Ngày 11/7, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi gặp gỡ các nhà giáo trong Hội đồng quốc gia giáo dục, đề nghị "hiến kế" chấn hưng giáo dục |
23 trí thức gửi kiến nghị chấn hưng giáo dục tới Thủ tướng Chính phủ
GS Hoàng Tuỵ khởi xướng một xemina thường kỳ diễn ra từ tháng 2 đến tháng 9/2004 với sự tham gia của 22 trí thức trong và ngoài nước. Ý kiến từ những buổi hội thảo này đã được tập hợp thành một bản kiến nghị "Chấn hưng cải cách hiện đại hóa, giáo dục".
Bản kiến nghị đã phân thực trạng của giáo dục để tìm ra cái gốc các khó khăn và bất cập hiện nay; đồng thời đề xuất phương hướng hiện đại hoá giáo dục để khắc phục các khó khăn và bất cập một cách cơ bản.Bên cạnh đó, còn trình bày một số giải pháp cấp bách cần thực hiện để trả lại môi trường hoạt động bình thường cho giáo dục, và mở đường chuyển dần sang cải cách, hiện đại hoá toàn hệ thống.
Từ sự "khởi xướng" này, báo chí đã dấy lên loạt thông tin về "chấn hưng giáo dục" thu hút sự tham gia của nhiều thành phần xã hội.
Những giáo sinh tương lai sẽ là nguồn kế cận tốt cho đội ngũ giáo viên |
Ban bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
"Đây là nhiệm vụ vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài nhằm thực hiện thành công chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010 và chấn hưng đất nước". Chỉ thị ngày 15/6 của Ban Bí thư Trung ương Đảng nêu rõ.
Theo Chỉ thị quan trọng này, có 6 nội dung cụ thể cần triển khai, trong đó đáng lưu ý là việc tiến hành rà soát, sắp xếp lại đội ngũ để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm đủ số lượng và cân đối về cơ cấu; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã trình đề án về việc "sàng lọc" đội ngũ giáo viên, sẽ tiến hành công việc hệ trọng này trong năm 2005 và dự kiến hoàn thành trong 2-3 năm tới.
Trước ngày thi (9/7), sĩ tử tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám thắp hương cầu may |
Lần đầu tiên quy định "điểm sàn"
Ngày 12/8, Hội đồng xác định điểm sàn tuyển sinh ĐH, CĐ (Bộ GD-ĐT) đã có buổi họp thống nhất mức "điểm sàn" tuyển sinh ĐH, CĐ 2004. Đây là lần đầu tiên trong tuyển sinh ĐH đặt "ngưỡng" để loại những bài thi không đủ điều kiện xét tuyển. Điểm sàn tức là điểm tối thiểu của bài thi ĐH mà thí sinh cần đạt được để tham gia xét tuyển ĐH, CĐ.
Mức điểm này tính cho 3 bài thi của tất cả thí sinh thi theo đề chung. Với hệ ĐH, điểm sàn khối A và D là 14, điểm sàn khối B, C là 15. Điểm sàn tương ứng cho các khối của hệ CĐ thấp hơn hệ ĐH là 3 điểm.
Với quy định chặt về điểm sàn, một số trường ĐH dân lập đã không tuyển đủ thí sinh theo chỉ tiêu được giao và có trường đã phải "lách" luật để tuyển cho đủ thí sinh.
Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT dự kiến từ năm 2005 trở đi sẽ áp dụng mức điểm sàn là 15 cho hệ ĐH.
Các trường ĐH ngoài công lập hiện nay chủ yếu đào tạo ngành tin học, kinh tế |
Thành lập Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam
Một tổ chức tập hợp các cơ sở đào tạo ĐH ngoài công lập của Việt Nam đã ra mắt vào ngày 12/9 sau 2 năm vận động. Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trần Hồng Quân nắm vai trò Chủ tịch Hiệp hội. Hiệp hội có sự tham gia của 20 trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Đây là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, liên kết tự nguyện, phi vụ lợi. Hoạt động của hiệp hội nhằm tập hợp, liên kết các trường hội viên thành một khối thống nhất, biến nội lực của từng hội viên thành sức mạnh của hiệp hội để vươn lên ngang tầm bình đẳng với các trường ĐH trong nước, khu vực.
Trường ĐH ngoài công lập đầu tiên là ĐH Thăng Long (Hà Nội) được thành lập năm 1988. Đến nay, cả nước có 27 trường ĐH, CĐ ngoài công lập, đào tạo 120.000 sinh viên (chiếm 12%). Theo chiến lược phát triển giáo dục, đến năm 2010 sẽ có 40% sinh viên học tại các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.
Tại kỳ họp Quốc hội khóa XI (tháng 11), Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải nêu rõ: sẽ chuyển một bộ phận của giáo dục sang dịch vụ để tập trung nguồn lực cho vùng khó |
Chính phủ báo cáo tình hình giáo dục và Quốc hội ra Nghị quyết về giáo dục
Không thành lập Ủy ban lâm thời đánh giá tình hình giáo dục như đề nghị của đại biểu Nguyễn Đức Dũng, nhưng Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ có báo cáo đánh giá tình hình giáo dục. Đây là cơ sở để khẳng định "chất lượng giáo dục VN thực tế ra sao" trước những luồng dư luận trái chiều về chất lượng giáo dục cao hay thấp.
Tháng 5/2004 ban chỉ đạo xây dựng báo cáo đã được thành lập. Bản báo cáo này được xây dựng và hoàn tất sau 10 lần dự thảo, gồm 23 trang, tập trung vào tình hình giáo dục từ năm 1998 đến nay. Đây là bản báo cáo thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận nên buổi báo cáo trước Quốc hội ngày 15/11 và phiên thảo luận về báo cáo đã được truyền hình trực tiếp. Sau đó, ngày 25/11, Quốc hội đã có Nghị quyết về giáo dục với tỷ lệ tán thành của đại biểu là 76,97%. Nghị quyết nêu 7 nội dung trọng tâm, trong đồng ý tăng ngân sách cho giáo dục lên 20%.
-
VietNamNet