(VietNamNet) - GS ở các nước phát triển có mức lương tháng tối thiểu là 3.000 USD, trong khi lương tối đa của GS Việt Nam là 200 USD. Nếu đánh giá chất lượng GS của Việt Nam kém thì thử hỏi trả 200 USD mỗi tháng cho GS của Đức, Mỹ, Anh thì sẽ thu về cái gì từ họ? Và họ có làm bằng GS Việt Nam không? Trong khi GS của Việt Nam mỗi tháng chỉ nhận được 200 USD mà họ làm được rất nhiều việc...
GS Đỗ Trần Cát: "Chất lượng của bỏ phiếu kín phụ thuộc vào chất lượng Uỷ viên Hội đồng. Nếu Uỷ viên là những người luôn có định kiến cá nhân, không công tâm, không khách quan… thì sẽ không công bằng..." |
GS Đỗ Trần Cát, Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước về Chức danh Giáo sư (HĐCDGSNN), đã nói vậy khi trao đổi với VietNamNet về nội dung sửa quy định mới về việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS (Nghị định 20).
Chưa thể để GS, PGS hưởng ngạch lương riêng!
- Thưa GS, hồi đầu năm, khi đề cập đến việc hoàn thiện dự thảo về chế độ, chính sách cho GS, PGS đã có đề xuất chức danh này được hưởng ngạch lương riêng. Đến nay tình hình như thế nào?
- GS Đỗ Trần Cát: Câu hỏi này, tôi không trả lời. Bởi vấn đề lương chắc là không ở tầm Nghị định. Hiện nay, Nhà nước đang làm lương mới thì phải theo quyết định đó.
- Nếu vậy thì có ảnh hưởng gì đến cái gọi là "đãi ngộ" người giỏi?
- Có lẽ về mặt quan điểm, những người lãnh đạo cũng muốn GS, PGS có một mức lương thích hợp, xứng đáng. Nhưng thực tế lại khác vì lương là vấn đề rất khó giải quyết. Cũng có nhiều ý kiến không thật nhất trí về vấn đề GS, PGS hưởng ngạch lương riêng. Cho nên cũng phải có thời gian xem xét và điều chỉnh từng bước. GS, PGS không tách khỏi vấn đề chung của giáo dục (GD), và GD cũng không tách khỏi vấn đề chung của đất nước. Cho nên chuyện lương cũng không thể nóng vội được.
- Như Hội đồng đánh giá, theo các văn bản pháp lý hiện hành, việc bãi miễn chức danh GS, PGS đặt ra còn rất sơ lược và yếu. Vậy hướng đề xuất chỉnh sửa Nghị định 20 sẽ như thế nào?
Chúng tôi sẽ cố gắng đưa thêm một chương nữa nếu như sửa lại Nghị định về nhiệm vụ, quyền lợi và quyền hạn của GS, PGS. Đây là dự kiến còn được hay không nó còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề…
Trả 200 USD/tháng thì chỉ có GS, PGS tiêu chuẩn "của ta" thôi!
- Đã có luồng dư luận cho rằng tiêu chuẩn, tiêu chí GS, PGS của ta đặt ra còn thấp và thiếu cơ sở khoa học. Trả lời phỏng vấn một tờ báo, ông cũng khẳng định “nếu đem các tiêu chuẩn quốc tế của các nước phát triển thực hiện cho các GS, PGS ở Việt Nam thì có đến 80% không đạt”. Điều này nên hiểu như thế nào đây?
- Các GS, PGS được công nhận đạt các tiêu chuẩn của Việt Nam, nhưng so với các tiêu chuẩn của các nước phát triển thì không đạt. Tôi được biết, tiêu chuẩn của họ cao hơn. Chẳng hạn như: một bài báo họ yêu cầu phải được đăng trên tạp chí có uy tín thế giới. Nếu đưa yêu cầu này đối với các GS, PGS ở Việt Nam thì rất nhiều người không đạt.
Tuy nhiên, mình không thể yêu cầu cao như họ được. Bởi hiện nay, nói chung văn hoá còn thấp, kinh tế thấp, trình độ sinh viên đòi hỏi cũng ở mức thấp… Và yêu cầu đối với GS, PGS không thể vượt quá khả năng của họ, nếu chúng ta cũng yêu cầu như nước ngoài thì sẽ không có GS và PGS. Mà nếu không có đội ngũ này sẽ không đào tạo được ĐH.
- Nói như vậy thì tiêu chuẩn xét công nhận GS, PGS của ta đúng là... "chẳng giống ai"?
- GS ở các nước phát triển như châu Âu hoặc châu Mỹ có mức lương tối thiểu là 3.000 USD/ tháng, trong khi lương tối đa của GS Việt Nam là 200 USD/tháng. Nếu đánh giá chất lượng GS của Việt Nam kém thì thử đặt hỏi GS của Đức, Mỹ, Anh… mỗi tháng trả 200 USD thì sẽ thu về cái gì từ họ? Và họ có làm bằng GS Việt Nam không? Trong khi GS của Việt Nam mỗi tháng chỉ nhận được 200 USD mà họ làm được rất nhiều việc.
Chỉ cần biết tiếng Anh để hội đồng dễ làm việc!
- Tại hội thảo góp ý sửa Nghị định 20, có ý kiến đề xuất việc xét công nhận chức danh này nên làm 2 năm/lần, lại có ý kiến bảo: 2 lần/năm. Theo ông thì thời gian nào là hợp lý?
- Việc xét công nhận chức danh GS, PGS vẫn nên tiến hành hàng năm. Mỗi năm xét một lần để tránh hiện tượng chạy giờ dạy.
Phát triển xây dựng đội ngũ là quá trình thường xuyên. Hàng năm đều có người về hưu chứ có phải ba-bốn năm mới cho về hưu một lần đâu. Với mỗi ứng viên, để được công nhận các chức danh trên là cả một quá trình phấn đấu. Chất lượng GS, PGS không phải là thời gian dài hay ngắn, mà bởi việc xét công nhận có nghiêm túc, đúng tiêu chuẩn hay không.
- Nói là nghiêm túc, thế thì tại sao đã quy định “cứng” là ứng viên phải có trình độ ngoại ngữ thành thạo lại còn có “các trường hợp khác có thể xem xét”?
- Trong quy định cũng đưa ra, đối với những trường hợp cần thiết thì Hội đồng vẫn đem ra xem xét. Thực tế, cũng có những người học ở nước ngoài thật nhưng ngoại ngữ không thành thạo cũng không phải xem xét…
- Đây có phải là kẽ hở để cho những người không đủ tiêu chuẩn có “cơ hội” thăng tiến?
- Không. Vì thế này, hầu hết anh em thí dụ đã học ĐH ở Liên Xô trước đây thì đều biết tiếng Nga, nhưng cũng có một số không biết hoặc lâu ngày không sử dụng nên quên.
Cá nhân tôi cho rằng việc xét công nhận GS, PGS nên tiến tới một thứ tiếng là tiếng Anh. Một là nó phổ cập hiện nay; hai là thuận lợi cho Hội đồng. Chỉ một thứ tiếng thì việc kiểm tra cũng thuận lợi hơn. Nếu nhiều thứ tiếng quá thì Hội đồng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề kiểm tra.
Ngành phát triển chậm thì tiêu chuẩn nhẹ hơn
- Từ kết quả của các đợt công nhận GS, PGS gần đây, có thể thấy trống vắng những GS, PGS ở độ tuổi dưới 40. Vậy lần sửa đổi Nghị định này đã đặt vấn đề “trẻ hoá” đội ngũ GS, PGS như thế nào?
- Vấn đề nguồn tuyển thiếu không chỉ có ở vấn đề trẻ, mà nó nằm trong một phạm trù rộng hơn. Hiện nay chúng ta muốn có đội ngũ GS, PGS có chất lượng cao như thế giới, như các nước phát triển thì phải đề ra những tiêu chuẩn cao hơn. Và nếu đưa tiêu chuẩn cao lên thì lại không có nguồn tuyển, chẳng cứ trẻ mà kể cả già cũng không có. Nếu áp dụng những tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện hiện nay của Việt Nam thì người ta lại kêu chất lượng đội ngũ GS, PGS thấp… Cho nên hướng điều chỉnh cần phải dung hoà giữa tiêu chuẩn và thực thi.
- HĐCDGSNN cũng có đề xuất nghe có vẻ khá "thoáng" là giao quyền bổ nhiệm chức danh GS, PGS cho cơ sở đào tạo. Liệu việc này có đảm bảo trung thực và công bằng?
- Chúng tôi không đề nghị cơ sở công nhận mà chỉ thực hiện chức năng bổ nhiệm thôi. Bổ nhiệm trên cơ sở những người đã được Hội đồng công nhận đã đủ tiêu chuẩn. Và như vậy sẽ có một loại chức danh, là bổ nhiệm mới được chức danh. Còn khi công nhận mới đạt tiêu chuẩn chứ chưa đạt chức danh. Hiện nay có hai loại: một loại được công nhận và một loại được bổ nhiệm. Không có nước nào làm như vậy.
- Nhiều ý kiến cho rằng: việc xét công nhận chức danh GS, PGS “chất phải đồng chất”. Nghĩa là, quy trình, phương thức xét duyệt có thể thay đổi nhưng chất không được thay đổi?
- Chúng tôi đang có gắng thực hiện như vậy nhưng rất khó. Lý do khách quan là các ngành nghề chúng ta phát triển không đồng đều. Có những ngành phát triển sớm nên rất mạnh như ngành: toán, lý, hoá, sinh học, khoa học cơ bản…
Bên cạnh đó, một số ngành khoa học xã hội thì phát triển chậm hơn thì khó có thể đòi hỏi đồng đều được. Và nếu xét đồng đề thì những ngành phát triển chậm hơn không thể có GS… Do vậy, đối với một số ngành về tiêu chuẩn đặt ra cũng nhẹ hơn.
- Xin cảm ơn GS!
-
Kiều Oanh (thực hiện)
(VietNamNet) - Sau ba năm thực hiện theo quy định mới (Nghị định 20), việc công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS đang được "điều chỉnh" để việc tôn vinh giá trị GS, PGS thực chất hơn. Tại hội thảo góp ý về những sửa đổi của Nghị định 20 diễn ra hôm nay (27/11), đã có nhiều ý kiến đóng góp cụ thể để hoàn thiện công tác này.
Trao quyền bổ nhiệm giáo sư cho trường ĐH
(VietNamNet)
- Sáng nay, Hội đồng chức danh GS Nhà nước (HĐCDGSNN) đã có buổi họp tổng kết 3 năm thực hiện quy chế mới về công nhận GS, PGS. Trong 3 đề xuất chung và 9 kiến nghị sửa đổi cụ thể Nghị định 20 - văn bản pháp lý quy định công nhận chức danh GS, PGS - Hội đồng đã nêu ý kiến giao quyền bổ nhiệm GS, PGS cho cơ sở giáo dục.