Trò chuyện với người trẻ nhất được công nhận chức danh GS năm 2004, GS-TS Nguyễn Hữu Đức, Phó hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ (ĐH QG Hà Nội) quanh vấn đề xét chức danh GS.
Thưa GS, vừa qua, dư luận đề cập nhiều đến vấn đề xét chức danh GS Việt Nam, đơn cử như đối tượng xét chức danh không hợp lý, tiêu chuẩn xét còn thấp... Là một người trẻ nhất vừa trở thành GS, ông có suy nghĩ gì về điều này?
Nhìn chung, tôi thấy dư luận phản ánh có điều đúng, nhiều điều không đúng. Là "người trong cuộc" lại có điều kiện tiếp cận với một số ứng viên, tôi thấy ngạc nhiên về một số điều mà dư luận "kết luận", thí dụ như nói trình độ ngoại ngữ của nhiều GS quá thấp là không chính xác. Nhiều GS tôi được biết có khả năng trao đổi những vấn đề về học thuật bằng ngoại ngữ rất tốt.
Việc xét chức danh GS cho những ứng viên đang công tác ở các viện nghiên cứu, cơ quan sự nghiệp khác ngoài trường học, theo ông có nên không?
Theo tôi thì nên xét chức danh cho những người đang ở vị trí giảng dạy trong nhà trường thì hợp lý hơn. Không nên có kiểu GS "hờ", có danh không gán với chức vụ. Ở nhiều nước, Hội đồng xét chức danh GS quốc gia chỉ thực hiện chức năng xét va công nhận các ứng viên có đủ điều kiện trở thành GS. Còn các trường tùy theo yêu cầu thực tế của các ngành đào tạo có thể xét chức danh GS cho những ứng viên phù hợp với yêu cầu đó. Chúng ta cũng nên làm như vậy.
Việc chỉ xét chức danh GS cho người đang làm công tác giảng dạy cũng có cái lợi là những ứng viên có trình độ ở các viện nghiên cứu buộc phải tham gia giảng dạy thực sự, tham gia và hướng dẫn nghiên cứu khoa học ở các trường. Từ đó, các trường có thể thu hút được "chất xám" từ bên ngoài.
Cụ thể thì theo ông, điều kiện xét chức danh GS phải thế nào?
Tôi nghĩ, GS phải có một hướng nghiên cứu riêng, tạo ra một trường phái khoa học riêng. Ở một số nước, một chuyên ngành hẹp của một trường ĐH không bao giờ có đến hai GS. GS phải có uy tín đối với quốc tế, phải có các bài viết in trên tạp chí nước ngoài, những bài viết có được tỷ lệ người tham khảo, trích dẫn nhiều.... GS phải là lực lượng tin cậy của quốc gia. Tóm lại, tiêu chuẩn xét GS sẽ phải nhích dần lên, nhưng không phải là những quy định mang tính hình thức.
Là người được xét chức danh GS ở tuổi trẻ nhất Việt Nam, tính đến thời điểm này, GS có nhận xét gì về tuổi trung bình của GS Việt Nam so với các nước khác? Trong một vài năm tới, liệu đội ngũ GS trẻ có thể thay thế lớp già đang ở ngưỡng cửa về hưu không?
Ở Việt Nam, tôi là trẻ nhất, nhưng so với các nước tôi chỉ ở độ tuổi trung bình của GS. Nhiều quốc gia khác, GS ở độ tuổi ngoài 30 là bình thường. Tuổi trung bình của GS Việt Nam như hiện nay là già. Thế hệ những GS ở tuổi ngoài 60 khá đông. Những GS ở tuổi này đến thời điểm nghỉ hưu sẽ gây nên một thiếu hụt lớn vì không có đội ngũ kế cận tương ứng. Tôi chỉ thí dụ ở Khoa Lý - ĐH Quốc gia Hà Nội, nơi tôi làm việc trước đây và được xét GS ở đó, vài ba năm tới số GS mới bổ sung vẫn chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Trường ĐH Khoa học tự nhiên trong đợt xét GS vừa qua có thêm 13 GS và PGS, nhiều nhất nước, nhưng vẫn không thể bù được số lượng GS, PGS nghỉ hưu.
Để có một đội ngũ GS có chất lượng và được trẻ hóa thì Nhà nước cần làm gì? Vấn đề tài chính có phải là yếu tố quan trọng nhất không?
Câu hỏi này khiến tôi nhớ đến một câu chuyện nghe được từ một đồng nghiệp người nước ngoài mà tôi rất tâm đắc. Chuyện là: Một sinh viên đến xin nhập học tại một trường danh tiếng, ông hiệu trưởng nói với sinh viên đó: "Anh không cần học, tôi có thể cấp bằng cho anh!" Sinh viên trả lời: "Cảm ơn, nhưng xin thầy cứ cho tôi học xem thế nào đã rồi hãy cấp bằng". Trường hợp khác, một sinh viên đến từ một nước đang phát triển khi được ông hiệu trưởng thông báo tương tự đã vui vẻ cầm bằng về mà không cần học.
Điều tôi muốn nói là khi xã hội cần nhân lực ở mức độ nào, cần đội ngũ GS, PGS ở mức độ nào thì sẽ có nhân lực, GS, PGS ở mức độ đó. Nếu chỉ cần người có bằng cấp thì sẽ nhận được những người "không cần học, chỉ cần có bằng" như câu chuyện ở trên.
Trả lời thẳng vào câu hỏi, tôi nghĩ vấn đề tài chính cũng quan trọng, nhưng điều cần thiết đầu tiên là Nhà nước phải tính đến một hệ thống quy chuẩn, nhằm đánh giá thực chất và sử dụng nhân lực đúng với thực lực mà họ có.
Xin cảm ơn GS!
(Theo Thể thao-Văn hóa)