(VietNamNet) - Tháng 9/2004, Chính phủ có chủ trương cho phép thành lập thí điểm một số trường ĐH tư thục, chuyển trường công lập sang ngoài công lập. Đây là một xu thế phù hợp theo tinh thần "không bao cấp tràn lan trong giáo dục". Trước mắt, Bộ GD-ĐT đang tiến hành việc chuyển các trường bán công sang tư thục.
Bà Bùi Trân Phượng |
Bài toán chuyển các trường ĐH, CĐ bán công sang trường tư khá phức tạp lại đang được một trường CĐ hăng hái làm. Đó là trường CĐ bán công Hoa Sen (TP.HCM). Đồng thời với việc chuyển đổi này, trường cũng nộp đề án nâng cấp lên hệ ĐH. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Hiệu trưởng nhà trường Bùi Trân Phượng.
- Bà có thể cho biết, tỷ lệ góp vốn "công - tư" của trường CĐ Bán công Hoa Sen?
- Cả nước có 6 trường ĐH, CĐ bán công nhưng chẳng trường nào giống trường nào. Khi mới thành lập, Hoa Sen là trường không có vốn Nhà nước. Cũng không giống nhiều trường dân lập nở rộ sau này. Lúc đó trường có vốn của công ty SCITEC.
Trường tự chủ tài chính từ khi thành lập (1991). Lúc đó, thuê 2 dãy nhà của trường Trung học sư phạm với giá ưu đãi trong 5 năm, công ty SCITEC đầu tư chi phí, UBND TP.HCM thì hứa đầu tư 1 tỷ đồng, trừ dần vào tiền thuế đóng cho Nhà nước. Nhưng lời hứa đó không thực hiện được.
"Đừng đóng cửa tự so với chuẩn của mình mà phải so với chuẩn quốc tế để biết đang ở đâu (so một cách bình thản, tự tin và trung thực). Gắn mình với xã hội, đào tạo ra người làm việc được, thực sự hữu dụng chứ đừng nói chỉ cần đào tạo ra có trình độ..." |
Sau này, UBND TP trả công ty SCITEC 2/3, còn 1/3 trường trả có tính lãi theo lãi suất ngân hàng. Sau khi hết hạn thuê nhà, UBND TP đã cấp cơ sở 8, Nguyễn Văn Tráng cho trường và chuyển thành trường bán công.
- Kể từ đó thì trường đã có chuyển động như thế nào?
Từ khi có Nghị định 73 của Chính phủ về xã hội hóa giáo duc, trường xin xác định nguồn vốn nhà nước giao cho để thuận lợi cho việc huy động vốn ngoài nhà nước. Quá trình này kéo dài 4-5 năm, trường đã làm kiểm toán theo hướng dẫn của Sở Tài chính và hồ sơ bị “đứng” tại đó.
Sau đó trường làm hồ sơ xin nâng cấp trường, về chuyên môn đề án được cấp trên đánh giá tốt nhưng vẫn bị ách tắc về tài chính.
Một số người quan niệm: CĐ Bán công Hoa Sen giống lớp bán công trong trường công ở TP.HCM, hay như trường THPT bán công. Nhưng thực tế các trường bán công kia, vốn là trường công do Nhà nước đầu tư và quản lý toàn diện, chỉ dùng học phí để trả lương. Còn trường Hoa Sen từ khi thành lập đã tự chủ; Ban Giám hiệu tự tuyển người, tự trả lương, tự ký hợp đồng với giảng viên và nhân viên… chủ động tài chính và các việc khác.
Nếu Nhà nước chỉ hỗ trợ về đất và cơ sở vật chất ban đầu rồi để cho trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Nhà nước chỉ buộc trường bảo toàn vốn nhà nước giao, thì mô hình bán công không phải là không khả thi, không hiệu quả.
Tiếc rằng không như vậy, vốn giao của Nhà nước không rõ ràng, không được định giá và do có vốn Nhà nước nên một số cấp quản lý coi trường như trường công lập hoàn toàn. Vì vậy, khi có chủ trương của Chính phủ chuyển sang tư thục, chúng tôi hoàn toàn tán thành.
Thủ khoa ngành thư ký văn phòng khóa tốt nghiệp năm 2004 của trường. Ảnh: TTO |
- Thưa bà, một trong những "mắc mớ" khi chuyển trường bán công thành trường tư thục là vấn đề chuyển đổi quyền sở hữu. Vậy ở trường dự kiến xử lý vấn đề này ra sao?
Khi chuyển sang tư thục, trường có thuận lợi là tài chính rất rõ ràng minh bạch. Sổ sách kế toán của trường hiện nay rất rõ ràng, vốn Nhà nước khoảng 6 tỷ, còn lại vốn tự phát sinh, xin viện trợ là của nhà trường. Hiện trường mọi cái đã kiểm toán rõ ràng, chỉ có điều bây giờ Nhà nước đang định giá lại tài sản nhà và đất. Nếu định giá cao, trường không có tiền mua lại mà chỉ xin thuê lại cơ sở để dùng mà thôi.
Theo tôi, chuyển sang tư thục chỉ cần rút nguồn vốn Nhà nước ra khỏi nguồn vốn chung của nhà trường và cơ sở này Nhà nước cho nhà trường tiếp tục sử dụng và trả tiền thuê nhà.
- Nói như vậy thì trường đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chỉ chờ Nhà nước ban hành các văn bản pháp quy như quy chế trường tư thục hay hướng dẫn chuyển đổi trường bán công?
- Để trở thành tư thục thì phải đủ sức tự chủ về tài chính. Điều này thì trường đã làm từ lâu. Điều duy nhất trường mong mỏi là được ưu đãi về quyền sử dụng đất vì nếu nguồn vốn chôn hết vào đất với nhà thì rất khó dồn sức đầu tư cho chất lượng.
Nếu không được hỗ trợ về đất và nhà, các trường tư khó phát triển. Còn được hỗ trợ thì phải minh bạch rõ ràng: trị giá đất và nhà là bao nhiêu và giao cho trường bảo quản ra sao...
Theo điều 7, dự thảo thay thế Nghị định 73/1999/NĐ-CP thì “các cơ sở công lập, bán công được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển sang cơ sở dân lập, tư nhân, doanh nghiệp được tiếp tục quản lý và sử dụng phần tài sản do Nhà nước đã đầu tư (kể cả đất và tài sản trên đất), theo hình thức thuê cơ sở vật chất của Nhà nước. Phần tài sản của Nhà nước được kiểm kê, đánh giá lại theo quy định để cho thuê theo giá ưu đãi. Cơ sở ngoài công lập được ký hợp đồng tiếp tục thuê tài sản của Nhà nước, hoặc ưu tiên mua tài sản đó để chuyển thành sở hữu tư nhân (trong trường hợp có nhu cầu). Đối với đất khi không có nhu cầu sử dụng phải trả lại cho Nhà nước….” |
- Bà có thể cho biết khi trường chuyển sang tư thục thì việc xử lý tài sản công sẽ như thế nào?
- Theo tôi không khó thực hiện. Nhưng theo cách làm của một số cấp quản lý thì có thể rất khó và kéo dài. Nếu như điều 7 dự thảo thay thế Nghị định 73/1999/NĐ-CP được thực hiện đúng thì tốt lắm rồi. Điều mà chúng tôi băn khoăn là có thực hiện được như vậy không.
Xử lý tài sản công như thế nào để tạo điều kiện cho trường phát triển chứ không phải để ngồi “tính tới tính lui”.
Nói chung, với các trường ngoài công lập, ngay từ đầu khi tính giá nhà đất đã nếu không hợp lý sẽ giống như “trói” hết tay chân. Mong muốn của chúng tôi là đừng có những ràng buộc không cần thiết và kiểm soát cho đúng chỗ cần kiểm soát.
- Khi chuyển từ bán công sang tư thục, và nhất là đề xuất nâng cấp lên ĐH, liệu trường có dự kiến về một mô hình đào tạo nào khác biệt không?
Mỗi trường có cách làm và chọn lựa của mình. Có nhiều trường đến đây, chúng tôi đã chia sẻ hết kinh nghiệm nhưng không phải ai cũng thích. Chúng tôi chủ trương đầu tư đúng mức để bảo đảm chất lượng đào tạo, không phô trương.
Mình phải từng bước tạo ra sự thoải mái cho giảng viên để họ có thể sáng tạo. Ở đây, chúng tôi cố gắng để người lao động thấy thu nhập của mình được nâng lên. Còn những thời điểm khó khăn thì cùng "thắt lưng buộc bụng". Trong suốt thời gian trả nợ cho công ty SCITEC, trường thông báo toàn thể nhân viên ngưng tăng lương để trả nợ. Bây giờ, khi chuyển thành ĐH, trường vay tiền ngân hàng để phát triển cơ sở vật chất và công bố với giảng viên, nhân viên: trong một số năm phải chấp nhận cái giá của sự đầu tư; chủ yếu chỉ cố gắng chạy theo trượt giá.
- Xin cảm ơn bà!
- Cam Lu (Thực hiện)
Đón đọc: "Giáo dục có thể xem là một thị trường đặc biệt" - trao đổi với tiến sĩ đầu tiên làm luận án về mối quan hệ tài chính và giáo dục.