Bộ GD-ĐT vừa đề nghị Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện Đề án đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách (Đề án 322) đến năm 2014. Cùng với việc được bổ sung kinh phí, kéo dài thêm thời gian thực hiện, trong giai đoạn tiếp theo thực hiện đề án sẽ có một số điều chỉnh trong định hướng đào tạo.
Ông Phạm Sỹ Tiến |
Ông Phạm Sỹ Tiến, trưởng ban điều hành các đề án đào tạo nước ngoài (Bộ GD-ĐT), cho biết:
- Một trong những điều kiện thuận lợi cơ bản để có thể kéo dài thời gian thực hiện là đề án mới được Chính phủ bổ sung khoản kinh phí 33 triệu USD. Theo thỏa thuận giữa hai nước VN và LB Nga, số tiền lãi của khoản tiền VN nợ LB Nga, tương đương 50 triệu USD, sẽ được sử dụng để thực hiện một chương trình đào tạo cho VN tại các trường ĐH Nga (hiệp định xử lý nợ).
Nhưng do chúng ta trả nợ sớm hơn thời hạn nên 33 triệu USD trong số tiền lãi đó đã thuộc toàn quyền sử dụng của Chính phủ VN. Số tiền này sẽ được sử dụng trong tám năm, bình quân mỗi năm chúng ta có hơn 4 triệu USD.
Thưa ông, trong giai đoạn tiếp theo phương thức tuyển sinh, đào tạo của đề án có gì mới không?
- Kể từ khi bắt đầu triển khai đến nay, trong khuôn khổ Đề án 322 đã tuyển được 2.019 thí sinh. Trong đó, 1.388 người (chưa kể 300 thí sinh mới trúng tuyển năm 2004) đã đi đào tạo ở nước ngoài, nhiều nhất là ở Úc, Mỹ, Anh, CHLB Đức... Theo đánh giá của chúng tôi, ta mới đạt được mục tiêu là đào tạo cán bộ ở nước ngoài.
Dự kiến mỗi năm sẽ có 400 suất học bổng, trong đó đào tạo trình độ tiến sĩ là 200, 100 đào tạo thạc sĩ, 40 học bổng bậc ĐH và 60 thực tập sinh khoa học. Những lĩnh vực ngành nghề sẽ được ưu tiên tuyển chọn cử đi đào tạo là công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông, năng lượng, khoa học vật liệu, công nghệ sinh học, các ngành phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, nông-lâm nghiệp. |
Còn trong giai đoạn tới, chúng tôi muốn thông qua đề án này thực hiện mục tiêu kép: vừa đào tạo được cán bộ, vừa chuyển giao được một số công nghệ, chương trình đào tạo tiên tiến của các cơ sở đào tạo nước ngoài vào VN, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo trong nước. Thậm chí có thể xây dựng được một số chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế làm nòng cốt.
Vì vậy, định hướng trong những năm tới, ngoài hình thức đào tạo toàn bộ thời gian ở nước ngoài hoặc cơ sở nước ngoài tại VN, đề án sẽ chú ý ưu tiên tuyển sinh đào tạo ở các chương trình liên kết hay phối hợp đào tạo giữa một trường ĐH trong nước với một đối tác có uy tín, chất lượng của nước ngoài. Theo đó, người học sẽ học một nửa thời gian trong nước, một nửa ở nước ngoài tại cơ sở đối tác.
Chắc chắn thông qua phương thức đào tạo này, kinh phí đầu tư của chúng ta sẽ thu được lợi nhiều hơn: không chỉ có người học mà cả đội ngũ giảng viên cũng được tham gia đề án, có cơ hội tiếp cận, cọ xát với các chương trình, phương thức đào tạo tiên tiến, cùng làm việc, trao đổi với các giáo sư nước ngoài. Nội dung, giáo trình, phương thức đào tạo... của những chương trình liên kết có chất lượng này sẽ từng bước được chuyển giao vào các trường ĐH VN.
Hiện ở VN đã có khá nhiều chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Vậy những chương trình nào sẽ được đề án chọn để gửi người vào học?
Hiện chúng tôi mới lựa chọn các chương trình đào tạo phối hợp giữa một cơ sở trong nước với một đối tác nước ngoài ở bậc sau ĐH, gồm 11 chương trình đào tạo bậc tiến sĩ và một chương trình đào tạo thạc sĩ. Tiêu chuẩn lựa chọn là chất lượng đào tạo của cả hai bên đối tác.
Đối với phía nước ngoài phải là những cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng đã được thừa nhận trên thế giới. Đối với 11 chương trình đào tạo tiến sĩ phối hợp được đề án chấp thuận gửi người vào học có chín chương trình ở Hà Nội, một ở ĐH Huế và một ở ĐHQG TP.HCM.
Mới chỉ có một chương trình phối hợp đào tạo thạc sĩ của Viện Công nghệ châu Á (AIT) trong các ngành công nghệ thông tin, hệ thống công nghiệp, công nghệ môi trường với một nửa thời gian ở AIT VN, một nửa ở AIT Thái Lan. Hiện chúng tôi đang tiếp tục xem xét lựa chọn thêm hai chương trình đào tạo phối hợp thạc sĩ nữa của ĐHQG Hà Nội với ĐH Osaka (Nhật Bản) và ĐH Paris Sud (Pháp).
- Trong những năm qua không ít người đã trúng tuyển nhưng chưa thể đi du học vì chưa đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ của cơ sở đào tạo nước ngoài. Trong hoàn cảnh đó, điều kiện tuyển, xét cấp học bổng của đề án có gì thay đổi không, thưa ông?
- Trong quá trình thực hiện qua từng năm, chúng tôi cũng đã từng bước nâng cao, siết chặt hơn yêu cầu ngoại ngữ. Đồng thời bằng nhiều hình thức, đề án cũng đã tổ chức các khóa nâng cao trình độ ngoại ngữ cho thí sinh trúng tuyển. Mặt khác, trong các đợt tuyển sau này, thí sinh khi chọn trường để đăng ký cũng đã chuẩn bị khả năng ngoại ngữ phù hợp nên tỉ lệ này có giảm dần.
(Theo Tuổi Trẻ)