Giám đốc Học viện Tài chính Vũ Văn Hoá: Không nên để HS mua quá nhiều hồ sơ
Việc định điểm sàn cho các khối thi là cần thiết để đảm bảo chất lượng đầu vào, tránh tình trạng một số trường có ngành khó tuyển lấy điểm thấp để tuyển đủ chỉ tiêu. Mức điểm sàn cho mỗi khối thi ĐH ít nhất phải đạt 15 mới đảm bảo chất lượng đào tạo.
Nếu Bộ GD-ĐT tính toán cho công bố điểm sàn trước khi các trường công bố điểm thì hợp lý hơn. Học sinh (HS) có "chuẩn" để phấn đấu nâng cao trình độ ngay từ khi còn học phổ thông. Một số trường khó tuyển cũng liệu đường tính toán cách để tuyển đủ thí sinh.
Trách nhiệm của ban đề thi rất lớn! |
Theo một thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, cách đây vài năm, Bộ GD-ĐT cũng đã bàn và giao cho sở GD - ĐT đảm nhận việc in, phát hành hồ sơ đăng ký dự thi, nhưng có Sở GD-ĐT gửi công văn không nhận. Lý do là số lượng triển khai không nhiều và độ chính xác thì Bộ hợp lý hơn. Còn việc công bố điểm sàn trước thì trách nhiệm của Ban ra đề thi rất lớn; nếu công bố sau thì việc bảo đảm chất lượng đầu vào sẽ khó khăn vì các trường thiếu chỉ tiêu sẽ đề nghị hạ điểm sàn. Dự kiến "ngưỡng" vào ĐH năm 2005 cho các khối là 15 điểm. |
Đồng thời, việc công bố điểm sàn trước sẽ không còn đột ngột với một số trường dân lập lâu nay lấy mức điểm chuẩn thấp.
Tuy nhiên, cùng với phương án này, Bộ GD - ĐT phải ban hành những văn bản hướng dẫn có tính chất pháp quy để phòng ngừa tiêu cực có thể xảy ra với một số trường, cá nhân thừa thời cơ trục lợi.
Thay vì in và phát hành hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) như mọi năm, dự kiến giao việc này cho Sở GD-ĐT của Bộ là hợp lý. Tuy nhiên việc bán và bán cho đối tượng cần thiết thì phải cân nhắc kỹ để tránh hiện tượng hồ sơ "ảo" và lãng phí cho các trường.
Về việc in và phát hành hồ sơ ĐKDT dù Bộ hay Sở đảm nhận, phải tính toán để có giải pháp hạn chế số lượng hồ sơ/HS. Không nên để cho HS mua quá nhiều hồ sơ. Nên để cho các trường phổ thông phân phối hồ sơ ĐKDT là khả thi nhất.
Chuyên gia tư vấn tuyển sinh Trần Trọng Miêng, trường ĐH Mở Bán công TP.HCM:
Nên có điểm sàn cho từng nhóm trườngCông bố điểm sàn trước làm HS lo lắng nhưng cũng có cái lợi là các em thấy được "chuẩn" trước để tự xác định năng lực của mình; có thể chọn thi trường nào, hệ nào cho hợp.
Tuy nhiên, điểm sàn phải nên phân định cho từng nhóm trường chứ không để như năm rồi. Theo báo cáo tổng kết thì vẫn đảm bảo 100 % chỉ tiêu tuyển sinh toàn quốc. Nhưng đó là lấy chỉ tiêu của những trường "tốp" trên, "tốp" giữa để "sân siu" cho" "tốp" dưới. Còn các trường"tốp" dưới rất vất vả, có nhiều trường tìm cách lách, xé rào như Bình Dương. Tốt nhất là nên để điểm sàn cho từng nhóm trường.
Th.S Trần Đình Lý, giảng viên ĐH, Ban chủ nhiệm CLB các nhà tư vấn hướng nghiệp các trường ĐH, CĐ phía Nam:
Chỉ nên có 1 chung: Chung đềĐiểm sàn và NV2, 3 là con dao 2 lưỡi. Ngoài những mặt được, lại nảy sinh những "bất cập hại".
Trong thực tế, nếu thiếu 1-2 điểm, cho dù phù hợp với ngành nghề đó, thích và sẽ gắn bó lâu dài với nó sau này, thí sinh vẫn phải nhường chỗ cho những trường hợp khác có thể hơn 1, 2 điểm nhưng rớt nguyện vọng 1! Đó chỉ là một sự lựa chọn tạm thời, trú chân tạm bợ.
Không nói nhiều cũng dễ thấy rằng: nhu cầu đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ của nhiều ngành, nhiều nơi đang rất lớn. Nhưng lại đang thiếu một cách trầm trọng. Có địa phương chỉ có vài người đi học ĐH, nhưng học xong họ ở lại thành phố cho dù với những công việc không “ăn nhằm” gì với 4-5 năm ĐH. Như vậy, có một sự rất khác nhau về nhu cầu xã hội. Nếu làm “chung một sàn” sẽ khó khả thi.
Có lẽ, nên tổ chức thi "một chung" thôi, đó là chung đề. Thí sinh thi trường nào thì chỉ thi trường đó. Mọi việc còn lại để các trường tùy theo điều kiện rất khác nhau của mình mà có sự chọn lựa phù hợp.
- Cam Lu - Kiều Oanh (ghi)