Từ năm 2005, 5 trường ĐH trong cả nước sẽ tự lo tài chính để hoạt động. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chủ trương tăng học phí để lo việc này.
Tháng 10/2004, Bộ GD-ĐT đã mời 5 trường: Kinh tế TP.HCM, Ngoại ngữ Hà Nội, Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân và Đại học Mở Hà Nội để phổ biến chủ trương tiếp tục giao quyền tự chủ tài chính. Ngày 20/11, trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã làm xong đề án “bù” phần kinh phí được cấp để chi thường xuyên và gửi cho Bộ GD-ĐT. Đến nay, có trường chưa làm xong đề án.
Trong khi đó, ngày 1/11/2004, công văn của Bộ GD-ĐT gửi 5 trường, dự kiến kể từ 2005 phải tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên.
Ông Phạm Văn Năng, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TP.HCM thắc mắc: Năm học của các trường là từ tháng 9 năm nay đến tháng 8 năm sau, và kế hoạch thu chi tài chính trong năm học này đã được xây dựng từ đầu năm học (9/2004). Nếu Bộ GD-ĐT lại lấy năm dương lịch 2005 để thực hiện chủ trương thì việc chỉnh sửa kế hoạch thu chi của 7 - 8 tháng còn lại đâu đơn giản chỉ trên giấy tờ và trường sẽ lấy tiền từ nguồn nào để bù cho những tháng bị cắt?
Tại trường ĐH Kinh tế TP.HCM, trong 3 năm qua, phần ngân sách cấp khoảng 25%, còn lại 75% thu từ học phí. Dự kiến, trường sẽ tăng học phí đại học chính quy từ 1,8 triệu đồng/năm hiện nay lên 2,5 triệu/năm.
Tuy nhiên, đề án tăng học phí này phải được Chính phủ cho phép mới thực hiện được. Ông Năng cho biết: nếu có chủ trương tăng học phí thì trường sẽ có khả năng “tự chủ tài chính”.
Còn giải pháp tăng thêm quy mô tuyển sinh cũng không khả thi khi số SV/GV hiện đã cao, chưa kể phòng ốc thiếu thốn, phải thuê phòng để có chỗ cho SV học. Việc tuyển dụng thêm giảng viên trong tình hình tài chính hiện nay cũng không đơn giản.
Đề án của trường chỉ là ngắn hạn để đối phó tình thế trước mắt, do chưa nắm hết các giải pháp của Chính phủ trong lộ trình cải cách tiền lương để lên kế hoạch dài hạn về tài chính của trường. Khi làm đề án, trường chưa dự liệu hết được việc tăng lương cho cán bộ công chức năm 2005, 2006, 2007 theo đề án cải cách tiền lương của Chính phủ.
Trước mắt, Bộ GD-ĐT đã đồng ý tạm giao ngân sách chi thường xuyên 6 tháng đầu năm 2005. Và sau khi các trường nộp đề án, Bộ sẽ căn cứ vào đề án được duyệt để xử lý tiếp.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)