Trong một thời gian dài, người Ý đã lờ đi việc tiếng Anh được sử dụng làm ngôn ngữ chung trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu. Họ nghĩ rằng, họ có thể giao tiếp với người nước ngoài qua các cử chỉ bằng tay.
Nhưng cuối cùng, người Ý đã nhận ra một thực tế rằng, tiếng Anh rất cần thiết để tìm được những công việc tốt và có thể giúp học sinh vào học tại các trường ĐH có uy tín. Bởi vậy, họ đang đua nhau đăng ký học tại các trường ngôn ngữ mới mở, tranh thủ học ở nhà hoặc cơ quan. Đặc biệt, một số phụ huynh đã đặt chỗ cho con cái họ ở các khu cắm trại ở Anh, Ai-len và Scotland vào kỳ nghỉ với mục đích nâng cao tiếng Anh.
"Nếu người Italia không học tiếng Anh, họ sẽ phải chịu số phận bi đát", Marco Incerti, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu ở Brussels, Bỉ, nói. Marco Incerti cho biết, tại văn phòng công chức và chính trị của 25 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu ở Brussels, tiếng Anh là ngôn ngữ được mọi người dùng.
Cách đây 8 năm, Ilaria Sasso, người Ý đến Rome đã cảm thấy thực sự tiếng Anh là một vách ngăn khi đến sống với một gia đình ở Anh để cải thiện thứ tiếng cô học được ở trường: "Có 2 đứa trẻ Nga nói tiếng Anh tốt hơn tôi và một đứa trẻ Thổ Nhĩ Kỳ nói tiếng Anh nhanh đến mức tôi không theo kịp", Sasso nhớ lại. "Tôi thấy rằng, tiếng Anh là thứ đầu tiên các nhà tuyển dụng yêu cầu. Mọi người sẽ nhận rõ điều này".
Ý là nước xếp thứ 15 về phần trăm số người nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 ở châu Âu với 28%. Các nước có số người nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 nhiều nhất là Đan Mạch (79%), Thuỵ Điển (76%) và Hà Lan (75%).
Phần lớn các nước mới gia nhập Liên minh châu Âu là các nước Đông Âu. Ở các nước đó, việc nâng cao tiếng Anh để có cuộc sống tốt hơn đã được coi trọng cách đây nhiều thập niên. Nhiều trường ĐH trong các nước thuộc Liên minh châu Âu (không kể đến nước Anh) hiện tại đã tổ chức các chương trình thạc sĩ bằng tiếng Anh.
Người Ý đang làm điều họ có thể làm được để rút ngắn khoảng cách về ngôn ngữ. Luciano Cacciamani đã học tiếng Anh bằng cách sang Mỹ làm thêm nhân kỳ nghỉ hè để có cơ hội nói chuyện bằng tiếng Anh với nhân viên và khách hàng ở chỗ làm việc. "Bạn phải sang nước ngoài để học tiếng Anh cho tốt", Cacciamani nói. Luciano Cacciamani từng học tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha trong trường học và hiện là một dịch giả.
Trong khi tiếng Anh đã được dạy trong các trường công của Ý và năm ngoái đã trở thành môn học bắt buộc, nhiều sinh viên (SV) vẫn kêu ca rằng họ không thể nói tiếng Anh. Giám đốc trung tâm giảng dạy của Hội đồng Anh, Anna Searle cho biết, các cuộc hội thảo giúp giáo viên có được biện pháp tốt hơn trong việc giảng dạy tiếng Anh hiện đang phổ biến ở Ý.
Hiện tại, "tiếng Anh nói" được nhiều học sinh theo học nhất tại trung tâm Anh quốc, một trung tâm có 4 trường học ngôn ngữ ở Rome và có quảng cáo trên các xe buýt của thành phố. Trung tâm này thành lập cách đây 5 năm với 40 SV nhưng giờ đã có 3.500 SV. "Họ là những SV ĐH muốn theo học các chương trình thạc sĩ hoặc muốn qua được các cuộc phỏng vấn xin việc bằng tiếng Anh. Họ là những doanh nhân muốn nâng cao sự nghiệp hoặc muốn theo kịp với cộng đồng châu Âu", bà Daniela Moretti, Giám đốc trung tâm cho biết.
(Việt Hằng - Theo AP)