(VietNamNet) - Những điều chỉnh tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2005 đã được đưa ra bàn bạc tại cuộc họp Ban chỉ đạo tuyển sinh qua cầu truyền hình Hà Nội - Huế - TP.HCM tổ chức sáng nay. Theo Thứ trưởng Bành Tiến Long, Bộ GD - ĐT sẽ ban hành Quy chế tuyển sinh năm 2005 với đầy đủ những quy định cần thiết. Việc này nhằm hạn chế tối đa việc ban hành các văn bản hướng dẫn kèm theo.
Thí sinh làm bài thi (Ảnh: NV) |
Ông Nguyễn Hữu Bạch, Vụ trưởng Vụ Giáo dục (Ban Khoa giáo Trung ương) cũng đồng tình với chủ trương này và cho rằng: để giảm căng thẳng trong thi tuyển sinh hàng năm Bộ GD - ĐT nên hướng đến cho các trường THCN cũng dựa vào kết quả thi ĐH theo đề thi chung để xét tuyển...
Vấn đề thu hút nhiều ý kiến tham gia là có nên công bố điểm "sàn" trước hay sau khi cókết quả thi của thí sinh.
Phần lớn các ý kiến nhất trí là nên thống nhất điểm sàn ĐH là 15 và phải xem xét công bố trước. Còn mức điểm sàn CĐ dự kiến là 12 điểm thì cần phải có khảo sát vùng, miền và các ngành đào tạo cụ thể trước khi quyết định.
Ông Huỳnh Minh Trí, phó Giám đốc Sở GD - ĐT TP.HCM cho rằng: nên ĐH trước vì sẽ tạo được điều kiện phân luồng cho HS vào trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Đối với các trường ĐH, CĐ trung ương không nên hạn chế nguồn tuyển. Không cần thiết phải quy định mà trường và nên cho thí sinh ghi đầy đủ tên trường vào phiếu đăng ký dự thi.
Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Lâm Mai Long lý giải, khi chúng ta xác định điểm sàn nghĩa là các cơ sở khoa học cũng như yếu tố bảo đảm chất lượng đã được tính đến. Vậy nếu đủ cơ sở để khẳng định tạo được sự phân luồng HS thì nên công bố trước khi có kết quả thi. Mặt khác sẽ giảm được quy mô tuyển sinh và tốn kém cho xã hội.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không nhất thiết phải quy định một mức điểm "sàn" ĐH là 15 mà nên có điểm sàn theo từng khối...Việc công bố đáp án cũng cần thiết nhưng không nên vội vã để tránh một số sự cố có thể xảy ra. Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Bùi Mạnh Nhị đề xuất, năm nay trước khi công bố đáp án Bộ GD - ĐT nên gửi cho các trường tham khảo, hoặc tổ chức họp để thống nhất đáp án chính thức.
Điểm "sàn" hệ CĐ dự kiến 12 là chưa hợp lý, cần phải cân nhắc thêm về điều kiện vùng miền cũng như các ngành nghề đào tạo. Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục Nguyễn An Ninh cho hay, để bảo đảm chất lượng đầu vào hệ CĐ, tiến tới Bộ sẽ có khảo sát cụ thể về điều kiện cũng như các ngành nghề đào tạo. Từ đó mới có quyết định chính thức mức điểm "sàn" CĐ là bao nhiêu.
Ở các môn khoa học xã hội và nhân văn "barem" điểm không nên quy định quá chi tiết tới 0,25 điểm - ông Nhị đề xuất.Vì như vậy người chấm sẽ rất khó khăn khi quyết định trong quá trình chấm.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT sẽ bỏ chế độ hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú đối với học sinh (HS) các lớp chuyên. Những HS này hưởng ưu tiên khu vực theo nơi học và tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.
Ngoài ra, những thí sinh chỉ có nguyện vọng học tại các trường không thi tuyển sinh phải nộp hồ sơ đăng ký dự thi cho các trường này. Các trường này có trách nhiệm gửi học sinh dự thi tại các trường ĐH cùng khối thi, sau đó nhận kết quả thi để xét tuyển đợt 1.
Những vấn đề còn nhiều ý kiến đóng góp sẽ được Ban chỉ đạo tập hợp, nghiên cứu điều chỉnh phù hợp; đồng thời tạo quyền chủ động hoàn toàn cho các trường...
Dự kiến, quyết định chính thức sẽ được đưa ra tại cuộc họp triển khai trong tháng 1/2005, với sự tham dự của các trường, các cơ sở đào tạo trong cả nước.
-
Kiều Oanh
Tuyển sinh 2005: có những thay đổi gì?
(VietNamNet) - Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ đang xem xét phương án tuyển sinh 2005 theo tinh thần "không thay đổi lớn so với năm 2004 nhưng có chỉnh sửa một số chi tiết cho phù hợp hơn". Theo đó, học sinh chuyên không được ưu tiên theo hộ khẩu thường trú, thi ngoại ngữ bằng trắc nghiệm, điểm sàn có thể là 15,TS được "gửi" thi ở trường gần nhà...
Thi mẫu trắc nghiệm vào đầu học kỳ 2
(VietNamNet) - Đây là một trong 5 nội dung hướng dẫn tổ chức thi trắc nghiệm đối với môn ngoại ngữ năm 2005 sẽ được Bộ GD-ĐT ban hành trong ngày hôm nay.