(VietNamNet) - "Sinh ra và gắn bó trọn cuộc đời trên đất Nhật Tân, huyện Kim Bảng, thị xã Hà Nam, tôi hiểu hoàn cảnh nơi đây như chính bản thân mình vậy" – ông Lê Mạnh Đạt đã khẳng định như vậy khi bắt đầu câu chuyện…
Năm nay tròn 67 tuổi nhưng, những cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” nơi ông không tính nổi. Từ năm 1960 đến 1982, ông là giáo viên trường THCS Nhật Tân; từ năm 1982 đến nay, ông tham gia công tác xã hội tại địa phương như: dạy bổ túc văn hoá cho cán bộ địa phương, phụ đạo học sinh kém… không lấy thù lao.
Với ông, 44 năm không nhiều thăng trầm nhưng đầy ắp kỷ niệm đáng nhớ. Ông kể: trước năm 1985, quê tôi nghèo đủ thứ. Năm 1993, toàn xã Nhật Tân có đến 1 vạn dân (đông nhất huyện Kim Bảng) mà ruộng có chưa đến 1 sào Bắc bộ. Từ đó, với kinh nghiệm 22 năm đứng trên bục giảng, tôi nẩy ra ý nghĩ “nếu không phát triển giáo dục mà chỉ trông vào làm ruộng thì không sống được. Và con đường duy nhất để thoát nghèo là phải học!”. Vậy là ông bắt đầu thực hiện ý tưởng cùng với một số cụ đã nghỉ hưu tham gia vận động các cháu đến “lớp học”. Thậm chí, các cụ còn tiến hành "phân luồng" giúp các cháu: Đối với học sinh khá thì định hướng ôn tập vào ĐH, CĐ; thấp hơn là phải dạy cho các cháu học nghề.
Lớp học nghề do một số cụ có nghề (mây tre đan, sơn mài xuất khẩu, đồ mộc mỹ nghề, khảm trai…) đứng ra mở tại địa phương. Lớp học không thu tiền nên nhanh chóng thu hút được trên 5.000 lao động chính phụ vừa học vừa làm, với mức lương trung bình từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng/ tháng.
Cùng với đó, được Hội Khuyến học tỉnh và huyện cho phép, lớp ôn thi ĐH cũng được thành lập. Việc lên lớp, các cụ vận động giáo viên THPT địa phương đảm nhận dạy không lấy thù lao. Trong mùa thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2004, lớp học có 25 em ôn thi thì có tới 21 em đậu, trong đó 14 em đỗ vào ĐH, 7 em vào CĐ.
Kể đến đây, ông Đạt không giấu nổi niềm phấn chấn: "Tôi mừng lắm chị ơi! Chuyển biến lớn nhất ở địa phương tôi đến bây giờ có thể thấy nhìn thấy là cả cháu trai và cháu gái đều được đi học đến hết cấp III. Cách đây 10 năm, chuyện cháu gái học hết cấp III là rất hiếm, do tư duy “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn hằn sâu trong suy nghĩ của mỗi người dân".
Thời đó, do làng có sẵn nghề dệt truyền thống, nên các cháu gái chừng 14, 15 tuổi là phải nghỉ học đi làm. Đến nay thì khác, suy nghĩ của mỗi người dân vùng quê đồng bằng chiêm trũng này đã hiện đại hơn, các cháu sinh ra đều được tạo mọi điều kiện tới trường. Giờ, Nhật Tân từ chỗ nghèo nàn, lạc hậu nhất nay đã dẫn đầu huyện Kim Bảng cả về kinh tế và mặt bằng dân trí.
Ông Đạt cho biết, khoảng 4 năm nay tổng số học sinh theo học ở trình độ cao hơn là 76 cháu. Trong đó, vào ĐH là 29 cháu, 17 cháu đỗ CĐ và 30 cháu học trung cấp. "Đây là điều khiến tôi như trẻ lại và mong ngày càng có nhiều sức lực để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Cho dù, công việc vận động các cháu đến lớp có vất vả đến nhường nào, miễn sao các cháu đến lớp đông đủ. Đến nay, hầu hết người dân địa phương đã "ngấm" suy nghĩ: "muốn giàu thì phải đi học và phải cố gắng học thật giỏi”. Và chỉ có con đường duy nhất thoát nghèo là phát triển nghề. Chúng tôi quan niệm học ĐH cũng là học nghề.
44 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, thì có đến một nửa thời gian - 22 năm ông miệt mài với công việc xuất phát từ lương tâm không chút vụ lợi, không một đồng lương. Có tới 7 người con, mặc dù cuộc sống kinh tế khó khăn, nhưng ông Đạt đều định hướng cho học hết phổ thông. Duy nhất một người đã tốt nghiệp CĐ Công nghệ thông tin.
Được chọn là Người cao tuổi có nhiều đóng góp trên lĩnh vực khoa học, giáo dục, công nghệ và y tế tham dự hội nghị biểu dương tại Hà Nội hồi tháng 10 vừa qua có lẽ là "thành tích" đáng kể nhất được của ông giáo vùng chiêm trũng này.
Khi tôi hỏi, trong 22 năm làm công tác xã hội có gặp khó khăn gì không?, ông cười: "Tôi rất hài lòng vì thế hệ con cháu hôm nay rất có chí học và quyết tâm trên con được học vấn. Bà xã tôi cũng luôn động viên và giúp đỡ tôi hoàn thành tốt công việc… Tôi chỉ có duy nhất một băn khoăn và kiến nghị với Nhà nước: phải xem xét để sớm có chế độ chính sách đối với các Trung tâm học tập cộng đồng. Hiện nay, hoạt động của các Trung tâm đang trong tình trạng không có kinh phí, nên gặp rất nhiều khó khăn…".
-
Kiều Oanh
(VietNamNet) - "Tôi làm hiệu trưởng, tôi làm giáo viên, tôi làm bảo vệ và tôi tự trả lương cho mình...". Đây là lời tâm sự giản dị và chân thành của cô giáo Đỗ Thị Thoa (thị xã Sơn Tây, Hà Tây), người đã đưa từng cái chữ đến với hơn 30 trẻ khuyết tật trong hơn 10 năm qua.