(VietNamNet) - "Chưa có hội thảo giáo dục nào mà người dự "bám trụ" cả ngày và tranh nhau bày tỏ ý kiến như hôm nay" - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long nhận xét về buổi góp ý của gần 100 giảng viên trẻ của các trường ĐH cho đề án "đổi mới giáo dục ĐH" diễn ra cả ngày hôm nay, 3/12.
Cần phải có một đề án chi tiết đổi mới GDĐH - các đại biểu dự hội thảo đều cho đây là chuyện cần thiết. Đề án đổi mới đó phải hoàn chỉnh về hệ thống GDĐH hiện đang còn nhiều yếu kém, bất cập; phải có những giải pháp cụ thể triển khai trong thực tiễn cho từng giai đoạn 5 năm, 10 năm, hoặc 20 năm với sự đồng thuận của xã hội để làm sáng tỏ những quan niệm về GDĐH trong bối cảnh kinh tế xã hội đầy biến động hiện nay...
Theo giảng viên Nguyễn Việt Anh, trường ĐH Xây dựng Hà Nội, khá nhiều nội dung trong dự thảo đề án chưa được quy định rõ. Cụ thể, đề án chưa thể hiện sự liên kết với các bộ, ngành... có sử dụng nguồn nhân lực đào tạo. Bên cạnh đó, trong quá trình đổi mới tiến tới hội nhập, Đề án cũng cần xác định mô hình GD ĐH ngay từ đầu... Tính pháp lý của Đề án cũng phải được xác định.
Ý kiến được nhiều đại biểu kiến nghị là: phải định hướng việc Nghiên cứu khoa học trong các trường, bởi tất cả các trường ĐH đều có tiếm năng trong việc nâng chất lượng giáo dục. Đề án không nên "khoanh vùng" tập trung đầu tư NCKH cho các trường ĐH trọng điểm và ĐH học vùng... Như vậy là "vô hình chung" loại các trường ĐH khác khỏi guồng chạy trong việc đổi mới nâng cao chất lượng giảng dạy.
Giảng viên ĐH QG Hà Nội, Nguyễn Đình Đức bức xúc, với gần 20 năm thâm niên trong nghề "chúng ta nói đổi mới GD ĐH Việt Nam, nhưng về cơ bản mới chỉ thiên về vấn đề quản lý là nhiều".
Theo Phó vụ trưởng Vụ ĐH và SĐH (Bộ GD-ĐT) Trần Thị Hà, hội thảo này là sự tiếp nối các ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và các nhà giáo từ hai cuộc hội thảo trước được tổ chức ở phía Bắc và phía Nam. Sau đó, sẽ tập hợp thành đề án hoàn chỉnh, dự kiến đưa vào triển khai vào tháng 1/2006
Các đại biểu đã chia thành 3 nhóm, thảo luận về các vấn đề: Cơ cấu hệ thống GDĐH, bối cảnh trong nước và quốc tế; Tuyển sinh, nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy - đào tạo. Nghiên cứu khoa học, gắn kết thị trường và Kiểm định chất lượng. Và vấn đề Xây dựng phát triển đội ngũ. Cơ chế tài chính và XHH giáo dục đào tạo...
VietNamNet sẽ thông tin tới bạn đọc tiếng nói của những giảng viên trẻ về nội dung này.
-
Kiều Oanh