Nên tổ chức thi tuyển "sĩ quan" giáo dục
19:25' 18/11/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Tại hội thảo triển khai chỉ thị của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng nhà giáo (Chỉ thị 40) diễn ra sáng nay, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã gọi cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) là "sĩ quan" của đội quân giáo dục và cho rằng việc chuẩn hóa đội ngũ này là sự khởi đầu có hiệu quả nhất để nâng cao chất lượng giáo viên.

Soạn: AM 199450 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Nguyên PCT nước Nguyễn Thị Bình

Quản lý "tồi" làm đánh rơi nét đẹp tự học!

Theo bà Bình, tất cả những việc hay, dở của nhà trường hoạt động của giáo viên như thế nào, CBQLGD đều biết. Nhưng vì sao những tiêu cực của GD chậm khắc phục, chủ trương Nhà nước không thực hiện nghiêm túc. "Trách nhiệm đó một phần lớn là do sự quản lý lỏng lẻo, thậm chí dung túng, móc ngoặc của CBQLGD".

Hiện nay, không phải là không có những thầy giáo tâm huyết, tận tuỵ với nghề; nhưng phải thừa nhận rằng những tiêu cực xã hội đang lan tràn vào nhà trường. Số giáo viên sa sút phẩm chất, chạy theo đồng tiền, không thấy rõ trách nhiệm quan trọng của mình, không còn yêu nghề có xu hướng ngày càng nhiều. (Nguyên PCT nước Nguyễn Thị Bình)

"Cơ chế quản lý đã không khai thác và phát huy được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của CBQLGD; không phát huy được nhu cầu và động lực bên trong của việc học tập và bồi dưỡng, tạo ra tâm lý an phận thủ thường trong một bộ phận GV, lâu dần, làm mất đi nếp đẹp tự học, tự bồi dưỡng của nhà giáo", ông Nguyễn  Dân Quyền, Chủ tịch Công đoàn GD tỉnh Tiền Giang nhận xét.

Còn theo Chủ tịch công đoàn GD trường ĐH Kinh tế TP.HCM  Trịnh Thị Long Hương, các nhà QLGD của ta hiện nay hầu hết mới chỉ làm công việc "tổng kết thực tiễn" chứ chưa phải làm "quản trị" - một nghề quản lý hẳn hoi. Đồng thời, trong ngành cũng chưa coi trọng vai trò của đội ngũ này - bằng chứng là chỉ thi "giáo viên giỏi" chứ không thi CBQLGD giỏi.

Đề xuất của bà Hương cũng là cách nhìn của nhiều đại biểu Quốc hội trong ngành GD. Tại phiên thảo luận chiều 15/11 vừa qua, đại biểu Hồng Vy (tỉnh Sơn La) từng nêu: hiện nay, CBQLGD ở cơ sở thường có nguồn là những giáo viên giỏi chuyên môn chuyển qua. Tuy nhiên, công tác quản lý lại có những đặc thù khác.

Cũng nhấn mạnh vai trò của CBQLGD, bà Nguyễn Thị Tam Hà,  Hiệu phó trường CĐ Sư phạm mẫu giáo trung ương I đề xuất:nên chăng có một hội đồng thi tuyển để chọn lựa đội ngũ này.

Bà Nguyễn Thị Bình còn nhấn mạnh hơn tới vai trò của đội "sĩ quan" giáo dục: coi việc chuẩn hóa, bồi dưỡng và sử dụng họ là sự khởi đầu có hiệu quả nhất với việc thực hiện Chỉ thị 40.

Dặn dò HS sau lễ chào cờ sáng thứ 2 hàng tuần

Lương GV: bỏ phụ cấp, tính theo thâm niên?

Lương dường như là "câu chuyện bất tận" mỗi khi đề cập tới chuyện đãi ngộ cho giáo viên (GV). Vụ trưởng Vụ Giáo dục (Ban Khoa giáo trung ương), Nguyễn Hữu Bạch so sánh: hiện trong bảng lương mới của Nhà nước, đã có 4 ngành (quân đội, công an, hải quan và thuế) được tính lương theo thâm niên công tác. Tại sao GD luôn được coi là "quốc sách" lại chỉ được tính phụ cấp?

Theo ông Bạch, GV hiện nay ngoài hưởng lương còn thêm một khoản phụ cấp đứng lớp bình quân là 50%. Trong đó, phụ cấp GV ĐH là 30%, THPT là 35%, THCS là 40%, tiểu học là 50% và mầm non là 70%...Nhưng cách tính như vậy là chưa hợp lý, vì thực tế khoản phụ cấp đó chỉ có ý nghĩa hiện thời không được xét vào quyền lợi lâu dài. Có nghĩa: khi đã mãn hạn công tác thì thâm niên cống hiến cho sự nghiệp GD là "âm". Lúc này, lương hưu đối với người  20 năm, 30 năm và lâu hơn nữa cũng chỉ được xét theo thang lương là hoàn toàn không thoả đáng..    

"Xem xét về chính sách đối với GV, nên chăng chúng ta thử tính toán: bỏ chế độ phụ cấp hàng tháng, thay vào đó là xét tăng lương theo thâm niên công tác tăng dần có hợp lý" - ông Bạch nêu.

Đối với những GV trẻ, được đào tạo chính quy cũng chưa hẳn đã đủ trình độ và phẩm chất để đáp ứng yêu cầu chất lượng mới. Do vậy, cần phải có bồi dưỡng thường xuyên là giải pháp để GV cập nhật kiến thức. Trong GD phổ thông cần quán triệt sâu hơn quan điểm "người thầy không chỉ dạy chữ mà còn phải dạy người"

Cần xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu chuyên trách để tham mưu cho Đảng, Nhà nước những chính sách hữu hiệu về đổi mới GD. (Nguyên PCT nước Nguyễn Thị Bình)

Đồng tình với ý tưởng này, bà Lê Thu cho rằng: nếu chủ trương tính lương GV theo thâm niên công tác mà tìm được sự đồng thuận sẽ hợp lý và tốt hơn.

Còn với chủ trương "sàng lọc" GV, Bộ GD - ĐT cần sớm ban hành các tiêu chí đánh giá GV để cơ sở thuận lợi khi thực hiện.

Tuy nhiên, nếu có tiêu chí thì khó hơn vẫn là vận dụng thế nào cho chính xác. Ông Nguyễn Dân Quyền nêu ví dụ, khi tham gia công tác thanh tra, đánh giá GV ở địa phương cho thấy: người tham gia đánh giá và được đánh giá vẫn...quen nể nhau và không trung thực. Kết quả đều đạt khá và tốt. Hay vấn đề dạy thêm - học thêm đặt ra cũng không thể cấm hoàn toàn được, vì đây được coi như một nhu cầu. Thực tế tại địa phương, phụ huynh và học sinh được hỏi đều muốn cho học thêm để bổ sung kiến thức; GV tham gia dạy thêm với nhiều lý do: để bồi dưỡng kiến thức, để phát hiện tài năng...

Dẫu sao, việc sớm có tiêu chí cũng sẽ giúp GV căn cứ vào đó có thể tự so sánh phấn đấu; ngành có kế hoạch sắp xếp bồi dưỡng, sàng lọc đúng đối tượng... Đồng thời, việc đổi mới mạnh mẽ phương pháp, nội dung thì các trường sư phạm phải đi trước một bước; song song với đó là Nhà nước phải có kinh phí đầu tư và chính sách tiền lương hợp lý.

  • Kiều Oanh - Hạ Anh

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thị trường giáo dục: không thể nhắm mắt "học" liều (18/11/2004)
Anh thay đổi tuyển sinh: biết điểm mới nộp đơn xét tuyển (18/11/2004)
"Xuất khẩu giáo dục" cũng được trao giải thưởng (17/11/2004)
Thanh Thảo tặng vé bạn đọc VietNamNet nhân Festival Thầy trò (17/11/2004)
Học bổng sau ĐH tại Hàn Quốc về luật và kinh doanh (17/11/2004)
ĐH Quốc tế: Chỉ 12% SV đủ điểm ngoại ngữ tối thiểu (17/11/2004)
Buổi sáng ở quán cóc sinh viên (17/11/2004)
29 người nhận giải "Hướng tới giảng đường” (16/11/2004)
Anh khuyến khích hợp tác giáo dục với nước ngoài (16/11/2004)
Lượng sinh viên tốt nghiệp quốc tế đến Mỹ học giảm (16/11/2004)
Học phí: thế nào là "thu đủ bù chi"? (16/11/2004)
Xã hội hóa giáo dục: Đâu chỉ là góp tiền... (15/11/2004)
Nhiều SV lao đao vì học phí! (15/11/2004)
Toàn văn báo cáo giáo dục của Chính phủ (15/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang