221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
565280
Rét đậm: vẫn không được nghỉ học
1
Article
null
Rét đậm: vẫn không được nghỉ học
,

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trời lạnh dưới 10oC thì Hiệu trưởng các trường tiểu học có thể cho phép HS nghỉ học. Tuy nhiên, trong đợt rét này, hầu như chưa có trường nào cho HS nghỉ.

Theo kế hoạch, trường Tiểu học Ngọc Lâm (TH NL) tổ chức cho HS toàn trường đi tham quan di tích Hoàng Thành và xem xiếc trong buổi sáng 11/1. Tuy  nhiên, vì trời rét đậm (kèm theo buổi sáng có mưa phùn) nên trường đã phải hoãn mà không thể thông báo trước cho phụ huynh (PH).

Trường TH Thượng Thanh cũng ngẫu nhiên xếp lịch đưa HS đi tham quan công viên nước Hồ Tây sáng 11/1. Vẫn đang trong đợt rét đậm kéo dài nên nhiều PH không cho con mình tham gia cuộc tham quan này. Tuy nhiên, nhiều em vì quá hào hứng nên năn nỉ bố mẹ để được đi. Trong số đó có em Nguyễn Tùng Anh (HS lớp 5C). Chúng tôi gặp Tùng Anh và các bạn của em (đều là HS trường TH Thượng Thanh) khi em vừa đi tham quan về.

Tùng Anh kể: “Rét quá nên chúng cháu ngồi chen nhau 4 bạn/ghế ô tô. Cháu bị kẹp giữa. Ấm hơn, nhưng khó thở!”. Nhân nói về chủ đề rét, một HS lớp 2C trường TH Thượng Thanh cho biết: “Lớp cháu đóng kín cửa, nhưng cửa sổ bị hở, bên trên cửa sổ lại có lỗ thông gió nên gió lùa lạnh lắm. Cháu mặc 6 áo mà vẫn lạnh. Có lúc lạnh quá, cháu chui xuống gầm bàn ngồi khi cô giáo không để ý”. Mấy em khác cũng nhao nhao: “Lớp cháu cũng thế!”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT HN: “Bộ GD-ĐT chỉ quy định chung chung là nhiệt độ dưới 10 oC (với TH) và 7 oC (với THCS) là cho phép HS nghỉ học. Trong khi dự báo thời tiết trong ngày thường đưa 2 mức thấp nhất và cao nhất. Nhiều trường không rõ cần phải áp dụng mức nào. Vì thế, chúng tôi đã hướng dẫn cụ thể hơn: Việc áp dụng là dựa theo thông tin dự báo thời tiết mức thấp nhất”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, trong dư luận PH cũng như các trường vẫn không thống nhất cách hiểu về quy định này.

Thời tiết lạnh kéo dài như mấy tuần qua là mối bận tâm lớn cho những người có con đang học phổ thông, đặc biệt là ở bậc TH.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trời lạnh dưới 10 oC thì Hiệu trưởng các trường TH có thể cho phép HS nghỉ học (với bậc THCS thì “ngưỡng” đó là 7 oC). Tuy nhiên, trong đợt rét này, hầu như chưa có trường nào  cho HS nghỉ học.

Theo một số cán bộ quản lý cấp Phòng, cấp Sở ngành GD&ĐT HN, không có biến động gì về sĩ số các lớp học. Kể cả những hôm trời lạnh ở mức từ 9 - 13 oC. Nhưng theo lời kể của HS một số trường, mấy hôm đó có khá nhiều bạn nghỉ học.

“Sự nghiệp học hành” thật vất vả!

Từ tháng 10, trường TH Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thực hiện việc vào học tiết 1 bắt đầu từ 8 giờ sáng. Như thế, HS không phải dậy quá sớm để chuẩn bị đến trường (trừ những em bố mẹ phải đi làm sớm). Quy định đó càng trở  nên “giá trị” đối với các em HS của trường trong những ngày rét đậm.

Nhưng không có nhiều trường áp dụng thời gian biểu đó, kể cả trong thời điểm cần sự linh hoạt của các hiệu trưởng như những ngày vừa qua. Chị Thuý (PH của cháu Minh, HS lớp 1 trường TH Hoàng Diệu, Q. Ba Đình) cho biết: “7 giờ 45 là cháu phải vào học, nhưng có hôm mới 7 giờ 40 đã thấy trống đánh rồi. Như vậy, cháu dậy lúc 6 giờ 20, ra khỏi  nhà là 7 giờ để còn  kịp đi ăn sáng. Lúc đó trời rất lạnh, tôi rất thương cháu nhưng chẳng biết làm sao! Chỉ biết mặc cho cháu thật ấm: găng tay, mũ len, khẩu trang, mặc 2 quần; áo thì có áo cốt tông, áo nỉ, áo len, áo khoác 3 lớp... Cháu kể là buổi trưa không ngủ được vì lạnh. Mấy cháu đắp chung một chăn, mà cháu lại hay nói chuyện nên cô giáo cho nằm ngoài cùng, chăn không phủ kín được người cháu”.

Trời lạnh là một cực hình đối với nhiều HS học bán trú. Nói chung, các trường đều trang bị đầy đủ chăn cho HS (bằng nguồn đóng góp cho PH). Chăn mỏng nhưng phòng kín, HS lại ngủ chung nên các em không bị quá lạnh.

Nhưng có những nơi việc tổ chức giữ ấm cho HS không được tốt. Như ở trường Ngọc Lâm chẳng hạn, PH phải tự cho con em mình mang chăn đến lớp (không có tủ, phải cất trong gầm bàn). Nhiều PH không để ý việc này khiến các cháu phải đắp nhờ nhau.

Những lớp bán trú là đều do nhà trường tổ chức nên cơ sở vật chất còn tử tế, cách thức tổ chức cũng quy củ hơn. Còn những lớp – nhóm trông trẻ (học 2 buổi nhưng 1 buổi học tại trường, 1 buổi do giáo viên đứng ra tổ chức) thì tình trạng còn vạ vật hơn.

12h trưa, chúng tôi có mặt ở ngõ Trần Xuân Soạn (Q. Hai Bà Trưng). Ở một nhà có 2 lớp của trường TH Lê Ngọc Hân (LNH) thuê. Tầng 1 là lớp 1C (gồm 25 HS). Các em nằm trên nền nhà. GV phụ trách không có mặt. Tầng 2 là lớp 2 D (26 HS). Khi chủ nhà vào giới thiệu có nhà báo đến, GV phụ trách xua tay từ chối không tiếp và không cho chụp ảnh.

Nhưng chúng tôi cũng kịp nhìn thấy hầu hết các em đều đắp những tấm vải mỏng. Có 3 em nằm sát cửa thì đắp bằng chính áo khoác của mình. Khi chúng tôi hỏi tại sao 3 em đó không đắp chăn, chủ nhà nói: “Chăn cất đầy trong tủ nhưng các cháu không thích đắp”!?

Trường TH LNH phải chung cơ sở vật chất với trường THCS LNH nên nếu muốn HS học 2 buổi/ ngày thì không thể không phải thuê ngoài. Được biết, riêng trong ngõ Trần Xuân Soạn có 4 nhóm – lớp của trường TH LNH.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, lãnh đạo Sở GD-ĐT HN cho rằng, tiết trời lạnh ảnh hưởng tới sức khoẻ cũng như tình hình học tập của HS (đặc biệt với bậc TH) là điều không thể tránh khỏi. Về mặt quản lý nhà nước, Sở cũng đã có văn bản đề nghị các trường thực hiện một số điều nhằm đảm bảo sức khoẻ cho HS ngay từ khi đợt lạnh bắt đầu. Trách nhiệm còn lại phụ thuộc vào sự điều tiết, tổ chức linh hoạt của các hiệu trưởng. Tuy nhiên, về phía phụ huynh cũng nên chủ động mặc ấm cho con em mình trước khi đến trường cũng như cho các cháu ăn sáng đầy đủ.

(Theo Tiền Phong)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,