221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
552204
Bệnh làng nhàng...
1
Article
null
Bệnh làng nhàng...
,

(VietNamNet) - Bệnh gì vậy? Xin thưa đó là "bệnh" không quy tụ và sử dụng nhân tài đúng chỗ hiện đang rất phổ biến trong các tổ chức, cơ quan của ta hiện nay.

Các sinh viên Kiến trúc đạt giải thưởng Loa Thành năm 2004

Trong hai ngày 3 và 4/12, tại Hà Tây, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, tạp chí Văn hiến, báo Sức khỏe và đời sống đã tổ chức hội thảo "vấn đề tài năng trong thời đại ngày nay".

"Cách đây mấy năm tôi được nghe trình bày một dự thảo về chính sách đối với trí thức, trong đó bắt đầu đưa ra một định nghĩa khá chặt chẽ về trí thức, đến mức nhiều người ngồi nghe, trong đó có tôi, không dám chắc mình có được coi là trí thức hay không. Cuối cùng thì bản dự thảo cũng phải xếp lại. GS Hoàng Tuỵ mở đầu khá hài hước - "Từ kinh nghiệm ấy, tôi nghĩ ta không nên mất thì giờ tìm định nghĩa về "người tài", mà nên bàn thẳng vào vấn đề".

Vậy là, chuyện người tài, dưới cái nhìn của các đại biểu trở thành câu chuyện tuyển chọn và sử dụng cán bộ.

Nhân tài bị "kẹt" do thủ trưởng

Trong 40 tham luận gửi tới hội thảo, có không ít đại biểu "đồng thanh tương ứng" nhấn mạnh vai trò của người lãnh đạo đối với việc phát hiện và sử dụng nhân tài, mà theo một ý kiến "quy tụ và sử dụng nhân tài là một thử thách bản lĩnh người lãnh đạo mới". Đúng như GS Hồ Sĩ Vịnh đặt vấn đề: "Người lãnh đạo ở cấp vĩ mô hay ở một ngành, một tỉnh phải là người có kiến văn tổng hợp, có nhãn quan xa rộng, có phương pháp tư tưởng cởi mở, khoáng đạt mới phát hiện được tài năng và quy tụ người tài".

Thế nhưng việc quy tụ và sử dụng người tài hiện đang ra sao?

"Có một thực tế đau lòng là nhiều lãnh đạo không muốn nhân viên hơn mình. Họ lựa chọn cán bộ không phải bằng tài mà bằng tiền hoặc bằng tình. Người họ chọn phải dễ bảo, biết nghe lời", nhà văn Lê Thành Chơn chua chát.

Điều đáng lo lắng hơn cả, nói như PGS.TS Đặng Việt Bích, phó Viện trưởng Viện văn hóa thông tin "xem ra kiểu tuyển chọn, cung cách tuyển chọn như hiện nay thì kết quả nhiều khi là những phần tử cơ hội lại được tuyển chọn chứ không phải người tài".

"Nếu một người có tài nay được giao việc này, mai việc khác, nay làm đề án này vì trên đặt, mai làm đề án khác vì nước ngoài cho (như hiện nay có phong trào chạy theo đề tài), có thể giải quyết được khó khăn trong đời sống trước mắt, chứ làm sao thành nhân tài được" (GS Đặng Nghiêm Vạn)

GS Hoàng Tuỵ gọi đó là "bệnh làng nhàng". Theo "bắt mạch" của GS, với "bệnh" này, nhiều cán bộ, công chức chỉ cần chăm chỉ làm việc, tuân thủ kỷ luật, không bị kêu ca quá mức, không để xảy ra tai tiếng, lại biết "quan hệ" tốt với cấp trên, thế là được đánh giá có năng lực.

Công tác tổ chức vì thế phạm nhiều sai lầm khi xem xét con người. Dẫn đến tình trạng phổ biến là trong bộ máy lãnh đạo các cấp có quá nhiều người thiếu tài nhưng cứ thăng tiến đều đều. Mà thủ trưởng kém cỏi thì sao đánh giá đúng năng lực các cấp dưới, rốt cuộc căn bệnh làng nhàng lây lan ra cả hệ thống: trên làng nhàng, dưới cũng làng nhàng.

Một nhầm lẫn tai hại khác là cứ tưởng giỏi chuyên môn thì sẽ giỏi quản lý, do đó đề bạt chuyên gia giỏi làm những chức vụ quản lý cao rồi biến họ thành những nhà quản lý tồi, đến khi thôi quản lý thì khả năng chuyên môn cũng mai một nốt. GS Tuỵ gọi đó là một thất bại kép.

Muốn có nhân tài, phải tạo niềm tin

GS Đặng Nghiêm Vạn nêu chuyện thực tế của bản thân. Trong quá trình nghiên cứu, ông từng gặp chuyện hạn chế tiếp cận với những tài liệu, số liệu với lý do những cái đó được gọi là trái chiều, tài liệu mật, thậm chí với những số liệu cũ nằm kho lưu trữ. Có tài liệu thực ra không có gì là mật, lại chỉ cấp cho lãnh đạo để biết, chứ không cung cấp cho người cán bộ khoa học nhất thiết phải có, để rồi buộc cán bộ này lại tiếp cận chui qua bạn bè, hoặc mua qua những người thân thích, hay của các ngành, ban xua đã từng cung cấp cho họ, hay hoan hỉ thỉnh thoảng được cấp trên "ban ơn" cho xem.

"Là một cán bộ đã lâu năm, đã từng phải trải qua những điều kiện trên, xin hỏi liệu Nhà nước còn tin cán bộ khoa học không, nói chi là mong muốn đào tạo họ thành nhân tài?", GS Vạn băn khoăn.

Những học sinh đạt giải trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2004. Nếu được đào tạo và sử dụng tốt, đây sẽ là "nguồn" tài năng cho đất nước.

Nhà báo Phan Quang, trong khi đề xuất chính sách trọng dụng nhân tài, cũng đề cập tới động lực này: "Các cơ quan đầu não quốc gia phải là những tấm gương quy tụ những người có thực tài của đất nước, kiên quyết bịt những lối tắt, từ đó những kẻ bất tài song khéo xử sự, bằng cách này hay cách khác len lỏi tới đỉnh cao quyền lực".

Theo nhà báo Phan Quang, giải pháp này tuy không tác động trực tiếp song có ý nghĩa rất lớn, bởi nhân tài sẽ nhìn vào các cơ quan đầu não mà thực có lòng tin vào chính sách nhân tài của Nhà nước nay không".

Chăm sóc tài năng như khách sạn 5 sao chăm khách hàng

Với nhà báo Trường Giang, phải nâng công tác nhân sự lên tầm khoa học thì chuyện sử dụng và đãi ngộ người tài mới có hiệu quả. Theo đó thì những người làm công tác nhân sự phải là người có năng lực quản lý và chuyên môn tốt, có đạo đức trong sáng.

Một cách hình ảnh, nhà văn Lê Thành Chơn so sánh: Trong ngành du lịch, đặc biệt là các khách sạn 5 sao và các công ty lữ hành tầm cỡ, khoảng 10 năm nay người ta tổ chức ra một bộ phận gọi là chăm sóc khách hàng. Việc này nhằm làm hài lòng "đầu ra", cũng có nghĩa là sẽ thu càng nhiều hơn "đầu vào".

Trong tất cả các lĩnh vực ta đều có tài năng. Có điều, chúng ta vẫn còn thói quen của chủ nghĩa bình quân và tự nhiên, cứ để nhân tài tự nhiên có và nhà nước chỉ dùng mà không phải lo, không phải bỏ công sức để cho nhân tài nảy nở. Do đó, người tài cứ "chảy về chỗ trũng", tức là: ở đâu có đất để phát triển thì ở đó tài năng Việt Nam sẽ tuôn về nơi đó.

Nhà nước cần có bộ phận chăm sóc tài năng,  chính sách đối với tài năng và ngân sách bồi dưỡng tài năng cụ thể - nhà văn đề xuất.

GS Phạm Khắc Lãm thì đề nghị cụ thể hơn "phải tuyệt đối chống lại tư tưởng chèn ép, trù úm cán bộ dưới quyền, sợ người khác giỏi hơn mình. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan quản lý cán bộ, cơ quan làm công tác tư tưởng".

Mọi chuyện, như GS Hoàng Tuỵ đã nói thẳng "muốn đất nước mau giàu mạnh, bản lĩnh quan trọng của lãnh đạo là biết đánh giá đúng và mạnh dạn sử dụng người tài, kể cả người tài hơn mình".

  • Hạ Anh (lược thuật)

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,