìn vào "con dế" (mobile) cồm cộm trong túi họ.

 

Ma cũ ngồi quán cóc nhưng sẵn sàng trưng ra trước mặt một đồ án cảnh quan hay bản vẽ một công trình, thỉnh thoảng lại móc dế ra "à lố" công chuyện. Thắng - áo sơ mi trắng, tóc dài phủ tai, mặt mày đắc thắng, nói: "Buổi sáng ngồi đây bao nhiêu là chuyện để nói. Từ chuyện thời sự rục rịch trong trường cho đến thông tin trên báo. Quán cóc vỉa hè cũng là nơi chiến hữu đã ra trường vẫn tìm về để giúp em út. Còn mình, năm tư rồi, đôi khi những "lính mới" cần làm đồ án cũng tìm ra quán cóc liên hệ xin chỉ giáo!".

 

Nếu ĐH Kiến trúc có quán cóc vỉa hè thì "dân" SV mỹ thuật nhiều thế hệ lại biết đến quán Gỗ. Đàng hoàng hơn, ngồi trong hẻm. Cũng túm năm tụm ba, chật ních và ồn ào. Nhưng từ đây, những buổi sáng đạm bạc có thể đem đến nhiều mối quan hệ tốt.

 

"Những anh chị "cớm" (học giỏi, có tiếng) thường rất bình dân. La cà quán cóc mà gặp họ thì hên. Họ sẵn sàng giúp đỡ nếu thấy thằng em cũng đàng hoàng, chơi được!"- Trọng, năm hai - khoa Sơn dầu nói.

 

Quán Gỗ sau bao nhiêu lần giải toả, đã chuyển sang địa chỉ mới cách đó một con hẻm. Vẫn thế, có nhiều khuôn mặt sau bốn năm học trở thành… "em trai" của cô chủ quán vì thời gian ở quán nhiều hơn ở nhà! Thanh Thảo - một cựu SV mỹ thuật cho biết: "Quán Gỗ là nhà chung của cả chục thế hệ SV mỹ thuật.

 

Những “cái máy nổ” di động

 

Ở vỉa hè Nguyễn Đình Chiểu - gần ĐH Kiến trúc, thử nghe “lóm” một cuộc chuyện trò:

 

- Ê, mày mới thay "con dế" phải không? Ăn nên làm ra, khao đi!

 

- Trời, "dế" cũ ở vỉa hè. May có tiền đề án.

 

- Chạy sô như mày mà cũng rên. Cái vụ quán cà phê tới đâu rồi?

 

- Khó ăn lắm. Thiết kế đâu vào đó, tay chủ lại đổi tông. Ổng  muốn phong cách pop- art chứ không  rock nữa… Mà tao mới nhận hai quán, tụi mày tham gia thì chia!

 

- Trọn gói được bao nhiêu?

 

- Bản vẽ hoàn chỉnh 50 triệu.

 

Bảo Huy - SV năm nhất Kiến trúc đang tay cầm ly đen đá, toang toang kể: "Em mới có năm nhất. Ngồi quán đâm ghiền. Ngày nghỉ em cũng lên ngồi đây làm ly cà phê rồi về. Ngồi bắt quen với nhiều anh chị đi trước, cũng đỡ. Nhưng mà có khi cũng ngồi gần mấy cái máy nổ, nói trên trời dưới đất. Phận em út, ngồi nghe xong các anh bảo tính tiền thì tính tiền. Sau mới biết có mấy anh lưu ban, bỏ học nhưng nổ thì cứ nổ! Tin sái cổ luôn!".

 

Sữa tươi, cà phê hay bánh mì?

 

Biên - khoa Báo chí (ĐH KHXH&NV) cho biết, có nhiều bữa sáng phải uống cà phê trừ bữa. Quán cóc nằm sát trạm xe buýt trước cổng trường là chỗ "đóng đô" của anh suốt bốn năm ĐH. Bây giờ đi làm rồi mới thấy thời ấy cũng lạ, bụng đói meo vẫn ngồi cao đàm khoát luận!

 

Hình như quanh trường ĐH bao giờ cũng có nhiều quán phục vụ túi tiền eo hẹp của sinh viên. Cơm bụi: 4.000đ, ly đen đá: 2.000đ; bánh mì: 2.000-3.000đ… Thiện Chiến, SV năm 2 khoa Xây dựng  sáng sáng trước giờ học vẫn ra vỉa hè ngồi với ly sữa đậu nành: "Mỗi tháng nhà cho 700.000đ. Đầu tháng thì phong độ, cuối tháng phải cân nhắc sữa tươi, cà phê hay bánh mì!"- Chiến cho biết. "Sao cứ phải là quán cóc?- hỏi. Đáp: "Quán cóc giá rẻ. Nợ cũng được".

 

Sinh viên mà!

 

Bảo Huy vừa nhai bánh mì vừa cho biết thêm: "Đây là không gian có thể chia sẻ tình thân - có khi là một bữa ăn sáng, một ly đen hay một kế hoạch, dự định tương lai… Từ đó, những mối quan hệ thân tình hình thành, có khi chẳng vị lợi hay gì cả. Nhưng cứ thử chịu khó đi, ngồi và lắng nghe những dự định và cả những cái máy nổ hoạt động mới thấy rằng sinh viên phải vậy nó mới vui".

 

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
29 người nhận giải "Hướng tới giảng đường” (16/11/2004)
Anh khuyến khích hợp tác giáo dục với nước ngoài (16/11/2004)
Lượng sinh viên tốt nghiệp quốc tế đến Mỹ học giảm (16/11/2004)
Học phí: thế nào là "thu đủ bù chi"? (16/11/2004)
Xã hội hóa giáo dục: Đâu chỉ là góp tiền... (15/11/2004)
Nhiều SV lao đao vì học phí! (15/11/2004)
Toàn văn báo cáo giáo dục của Chính phủ (15/11/2004)
Trường ĐH "đòi" tăng học phí gấp ba lần! (15/11/2004)
Loạt bài "Tăng học phí: nên hay không?" (14/11/2004)
Xã hội hoá giáo dục: Không phải là Nhà nước phó mặc (14/11/2004)
Giáo dục trong cơ chế thị trường: Chọn hướng nào? (13/11/2004)
Công nhận chức danh giáo sư năm 2004 cho 37 người (13/11/2004)
258 giáo viên nhận giải ''P/S bảo vệ nụ cười VN'' (13/11/2004)
Nguy cơ "giành thị phần" của trường ngoài công lập (12/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang