VietNamNet vừa nhận được thư của một SV ngành Kỹ sư hóa từ Cộng hòa Hungary phản ánh tình trạng khốn khổ vì mức học bổng của đề án đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (đề án 322).
Hiện nay, 15 LHS Việt Nam học tập tại CH Hungary theo diện đề án 322 đang được hưởng mức học bổng 122 USD/tháng/người. Học bổng nhận được quá thấp so mức chi tiêu dành cho đời sống bình quân 1 người/tháng tại đây, khi mà giá cả sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, đồng USD trượt giá (năm 2000, 1USD ăn 300 phô-rin tiền Hung, hiện nay 1 USD chỉ đổi được 200 phô-rin).
Sau khi trừ đi những khoản chi phí cố định hàng tháng (tiền thuê xá túc xá dao động từ 30 đến 40 USD/tháng, tiền vé tàu xe để đi lại 10 USD/tháng) , thì số tiền còn sót lại từ 122 USD chẳng đủ để các LHS nói trên trang trải những sinh hoạt thiết yếu nhất nhiều hơn 2 tuần, dù rằng mọi người đã rất cố gắng tằn tiện.
122 USD/tháng là con số ”không thể hiểu nổi” vì cách đây nhiều năm, Bộ GD-ĐT đã có quy định rất rõ ràng: ”Mức sinh hoạt phí khác nhau ở từng vùng: các nước Nga, Thái Lan, Đông Âu, châu Á: 250 USD/tháng; các nước Australia, New Zealand: 500 USD/tháng; các nước Tây Âu: 630 USD/tháng. Hoa Kỳ, Anh, Canada, Nhật Bản: 780 USD/tháng ”.
Tháng 9/2003, tập thể 15 LHS nói trên đã có văn bản gửi đến Bộ GD-ĐT để kiến nghị tăng mức sinh hoạt phí. Nhưng sau hơn 1 năm vẫn chưa có bất kỳ hồi âm nào từ ban điều hành đề án 322.
Để có đủ kinh phí học tập, sinh hoạt, một số người phải cầu viện gia đình hoặc đi làm thêm như bán hàng , rửa bát , trông trẻ…Cũng xin nói thêm, kiếm được việc làm thêm ở Hungary chẳng phải là điều dễ dàng gì. Công việc khi có khi không, tiền lương thấp (2 – 2.5 USD/giờ) lại yêu cầu phải làm nhiều giờ liên tục (8-10 tiếng/ngày) đã ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập. Có ý kiến cho rằng: ”Để kiếm thêm vài trăm USD mỗi tháng, SV Việt Nam có thể làm hỏng số tiền đầu tư hàng chục nghìn USD của Nhà nước vào mình. Sinh hoạt phí thấp tưởng là tiết kiệm mà không tiết kiệm”.
Được Nhà nước tuyển chọn và gửi đi đào tạo ở nước ngoài là niềm tự hào của nhiều SV Việt Nam – những người có kết quả học tập tốt tại các trường ĐH trong nước. Nhưng vẫn còn không ít người trong số họ cảm thấy quá tủi cực vì mức đãi ngộ hàng tháng nhận được thấp hơn nhiều so với mức sống tại đất nước bản địa.
-
Tưởng Bình Minh (SV ngành Kỹ sư hóa , đại học Veszprém, CH Hungary)